Thứ Sáu, 13/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Ba, 31/12/2019 10:49'(GMT+7)

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011)- Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua gần 10 năm thực hiện (Bài 1)

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Bài 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

1. Nhận thức rõ hơn về mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Cương lĩnh năm 1991 xác định xã hội xã hội chủ nghĩa có 6 đặc trưng: (1) do nhân dân lao động làm chủ; (2) có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; (3) có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; (4) con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; (5) các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; (6) có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Đây là những đặc trưng bản chất để nhận biết về chủ nghĩa xã hội, đồng thời chỉ rõ động lực và mục tiêu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đến Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định xã hội xã hội chủ nghĩa có 8 đặc trưng: (1) dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (2) do nhân dân làm chủ; (3) có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; (4) có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; (5) con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; (6) các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; (7) có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; (8) có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Tám đặc trưng trên vừa mang giá trị, ý nguyện và khát vọng của dân tộc Việt Nam, vừa mang giá trị phổ quát của nhân loại và tầm nhìn của thời đại.

So với Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) có một số điểm mới:

Thứ nhất, khẳng định đặc trưng hàng đầu là xây dựng một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là những giá trị tiến bộ phổ quát mà nhân loại đang hướng tới; là khát vọngphát triển của mọi dân tộc, nhất là ở những nước đi sau, đồng thời là việc cụ thể hoá mô hình chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra phù hợp với logic của thực tiễn và logic của phát triển.

Thứ hai, đề cao dân chủ xã hội chủ nghĩa. Từ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng ta đã cho thấy điểm mới trong nhận thức và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu dân chủ tư sản là bước tiến bộ so với chế độ phong kiến, đảm bảo cho chế độ tư bản phát triển, thì dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền tảng của xã hội xã hội chủ nghĩa, là điều kiện giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức, bất công để tạo dựng một xã hội tiến bộ và tốt đẹp hơn.

Thứ ba, điểm nhấn mới trong đặc trưng về kinh tế của mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Cách diễn đạt này phản ánh đúng quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin. Thay vì tập trung vào việc đảm bảo chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, điều này đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất một cách đồng bộ, toàn diện (chế độ sở hữu tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ, phương thức phân phối sản phẩm), vừa tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là một bổ sung quan trọng về đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Thứ năm, nhấn mạnh vấn đề phát triển con người. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) diễn đạt khái quát: Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Điều đó chứng tỏ rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác để giải phẫu xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại vẫn đúng, đồng thời càng khẳng định lý tưởng nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội mà Mác đã nêu ra vẫn giữ nguyên giá trị: đó là vì con người, phát triển và giải phóng con người mà trước hết là những người lao động.

2. Xác định rõ hơn phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh năm 1991 xác định 7 phương hướng cơ bản. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định 8 phương hướng: (1) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; (2) Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (4) Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; (5) Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (6) Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; (7) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (8) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Gần 10 năm qua, Đại hội XII và nhiều nghị quyết của Đảng đã tiếp tục cụ thể hóa, phát triển các phương hướng cơ bản được nêu trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Tiếp tục nhận thức công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách toàn diện hơn: công nghiệp hóa gắn hiện đại hóa; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức, tức là phù hợp xu thế phát triển của nhân loại; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường là phù hợp thực tế Việt Nam và kinh nghiệm của các nước đi trước đã thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là phù hợp với thực tế Việt Nam.

Xác định rõ hơn phương hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phương hướng xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như mối liên hệ giữa xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được xác định rõ hơn. Tư duy lý luận về vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững được khẳng định, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực của phát triển. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững; làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là văn hóa nhân cách, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị; tư duy bước đầu về xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa là tất yếu chính trị.

Xác định gắn kết nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia với nhiệm vụ giữ vững chế độ, bảo vệ Đảng, giữ vững an toàn, trật tự xã hội, văn hóa cũng như gắn kết phương hướng bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia với với yêu cầu giữ vững an toàn, trật tự xã hội, bảo đảm cuộc sống của nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội luôn gắn với nhiệm vụ đối ngoại. Nhận thức mềm dẻo, linh hoạt phù hợp thực tiễn về “đối tác” và “đối tượng” trong quốc phòng, an ninh. Gắn xây dựng đường lối quốc phòng, an ninh nhân dân với kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết trong đối ngoại. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đã được kiên định, kiên trì trong qúa trình thực hiện Cương lĩnh. Từ “sẵn sàng là bạn”, “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” đến “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc chiến lược, mềm dẻo trong sách lược bằng những biện pháp, hình thức linh hoạt, sáng tạo, đề cao điểm tương đồng, hạn chế điểm bất đồng, giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hoà bình.

Chuyển “dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới” thành “dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, động lực của phát triển đất nước”. Coi dân chủ xã hội chủ nghĩa như một phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gắn xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa với thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng trên cơ sở “cộng đồng Việt Nam” rộng hơn trước kia trên cơ sở các “dân tộc trong nước”. Lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Lần đầu tiên tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa được khẳng định trong phương hướng xây dựng Nhà nước ở Việt Nam. Coi xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên tất cả các mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp và xây dựng đội ngũ công chức là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Khẳng định và kiên định, kiên trì nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động mà còn của cả dân tộc. Cùng với xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức thì Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Những luận điểm này phù hợp thực tiễn Việt Nam và được thực tiễn chứng minh là đúng.

3. Xác định được các mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;...

Gần 10 năm qua, Đại hội XII đã bổ sung mối quan hệ giữa “Nhà nước và thị trường”, đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã phát triển thành mối quan hệ “giữa Nhà nước - thị trường và xã hội”; đã điều chỉnh mối quan hệ “giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa” thành mối quan hệ “giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời cụ thể hóa nội dung các mối quan hệ lớn.

Bên cạnh những nhận thức đã rõ, còn có những nhận thức chưa rõ hoặc còn khác nhau:

Thứ nhất, nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta vẫn còn những nhận thức chưa rõ, những nhận thức khác nhau. Cương lĩnh mới phác thảo các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta sẽ xây dựng, nhưng nội hàm các đặc trưng là gì và cụ thể hóa cho từng giai đoạn như thế nào vẫn chưa rõ.

Thứ hai, nhận thức về các phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa thật rõ. Nổi lên là: Tiêu chí của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tiêu chí của nền kinh tế tri thức vận dụng vào điều kiện cụ thể Việt Nam chưa thống nhất. Vẫn chưa thống nhất về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế, điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Chưa thống nhất được hệ giá trị chuẩn mực văn hóa Việt Nam; hệ giá trị con người Việt Nam. Chưa có giải pháp đột phá để bứt phá về giáo dục, đào tạo; phát triển khoa học - công nghệ; trọng dụng nhân tài…

Nhận thức lý luận về vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh từ xa vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Vấn đề an ninh phi truyền thống chưa được quan tâm đúng mức. Việc nghiên cứu những dự báo chiến lược về lĩnh vực quốc phòng, an ninh chưa theo kịp sự phát triển của tình hình. Đặc biệt là những nhận thức và tư duy chiến lược về vấn đề biển Đông chưa chủ động, thậm chí có lúc bị động.

Nội hàm của khái niệm lợi ích quốc gia dân tộc, độc lập, chủ quyền, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay còn chung chung.

Cơ chế, phương thức thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa rõ cho nên việc phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân còn hạn chế. Cơ chế, điều kiện thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân còn chưa được quy định cụ thể.

Mô hình, cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước,cơ chế “phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp” trong thực hiện quyền lực nhà nước chưa được làm rõ.

3. Nhận thức về các mối quan hệ lớn còn hạn chế, bất cập:

Việc nhận thức 9 mối quan hệ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế nhất định. Nhiều nội dung cụ thể của 9 mối quan hệ chưa được làm rõ hơn, sâu sắc hơn về mặt lý luận, mới dừng ở mức chung chung mang tính phương pháp luận. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được nêu ra từ rất sớm nhưng nội hàm, cơ chế vận hành của mối quan hệ này còn lúng túng, chưa rõ hoặc mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế đã được Đại hội XII cụ thể là đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế. Vấn đề đặt ra thế nào là đồng bộ, phù hợp,...

Tính quy luật của việc nhận thức và giải quyết 9 mối quan hệ này cũng chưa được chú ý đúng mức.

Chúng ta chưa cụ thể hóa được những biện pháp, cách thức giải quyết 9 mối quan hệ này trong mối liên hệ nội tại giữa chúng cũng như trong mối liên hệ với việc nhận thức và thực hiện 8 đặc trưng và 8 phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

(Còn tiếp)

 

___________________________

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất