Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 31/12/2012 10:11'(GMT+7)

Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh sau 5 năm nhìn lại

 Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập các tổ, xây dựng các đề án về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, qua đó thống nhất nội dung trình Thường trực Thành ủy về dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Sau đó, triển khai các bước lấy ý kiến góp ý, hoàn chỉnh bản dự thảo chương trình hành động, thông qua Ban Thường vụ và trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ để thảo luận và thông qua Nghị quyết về chương trình hành động.

Thành ủy đã ban hành chương trình hành động số 26-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Trong đó, tập trung xác định mục tiêu của công tác tư tưởng, lý luận và lãnh đạo báo chí nhằm củng cố, tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; bảo vệ, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại. Chương trình hành động yêu cầu công tác tư tưởng, lý luận, báo chí phải nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các cấp, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…

Chương trình hành động đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp công tác tư tưởng, lý luận, báo chí. Cụ thể là: Đẩy mạnh việc củng cố nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo các cấp, hướng mạnh công tác tư tưởng về cơ sở; đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở các cấp, các ngành; rà soát, sắp xếp, quy hoạch các cơ quan báo chí - xuất bản theo đúng tôn chỉ, mục đích; tăng cường công tác xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ của đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên trong tổ chức đảng của cơ quan báo chí - xuất bản… Trên cơ sở đó, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy tích cực triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí ở cấp mình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các cấp, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Có thể nhận diện rõ bước chuyển biến tích cực về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí ở TP. Hồ Chí Minh qua một số kết quả chủ yếu sau:

Trước hết, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở các cấp đã giúp hầu hết cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thành phố nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới. Trong đó, xác định rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là cấp ủy các cấp và trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy. Đồng thời, nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí của Đảng, coi công tác tư tưởng thực chất là công tác đối với con người, do vậy, thực hiện công tác tư tưởng đã đảm bảo phương pháp khoa học, nghệ thuật, kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao nhận thức với định hướng tư tưởng khoa học, sự thống nhất ý chí và hành động, giữa “xây” và “chống”… khẳng định công tác tư tưởng giữ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ, tổ chức bộ máy cán bộ tuyên giáo các cấp, trước hết thành lập ban tuyên giáo phường, xã, thị trấn. Theo đó, đổi mới phương thức thực hiện công tác tư tưởng và hướng mạnh về cơ sở, về những nơi có diễn biến tư tưởng bức xúc. Ban tuyên giáo các cấp đã xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động, quy chế làm việc; nâng cao chất lượng, phương pháp tổ chức lực lượng, phương tiện, phương thức công tác tư tưởng, lý luận, báo chí với nội dung, hình thức phong phú, sinh động. Kết hợp thực hiện Quyết định 184, 185 của Ban Bí thư (khóa X) về củng cố, kiện toàn trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Cán bộ thành phố, của trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện. Qua đó, rà soát củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường Cán bộ thành phố và đội ngũ giảng viên chuyên trách, kiêm chức của các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện và đảng ủy khối.

Hiện đã có 850 cán bộ giảng viên chuyên trách, kiêm chức về giảng dạy lý luận chính trị, nghiệp vụ ở các cấp của Đảng bộ thành phố. Hầu hết đội ngũ này có trình độ đại học trở lên, trong đó, 25% có trình độ thạc sĩ, 10% tiến sĩ; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng từng bước được đầu tư phát triển. Kết quả 5 năm, công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị của Đảng bộ thành phố đã mở được 59.648 lớp, với 6.794.020 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia học tập. Hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị đã giúp Đảng bộ thành phố phát triển nguồn nhân lực, giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Qua đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh chống chiến lược diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tình hình hiện nay.

Thứ ba, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện các nhóm đề tài về kinh tế, về văn hóa, giáo dục, về quản lý đô thị, về xây dựng Đảng như: “Đồng bộ hóa thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh”; “Kinh tế trang trại thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng và xu hướng phát triển”; “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thành phố Hồ Chí Minh”; “Nghiên cứu giá trị cốt lõi và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch thành phố Hồ Chí Minh”; “Phát triển văn hóa với giáo dục truyền thống lịch sử”; “Xây dựng những chuẩn mực đạo đức dạy và học trong hệ thống giáo dục phổ thông”; “Khai thác lễ hội lẫn sự kiện góp phần phát triển du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh”…; “Kết cấu giai cấp và phân tầng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh”; “Xây dựng văn hóa công đồng tại thành phố Hồ Chí Minh”; “Phương pháp đánh giá cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; “Tiêu chí Thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại”; “Xây dựng “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh”; “Tổng kết công tác cải cách hành chánh năm 2008 và nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chánh của thành phố năm 2009"; “Phát triển mô hình “một cửa” thành “một cửa liên thông”; hoàn thiện hệ thống “một cửa điện tử cấp quận, huyện”; “Ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến đối với thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”; “Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị”, “Nâng cao chất lượng Đại hội Đảng bộ tại thành phố Hồ Chí Minh”; Đề án về “Đổi mới và đẩy mạnh thực hiện phương châm toàn Đảng làm công tác tư tưởng và hướng mạnh về cơ sở”; “Giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị hiện nay”; “Đổi mới, đa dạng hóa phương thức giáo dục lý luận chính trị với việc thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý với Đề án đào tạo từ 300-500 tiến sĩ, thạc sĩ”; “Đổi mới phương pháp giảng dạy, học phần xây dựng Đảng ở các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính của thành phố”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt của các loại hình tổ chức cơ sở đảng”;…

Nhìn chung, các nhóm đề tài tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên các lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, văn hóa - giáo dục, xây dựng Đảng - giáo dục lý luận chính trị… đã góp phần đánh giá thực trạng khách quan về diễn biến hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền trên các lĩnh vực. Qua đó, đúc kết những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trên từng lĩnh vực của các đề tài, đề án nghiên cứu; đồng thời đã đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính hệ thống, được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của các ngành trong các lĩnh vực gắn với việc đề xuất quan điểm, giải pháp thực hiện có kết quả.

Thứ tư, kết quả thực hiện chương trình hành động về lãnh đạo, chỉ đạo báo chí - xuất bản, đã đảm bảo hiệu quả thiết thực. Cụ thể là: Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cơ quan báo chí thành phố, đảm bảo thực sự là phương tiện, tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Đồng thời, báo chí là công cụ của công tác tư tưởng nhằm tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biểu dương những nhân tố mới; ngăn chặn đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội; phản bác các quan điểm sai trái; cổ vũ công cuộc đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Anh hùng, thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại.

Thực hiện chương trình hành động của Thành ủy, đến nay đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy của 189 cơ quan và đại diện các cơ quan báo chí, xuất bản, trong đó có 48 cơ quan báo chí xuất bản thành phố, với gần 100 ấn phẩm của báo chí đã được sắp xếp lại theo hướng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan, báo chí - xuất bản. Chuẩn hóa gần 100% đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của các cơ quan chủ quản và chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí - xuất bản thành phố. Theo đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý và Hội nhà báo thành phố phối hợp các ngành, các cấp, các cơ quan liên quan để chỉ đạo định hướng nội dung thông tin báo chí với yêu cầu kịp thời, chính xác. Phối hợp kiểm tra, chỉ đạo báo chí: xây dựng quy chế phối hợp, quy chế hoạt động, quy chế làm việc và sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy với Ban Tuyên giáo Trung ương; giữa Ủy ban nhân dân thành phố với Bộ Thông tin - Truyền thông; giữa báo chí Trung ương và các tỉnh trên địa bàn với báo chí Thành phố. Đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung hội nghị giao ban định kỳ, đảm bảo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của báo chí, từng bước đi vào nề nếp.

Sau 5 năm nhìn lại, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết như sau:

Một là, để nhận thức sâu sắc về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới, việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở các cấp phải thực hiện chặt chẽ các bước, từ bước xây dựng kế hoạch; tổ chức đội ngũ báo cáo viên; triệu tập thành phần tham dự Hội nghị; tổ chức thảo luận và viết thu hoạch, tổng kết giải đáp, đến tổ chức tuyên truyền, cổ động nội dung Nghị quyết một cách phong phú, sinh động vào sâu rộng trong Đảng và các tầng lớp nhân dân. Đây là bước rất cơ bản nhằm giúp người học nắm chắc, nhớ lâu những vấn đề cơ bản, vấn đề cốt lõi của Nghị quyết mà cán bộ, đảng viên tâm đắc nhất.

Hai là, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào Nghị quyết, thì phải xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Đó là bước cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng thành nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể ở cấp mình. Do vậy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động phải được triển khai chặt chẽ các bước: từ thành lập tổ biên soạn, thông qua ban thường vụ cấp ủy, góp ý thảo luận của cán bộ chủ chốt, thông qua ban chấp hành đảng bộ; đến việc tổ chức triển khai và phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, đồng thời cấp ủy các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát, gắn với việc tổ chức sơ, tổng kết quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp.

Ba là, nhận thức rõ vị trí, vai trò, mục tiêu, tầm quan trọng của Nghị quyết và quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra nhiệm vụ các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết. Trong đó, thực hiện các nhóm đề tài tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên các lĩnh vực, nhằm hướng vào giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế, văn hóa - xã hội, về xây dựng Đảng… đặc biệt, đề ra các giải pháp khoa học, thiết thực trong triển khai thực hiện công tác tư tưởng, lý luận, báo chí của Đảng bộ, qua đó góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ Thành phố.

Bốn là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu giúp cấp ủy và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng ở các cấp; định kỳ kiểm tra, giám sát, theo dõi kết quả triển khai Chương trình hành động ở các cấp. Hàng năm tổ chức sơ kết việc thực hiện chương trình hành động để giải quyết kịp thời những nơi khó khăn vướng mắc, hoặc chấn chỉnh những nơi chưa làm tốt, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có cách làm sáng tạo và có giải pháp chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới./.

Hoàng Quốc Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất