Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 11/2/2010 14:47'(GMT+7)

Cũng nên nói không với giáo viên “đứng nhầm lớp”

Trường Đại học sư phạm Hà Nội (Ảnh minh họa).

Trường Đại học sư phạm Hà Nội (Ảnh minh họa).

Mắt thấy tai nghe

Thầy TTD ở trường THPT nọ đã trở nên “nổi tiếng” vì dạy lớp nào bị HS lớp đó “kêu”. Là GV môn Toán nhưng thầy không giải được hết các bài tập trong SGK.

Một GV môn Anh văn, tham gia thi khảo sát chất lượng chỉ đạt 2 điểm. Trong khi đây là kiểu thi trắc nghiệm, người không biết ngoại ngữ đoán mò cũng đã được 2,5 điểm. GV Ngữ văn nọ viết một câu lên bảng thì sai cả ngữ pháp và chính tả…

Không phải chúng tôi cố tình nói đến những tiểu tiết, những sai sót nhầm lẫn thông thường ai cũng có thể mắc phải. Vấn đề là ở chỗ có những GV nền tảng kiến thức và bản lĩnh quá non yếu, nên bộc lộ những sai sót đáng ngạc nhiên. Khi dự giờ thao giảng (nghĩa là GV đã có chuẩn bị) một GV lâu năm nhưng không hề biết cách khai thác nội dung tác phẩm, chỉ là đọc lại những nội dung chú giải, và cứ thế cho đến hết giờ. Một GV khác thì đã thuộc giáo án khá kĩ, nhưng từ đầu đến cuối cứ đọc chầm chậm cho HS ghi. Khi HS trả lời câu hỏi, sai hay đúng GV đều không bình luận, nhận xét gì, cứ việc đọc sẵn nội dung giáo án. Nếu HS hỏi một câu mở rộng, liên hệ là GV… bó tay!

Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết xuất phát từ bản thân GV, vốn không phải thông minh xuất chúng gì, lại không chịu khó học hỏi, trau dồi chuyên môn. Có những GV môn xã hội nhưng hầu như không chịu đọc sách báo. Kênh thông tin mà họ quan tâm đến là ti-vi và “sống với các nhân vật” phim truyền hình. Một nghịch lý là những GV giỏi thì ham học hỏi, và ngược lại, thế là sự yếu kém về tri thức càng thêm nặng nề với người vốn đã yếu. Họ còn biện hộ: “Huấn luyện viên đâu cần đá bóng giỏi”. Sự trì trệ, lười biếng, an phận ở một bộ phận GV đang ở mức đáng báo động, đang trở thành một căn bệnh mãn tính trầm trọng.

Lỗi có nhiều, trong đó có phần thuộc về “cơ chế”. Bằng cấp, biên chế, những mối quan hệ ngoài chuyên môn chằng chịt đã trở thành tấm lá chắn vững chắc cho những GV lười biếng, góp phần làm thui chột đội ngũ. Một GV đã có bằng cấp đạt chuẩn, được vào biên chế rồi coi như đã “hoàn thành sự nghiệp”, lương cứ đến hẹn lại lên, yên tâm công tác cho đến khi về hưu, miễn là đừng phạm lỗi nghiêm trọng. Cách đánh giá, xếp loại GV thành “lao động tiên tiến” hay không “tiên tiến” cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự trì trệ. Cuối năm, một trường 100 GV thì có đến hơn 90 người đạt “lao động tiên tiến” và “tiên tiến xuất sắc”, chỉ có một vài người xếp loại trung bình. Thông tin phản hồi từ phía HS đối với GV hầu như không được quan tâm, nếu có, cũng luôn được giữ bí mật hoặc xử lý một cách nhẹ nhàng để bảo vệ GV.

Thuốc nào?

Trước hết, cần tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát về thực trạng chất lượng đội ngũ để có những thông tin xác thực làm cơ sở cho những chính sách, giải pháp.

Nâng cao vai trò của tổ nhóm chuyên môn. Tổ nhóm chuyên môn là tổ chức gần gũi nhất, nắm được chính xác nhất về khả năng, trình độ của mỗi GV. Cần tăng cường các hoạt động thao giảng, dự giờ, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm dạy học. Nhiều GV cho rằng: “Phấn đấu thành GV giỏi thì khó, nhưng để trở thành một GV đạt yêu cầu không có gì khó”. Hiện có rất nhiều tài liệu tham khảo, kênh thông tin và phương tiện hỗ trợ, nếu GV dành thời gian thích đáng để tự học và biết cách vận dụng thì chắc chắn sẽ cải thiện được chất lượng dạy học. Hầu hết các trường đã nối mạng internet, cần có kế hoạch động viên, hướng dẫn GV truy cập, sử dụng những tiện ích của nó. Nhiều trường THCS đã có chủ trương hỗ trợ GV mua máy vi tính, máy in. Việc soạn bài, tính điểm bằng máy sẽ giúp GV có thêm thời gian để tự học, đọc sách báo. Đối với những GV quá yếu, tổ chuyên môn, nhà trường cần có kế hoạch kèm cặp, giúp đỡ cụ thể để giúp GV cải thiện năng lực giảng dạy.

Kinh nghiệm của trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Hà Tĩnh) động viên GV tự tìm mua tài liệu tham khảo trên cơ sở thống nhất ý kiến của tổ chuyên môn, sau đó sẽ nhập vào thư viện nhà trường và cho GV mượn lại. Thư viện trường THPT Minh Khai (Hà Tĩnh) luôn được cập nhật và giới thiệu sách báo mới để mời GV tham khảo. Một số cán bộ quản lý đã dành thời gian giới thiệu những cuốn sách hay trong các cuộc họp hội đồng. Các trường cũng nên bớt những cuộc họp không cần thiết để tạo điều kiện thời gian cho GV tự học.

Công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện nay, hầu như công tác đánh giá, thi đua chỉ thiên về chú trọng những thành tích bề nổi. Việc đánh giá, xếp loại của tổ chuyên môn thường chung chung do tâm lý nể nang, ngại đụng chạm nên chưa nêu rõ được mặt mạnh, mặt yếu của mỗi GV.

Cần chú ý đến kênh thông tin từ học sinh để đánh giá, xếp loại GV. Hiện nay, vì nhiều lí do kênh thông tin này chưa được chú trọng. Cần nghiên cứu phương án tiếp nhận, xử lý thông tin từ học sinh về GV để giúp GV tự điều chỉnh, và có thêm căn cứ để đánh giá năng lực GV.

Bộ GD-ĐT đã nhận ra hiện tượng này khi đề xuất ý tưởng hiệu trưởng có quyền quyết định mức lương cho GV, và quy định sẽ loại khỏi ngành những GV bị xếp loại yếu kém hai năm liền, cũng như xóa bỏ biên chế đối với những GV mới tuyển dụng. Tuy nhiên, việc Hiệu trưởng trả lương cho GV theo năng lực và hiệu quả công việc còn “vướng” nguồn tài chính, và “thước đo” chính xác về năng lực GV. Quy định “thanh lọc” GV cũng khó thành hiện thực, bởi tư tưởng “thương thầy” còn lớn hơn “thương trò”. Một số GV nói rằng, khi có quy định ấy, sẽ có sự nương nhẹ trong xếp loại, để GV khỏi mất “nồi cơm”.

TRẦN QUANG ĐẠI
(Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất