Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 20/12/2008 21:45'(GMT+7)

Đa dạng hóa hoạt động văn nghệ-thể thao vùng đồng bào Khmer

Đua ghe ngo

Đua ghe ngo

Phong phú sắc màu văn hóa văn nghệ

Phong trào văn hóa văn nghệ trong đồng bào Khmer ngày càng phát triển. Các huyện, thị, thành phố nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer (huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, thị xã Hà Tiên, thành phố Rạch Giá) chính quyền luôn quan tâm đến việc hình thành và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng Khmer. Riêng huyện Hòn Đất đã thành lập được đội văn nghệ Khmer ở tất cả các xã. Ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của bà con trong phum sóc, một số đội văn nghệ đã tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu trong và ngoài huyện vào những dịp lễ, tết. Đội văn nghệ Khmer xã Bình An (huyện Kiên Lương) còn được tổ chức biểu diễn phục vụ khách du lịch, ngoài ra huyện Kiên Lương cũng thường xuyên  tổ chức giao lưu văn nghệ với huyện Compongtrach tỉnh Cămpốt- Vương quốc Campuchia.

Múa cúng trăng

Từ hình thức sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, các huyện đã đầu tư tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích vừa góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con, vừa giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ.

Vào những ngày vui đón tết Cholchnamthmay, Đôlta hay Ók om bok ở những vùng quê Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, An Biên… thường rộn rã, sôi động với dàn nhạc ngũ âm và lời ca, điệu múa ngọt ngào của các chàng trai, cô gái Khmer. Đã bốn năm nay, năm nào huyện Gò Quao, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành cũng tổ chức rất thành công Liên hoan Văn nghệ dân tộc Khmer. Đặc biệt, năm 2008 các huyện đều có sự chuẩn bị và đầu tư rất tốt trong việc mở rộng quy mô đội văn nghệ và bổ sung những nét mới lạ, hấp dẫn trong các tiết mục, chương trình văn nghệ.

Ngoài các dịp lễ hội và ngày tết truyền thống của đồng bào Khemer, thì những ngày kỷ niệm lịch sử quan trọng của đất nước như 30-4, 2-9... cũng được đồng bào tổ chức trọng thể với những hoạt động văn nghệ đặc sắc, vui tươi. 

Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước 30-4-2008, huyện Kiên Lương đã tổ chức thành công Liên hoan Văn nghệ, quy tụ 175 diễn viên của các đội văn nghệ quần chúng Khemer đến từ 7 xã, thị trấn trong huyện. Bên cạnh hoạt động văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống Khemer còn có các hoạt động chế tác sản phẩm, văn hóa ẩm thực và trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật.

Liên hoan Văn nghệ của huyện Gò Quao lại tổ chức thi diễn thành cụm ở hai xã Thới Quản và Định An, với sự tham gia của các diễn viên quần chúng đến từ 11 xã, ấp trong huyện.

Ngoài việc tổ chức hội diễn văn nghệ Khmer và Liên hoan tiếng hát các khu phố văn hóa, huyện Châu Thành còn phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ thực hiện chương trình văn nghệ bản sắc phum-sóc do ca sỹ, nhạc sỹ không chuyên của Gò Quao, Châu Thành và Giồng Riềng biểu diễn. Để mang đến liên hoan, hội thi, hội diễn những tiết mục đặc sắc của phum sóc mình, các xã, ấp tự dàn dựng, tập dợt chương trình biểu diễn từ 30 đến 45 phút với chủ đề ngợi ca Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước và con người Kiên Giang trên bước đường đổi mới và tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Khmer tỉnh lần thứ II, cùng với Đoàn Nghệ thuật Khmer, đội văn nghệ huyện Châu Thành và Gò Quao cùng tham gia biểu diễn giao lưu phục vụ hàng chục ngàn lượt người xem.

Sôi nổi hoạt động thể dục thể thao

Hòa cùng với điệu múa uyển chuyển, giọng ca ngọt ngào trong những dịp lễ, tết, không thể không nhắc tới các hoạt động TDTT. Từ nhiều năm nay đua thuyền, đua ghe ngo là những môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, nay có thêm những môn mới như đua xuồng, đẩy gậy, bóng chuyền, bóng đá… Chỉ tính riêng năm 2008, từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ và bà con đóng góp khoảng trên 700 triệu đồng, các chùa trong tỉnh đóng mới được 06 chiếc ghe ngo. Từ Kiên Lương tới thị xã Hà Tiên, huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất đều tổ chức tốt giải đua xuồng, đua ghe ngo, đua vỏ. Riêng Hòn Đất lần đầu tiên tổ chức giải đua xuồng đã nhận được sự quan tâm và tham gia đầy hào hứng của các tay đua đến từ các xã, ấp. Hội thao dân tộc Khmer lần II của huyện Kiên Lương tổ chức tại xã Phú Lợi vào dịp Lễ Ók om bok với nhiều hoạt động đa dạng như đua xuồng, nhảy bao bố, bóng chuyền, thả đèn gió và đêm giao lưu văn nghệ với lực lượng văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Huyện Giồng Riềng tổ chức hội thao nông dân thu hút được gần 2.500 vận động viên của 138 đội tham gia thi đấu các môn bóng đá, bóng chuyền, đua ghe ngo, cầu lông và cờ tướng.

Đỉnh cao của các hoạt động thể thao trong đồng bào dân tộc Khmer được tập trung tổ chức tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ II diễn ra vào đúng dịp Lễ Ók om bok. Giải bóng đá có 4 đội trong và ngoài tỉnh tham dự; bóng chuyền có 13 đội của huyện Gò Quao; thi làm giàn thủy lục đẹp có 08 chùa tham gia. Các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném bóng vào rổ, đập nồi, chọi gà như điểm tô thêm cho ngày hội những nét chấm phá đầy thi vị. Đặc biệt vào những ngày này trên cả một khúc sông Cái Lớn của huyện Gò Quao tưng bừng náo nhiệt với Giải đua ghe ngo. Có lẽ chưa bao giờ giải đua ghe ngo lại quy tụ đông vận động viên tham gia đến vậy (trên 1.500 người). Ngày hội không chỉ tạo ra sinh khí vui tươi phấn khởi trong đồng bào dân tộc Khmer mà còn là dịp giao lưu thắt chặt tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên mảnh đất tận cùng Tây Nam của Tổ quốc./.

Lê Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất