CÁC DOANH NGHIỆP CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐẢNG
Là một trong những tổ chức Đảng ra đời khá sớm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ 3 đảng viên đầu tiên, hiện Đảng bộ Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) đã có 202 đảng viên, trong đó có 40% đảng viên là công nhân lao động trực tiếp tại các phân xưởng, nhà máy, còn lại là cán bộ chủ chốt, nhân viên, tổ trưởng, chuyền trưởng các phân xưởng.
Bí thư Đảng ủy Công ty Changshin Việt Nam Huỳnh Văn Hải cho biết, trong môi trường sản xuất công nghiệp, Đảng bộ công ty bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, lãnh đạo Công đoàn và Đoàn Thanh niên vận động công nhân thi đua lao động sáng tạo, góp phần thực hiện đạt mục tiêu sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất và cải thiện đời sống người lao động. Các đảng viên trong Đảng bộ đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu trong lao động sản xuất, tích cực đề xuất sáng kiến cải tiến cải thiện môi trường làm việc, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt hơn nửa tỷ USD/năm.
Hay như, Huyện ủy Nhơn Trạch đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và tạo sự được chuyển biến tích cực trong phát triển Đảng ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Ông Hồ Tăng Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Hwaseung Vina cho biết, khi mới thành lập, Chi bộ chỉ có 4 đảng viên, đến nay đã phát triển lên 28 đảng viên. Doanh thu, lợi nhuận của công ty liên tục tăng, số lượng các nhà máy không ngừng được mở rộng. Bên cạnh đó, với việc thành lập chi bộ, công ty cũng giữ chân được nhiều cán bộ quản lý, nhân viên cốt cán, người lao động có tay nghề, qua đó tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.
"Hiện ở các xưởng sản xuất đều có đảng viên để tiện nắm bắt tình hình, cũng như hỗ trợ công ty trong việc ổn định sản xuất. Chi bộ tạo được niềm tin với Ban giám đốc. Điều đặc biệt là từ khi có chi bộ Đảng, quan hệ lao động tại doanh nghiệp ổn định mặc dù số lượng trên 21 ngàn lao động" - ông Tuấn nói.
Còn tại Chi bộ Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam, Bí thư Chi bộ Đỗ Thị Thúy Kiều cho biết, trong các buổi sinh hoạt, ngoài phổ biến các chủ trương của Đảng, chi bộ còn chọn những vấn đề trọng tâm gắn với hoạt động sản xuất của công ty, đời sống người lao động để bàn bạc, tìm giải pháp đề xuất với lãnh đạo công ty giải quyết nhằm tạo sự ổn định trong sản xuất, giúp người lao động nâng cao đời sống, yên tâm làm việc. Nhờ đó, chi bộ được Ban giám đốc công ty tin tưởng và nhờ làm nhịp cầu trung gian thành lập Ban Thực hiện quy chế dân chủ và duy trì đối thoại giữa người lao động và chủ doanh nghiệp hằng tháng.
Nếu như những năm trước, việc thành lập các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại huyện Nhơn Trạch là việc không mấy dễ dàng vì tư tưởng còn e ngại của các chủ doanh nghiệp thì những năm gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã sẵn sàng phối hợp với Đảng bộ huyện để thành lập Chi bộ trong công ty cũng như tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, người lao động là đảng viên tham gia sinh hoạt định kỳ.
Nhờ đó, công tác phát triển Đảng, thành lập chi bộ trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh.
Theo đồng chí Châu Phước Thuận - Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, Huyện ủy đã thông qua ý kiến của Ban Thường vụ về việc thành lập Đảng ủy Liên đoàn Lao động huyện và hiện đang chờ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.
Việc thành lập Đảng ủy Liên đoàn Lao động huyện sẽ giúp cho công tác chỉ đạo, quản lý các chi bộ doanh nghiệp dễ dàng hơn. Ngoài ra, các tổ chức cơ sở Đảng trong khối sẽ thuận lợi hơn trong việc trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
|
Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được Đồng Nai quan tâm. Ảnh minh họa: N.Hạ |
CẦN CÓ CÁCH LÀM SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ
Với phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng”, công tác thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được Ban Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Ban Chỉ đạo 07) của tỉnh quan tâm. Trong chương trình công tác hằng năm đều giao chỉ tiêu thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên cho các cấp ủy trực thuộc.
Theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Thanh Tú, công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước khó nhất là việc tiếp cận chủ doanh nghiệp; nhiều chủ doanh nghiệp né tránh, thậm chí gây khó khăn cho việc thành lập dù đã đủ điều kiện. Do đó, công tác này đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm cao, kiên trì với kế hoạch và các bước đi cụ thể trong tiếp xúc, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp để họ thấy được lợi ích mang lại khi có tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan với những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tuy nhiên với 32 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 1 triệu lao động, công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi và chưa thật sự tương xứng với đội ngũ đông đảo công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tú chia sẻ, hiện một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, có nơi còn khoán trắng cho bộ phận theo dõi công tác này. Một số đơn vị có nhiều doanh nghiệp có vị trí quan trọng, đông công nhân nhưng lại chưa làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đảng viên để thành lập tổ chức Đảng. Công tác vận động, thuyết phục các chủ doanh nghiệp trong việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn có những khó khăn nhất định. Trong khi đó một bộ phận công nhân, người lao động chưa giác ngộ về chính trị, làm việc với cường độ cao nên không có thời gian tham gia các hoạt động đoàn thể.
Liên quan đến công tác tạo nguồn, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Phạm Hùng Minh cho rằng, cần làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn trung kiên vì đây là khâu đầu tiên và cũng là giải pháp quan trọng. Trong đó yêu cầu lựa chọn nguồn trung kiên phải chính xác, mang tính toàn diện cả về cơ cấu, thành phần, khắc phục tình trạng làm cho có, làm để đạt chỉ tiêu…
Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu trong công tác phát triển tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với những phương pháp đa dạng, hiệu quả, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động gắn với khảo sát, nắm tình hình về doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn được chú trọng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, chủ doanh nghiệp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, về vai trò của tổ chức Đảng, các đoàn thể đối với sự phát triển của doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp cũng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tích cực chủ động tham mưu các cấp ủy nắm bắt tình hình của đoàn viên, người lao động. Đi đôi với phát triển đảng viên mới và xúc tiến thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, khắc phục yếu kém, hạn chế trong hoạt động cũng được quan tâm triển khai.
Ngoài ra, việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng sau khi thành lập cũng là vấn đề đặt ra. Bí thư Chi bộ Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sau khi được thành lập, một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI còn lúng túng trong hoạt động, cấp ủy chưa có kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức, sinh hoạt Đảng trong doanh nghiệp. Theo đó, khi chưa có tổ chức Đảng, một số đảng viên tại các doanh nghiệp FDI tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa. Sau khi đủ điều kiện thành lập, các đảng viên này trở thành bí thư chi bộ trong khi kinh nghiệm về công tác Đảng còn hạn chế, chưa kể họ phải chịu áp lực rất lớn về công tác chuyên môn…
Theo Ban Chỉ đạo 07 của tỉnh, trong quý I-2019 đã kết nạp được 19 đảng viên làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, nâng tổng số đảng viên lên 3.488 đảng viên, với tổng số 172 tổ chức Đảng, trong đó có 66 tổ chức trong loại hình doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhằm tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên mới, hằng năm Ban chỉ đạo 07 của tỉnh, tổ 07 của các huyện ủy, Thành ủy Long Khánh, Thành ủy Biên Hòa đã xây dựng kế hoạch mở lớp nhận thức về Đảng, lớp đảng viên mới cho công nhân lao động dự học vào ngày thứ bảy, chủ nhật. |
Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, đảng viên và chủ doanh nghiệp về sự cần thiết khách quan, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tú cho biết, Ban Chỉ đạo 07 của tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho từng trường hợp cụ thể. Theo đó, cần có thêm những cách làm sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở. Các cấp ủy chỉ đạo khảo sát, nắm chắc tình hình, số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên, lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên, tổ chức Đảng cấp dưới, ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội đảm nhận việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, đoàn viên, hội viên giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Tăng cường vận động, tạo sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp về thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp của mình.
Đối với những địa phương có nhiều doanh nghiệp cần phân công cán bộ của ban tổ chức cấp ủy cấp huyện chuyên theo dõi công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp. Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sau khi thành lập cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và bằng vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên làm cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ lãnh đạo công nhân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động. Các tổ chức Đảng cũng tập trung kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động để từng bước làm cho các đảng bộ, chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể cần tăng cường công tác khảo sát, tiếp cận, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, trước hết là những doanh nghiệp có đơn vị tự vệ nhưng chưa có tổ chức Đảng, doanh nghiệp có nhiều lao động và sản xuất, kinh doanh ổn định./.
Nghĩa Hạ