Thứ Bảy, 27/7/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 27/11/2019 9:1'(GMT+7)

Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới

Tuyến đường bê tông là kết quả đóng góp của Hội viên Nông dân ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

Tuyến đường bê tông là kết quả đóng góp của Hội viên Nông dân ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Trong những năm qua, để tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành chức năng đã xác định công tác tuyên truyền cô vai trò quan trọng, nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chương trình, đặc biệt là nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong chung sức xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Kế hoạch truyền thông, tuyên truyền giai đoạn và hàng năm, các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đã chủ động triển khai tuyên truyền với nhiều hình thức. Trong đó, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì biên soạn, phát hành bộ tài liệu tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 48.500 quyển Sổ tay hỏi, đáp và 111.500 tờ rơi để các tổ chức ban, ngành, đoàn thể, các địa phương làm tài liệu học tập, tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh uỷ ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; phản ánh thông tin của tỉnh, hoạt động của các sở, ban, ngành về xây dựng nông thôn mới; các hoạt động triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các huyện, thành phố và các xã; đồng thời tổ chức điều tra dư luận xã hội đối với các tầng lớp nhân dân tại các địa phương đang thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 55.328 cuộc với trên 2.401.275 lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tham dự. Hình thức tuyên truyền được lồng ghép với triển khai, học tập các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các buổi tiếp xúc cử tri, họp tổ dân cư tự quản và thông qua các phong trào của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai tuyên truyền, thực hiện 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với tham gia thực hiện 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; triển khai hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã.  Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn), các tổ chức xã hội (Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật) triển khai nhiều cuộc vận động như “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới ”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Cựu chiến binh tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn liền với một địa chỉ nhân đạo”, ký kết liên tịch với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát hành trên 300 đĩa tuyên truyền cổ động; hằng năm sở tổ chức từ 1-2 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn chuyên đề tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, chương trình văn nghệ cổ động, kịch bản tuyên truyền phục vụ cơ sở. Sở cũng đã lắp đặt 780m2 panô, 2.100 băng rôn ngang, phướn tuyên truyền; tổ chức 342 buổi tuyên truyền tại cơ sở về xây dựng nông thôn mới; phối hợp các ngành, cấp, Hội Văn học nghệ thuật, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh tổ chức cuộc thi sáng tác tân cổ nhạc với chủ đề “Tây Ninh, chung tay xây dựng nông thôn mới” với 61 bài dự thi của 33 tác giả; tổ chức Liên hoan văn nghệ 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới, chương trình Ấp vui chơi, ca hát. Đặc biệt, bài hát “Chung một niềm tin" của tác giả Hồng Vy đạt giải nhất tại Hội thi sáng tác ca khúc về nông thôn mới do Ban Chỉ đạo nông thôn mới Trung ương tổ chức.

- Sở Thông tin và Truyền thông đã lập chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đăng tin, bài về hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã thực hiện mỗi tháng 2 đến 3 phóng sự tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp - nông thôn (3 chuyên mục/tuần, mỗi tháng 6-7 chuyên mục); chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” mỗi tuần/1 lần(15 phút/chuyên mục, mỗi tháng 4-5 chuyên mục); 132 chương trình Tây Ninh xây dựng nông thôn mới (mỗi tháng 1 chương trình); hàng tuần có 2 đến 3 bản tin, phóng sự ngắn được phát sóng trong chương trình Thời sự nhằm phản ánh kịp thời những diễn biến của quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Báo Tây Ninh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 45 chuyên trang nông thôn mới; hằng tuần đăng từ 2-3 tin phản ánh công tác xây dựng nông thôn mới tại chuyên mục “nông nghiệp - nông thôn”.

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, việc thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Tây Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”...; UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện đã triển khai và phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương; giao chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho các xã và ban hành thang điểm thi đua để thực hiện.

PHÁT HUY NỘI LỰC ĐỂ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh, Sư đoàn Bộ Binh 5, Quân khu 7 vận động nhân dân đóng góp 110.731 ngày công lao động và hiến 122.017m2 đất để làm 58km đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền mặt để mua đất, đá nhằm tu sửa, nâng cấp 321tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 327km; gắn trên 8.000 bóng đèn thắp sáng đường quê, trị giá trên 2,4 tỷ đồng; vận động quỹ “Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc các cấp được 79,97 tỷ đồng; xây và bàn giao 1.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trị giá 124,74 tỷ đồng, sửa chữa 189 căn, trị giá trên 1,8 tỷ đồng, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh;  hỗ trợ cho 22.815 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 307,43 tỷ đồng; hỗ trợ cây con giống, vốn sản xuất chăn nuôi, tạo việc làm cho 1.120 lượt người với số tiền 23,76 tỷ đồng.

Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 343 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng tổng số trâu, bò sinh sản của 12 dự án lên 1.003 con trâu, bò với số tiền 23,94 tỷ đồng, qua đó góp phần giúp các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập ổn định cuộc sống, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương; đã vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị doanh nghiệp tặng 158.645 phần quà, trị giá 46,4 tỷ đồng; hỗ trợ người nghèo, chăm lo trẻ em mồ côi, người tàn tật, với số tiền trên 85 tỷ đồng; trong đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ xã hội, người già, trẻ em mồ côi, người tàn tật số tiền 720 triệu đồng.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây tặng, bàn giao 7 căn nhà đồng đội, 36 căn nhà tình nghĩa, trị giá 3,01 tỷ đồng, nâng cấp, sửa chữa 326 căn nhà cho các đối tượng, trị giá 579 triệu đồng và 950 ngày công lao động, thăm tặng quà cho 1.893 gia đình chính sách, nhân dân nghèo, số tiền 3,3 tỷ đồng; giúp dân thu hoạch vụ mùa 3.476 ngày công; tổ chức thăm tặng quà các đối tượng chính sách, nông dân nghèo, đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số 12.136 phần quà, trị giá 3,276 tỷ đồng; tổ chức thẩm định và  đề nghị ra quyết định chi trả chế độ chính sách cho 6.109 người/14,797 tỷ, theo các quyết định của Chính phủ; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí kết hợp tặng quà cho 2.774 đối tượng thuộc diện chính sách, gia đình chính sách và Nhân dân nghèo, trị giá 1,387 tỷ đồng.

98,7% ấp, khu phố đăng ký và giữ vững ấp văn hóa; 100% cơ sở đăng ký cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh; 98,14% gia đình đăng ký gia đình văn hóa; đồng thời, đã tổ chức các hoạt động phát hoang, dọn dẹp vệ sinh môi trường 15.351 km đường giao thông nông thôn; thu gom 43 tấn rác thải các loại; khai thông 26 km kênh mương nội đồng; trồng 7.300 cây xanh các loại; phát hành 3.400 tờ rơi, treo 856 băng rôn và tuyên truyền 221 cuộc với 19.892 lượt người dự, phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh được trên 23.000 phút; tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường và phòng ngừa ứng phó với biến đổi khí hậu cho 100 chức sắc các tôn giáo trong tỉnh để bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và Ngày Môi trường thế giới (5/6), toàn tỉnh đã có 80 xã tổ chức các hoạt động hưởng ứng; tổ chức 26 cuộc mít tinh diễu hành, có trên 3.000 lượt người tham gia vệ sinh các công trình công cộng. Việc xây dựng và triển khai, nhân rộng các mô hình mới trong Cuộc vận động có những kết quả tích cực. Toàn tỉnh, có 54 mô hình mới và 15 mô hình nhân rộng về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Bảo vệ môi trường”, “Ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ngoài ra, từ năm 2017 Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tiếp tục nhân rộng 273 mô hình.

Tỉnh đã tổ chức các hội nghị sơ kết (2 năm, 3 năm, 4 năm) phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới, để thông qua đó rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng cho những năm tiếp theo; gần nhất là hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018). Hằng năm, các huyện, thành phố tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình qua hình thức họp Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia) và tổ chức Hội nghị sơ, tổng kết theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Ông Huỳnh Minh Quân, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành đã được khen thưởng cấp Trung ương. 4 xã (Long Thành Trung huyện Hòa Thành; An Tịnh huyện Trảng Bàng; Bến Củi huyện Dương Minh Châu; Bình Minh thành phố Tây Ninh) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. 12 xã (trong đó, tặng cờ 6 xã dẫn đầu phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ); 22 đơn vị cấp tỉnh, 7 đơn vị cấp huyện; 60 cá nhân và 24 doanh nghiệp đã được khen thưởng cấp tỉnh.

Có thể nói, nhờ tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt được những kết quả khả quan. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành cuộc vận động lớn, được các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia.

Kết quả thực hiện cho thấy, các địa phương đã xác định rõ cách làm, lộ trình phù hợp với điều kiện của mình; đồng thời, tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng ấp, khu dân cư và vai trò chủ thể trực tiếp của từng hộ dân. Các ngành, các địa phương đã tập trung phát động nhiều phong trào thi đua và triển khai sâu rộng đến tận cấp cơ sở với nội dung, hình thức phong phú theo phương châm “Phát huy nội lực là chính”. Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua cụ thể được địa phương, cơ sở phát động mang lại hiệu quả thiết thực như: phong trào giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp; thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn, liên ấp, liên xã; thi đua nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để hội nhập quốc tế,… được các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng và nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực, góp phần làm cho diện mạo nông thôn tỉnh Tây Ninh ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Chương trình thi đua xây dựng nông thôn mới đã được các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các huyện, thành phố triển khai xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện có mục tiêu, nội dung, giải pháp cụ thể ở đơn vị và đến cơ sở, tổ chức phát động phong trào thi đua; đăng ký và thực hiện ký kết giao ước thi đua, bám sát nội dung chương trình thi đua của tỉnh, cụ thể hóa các nội dung, tiêu chí đột phá hoàn thành sớm và triển khai thực hiện tốt các nội dung thi đua.

Sau 10 năm thực hiện chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, một só kinh nghiệm được rút ra là:

Một là, xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người dân. Vì vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để mọi người hiểu rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, dân làm, dân thụ hưởng, người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, từ đó nhân dân tin tưởng và tích cực, tự giác thực hiện.

Hai là, xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do đó pahir luôn nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, công tác phối kết hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và tinh thần trách nhiệm của cán bộ đảng viên, phát huy tính chủ động và tích cực của người dân, đa dạng hóa các nguồn lực, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần khắc phục những hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số sở, ngành, huyện còn lúng túng, quyết tâm chưa cao, chưa xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Ba là, việc chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới cần phải được cấp ủy, chính quyền và ban ngành chức năng quán triệt, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp với nhiều hình thức. Qua đó, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong việc tích cực tham gia thực hiện phong trào, mang lại sự thay đổi cơ bản đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Vì thế, trong triển khai thực hiện, cần khắc phục những hạn chế như công tác tuyên truyền có lúc có nơi chưa thường xuyên, liên tục; sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể vẫn chưa đồng bộ; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; chưa có phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện đặc thù của từng xã…

Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện

Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tây Ninh

Giai đoạn I (2011 - 2015): UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2020; kế hoạch tuyên truyền giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015; quy định về cơ cấu phân bổ nguồn vốn xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội xã NTM giai đoạn 2011-2015; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung thực hiện tiêu chí nông thôn mới.

Giai đoạn II (2016 - 2020: Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình như kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm; Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn ntm giai đoạn 2016-2020; Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch truyền thông, tuyên truyền Chương trình giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020; Danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua Tây Ninh chung sức xây dựng ntm giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...

Nguyễn Quang Thắng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất