Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 20/12/2008 21:41'(GMT+7)

Gió làng Kình: “Gió” từ đâu đến?

Cảnh trong phim "Gió Làng Kình". Ảnh: TL

Cảnh trong phim "Gió Làng Kình". Ảnh: TL

Khác với hai phim trước, bối cảnh nông thôn được phản ánh là thời bao cấp, thời của người nông dân quần thụng áo nâu với bao nếp nghĩ bảo thủ, trì trệ chưa thoát ra khỏi luỹ tre làng, thì ở phim Gió làng Kình là một nông thôn hiện đại, thời của nông dân áo phông quần bò trước ngọn gió kinh tế thị trường. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đan xen giữa làng và phố với các dịch vụ nhà hàng, karaoke, café giải khát... do ảnh hưởng của “đô thị hoá” mang lại. Đó là một hiện thực khá phổ biến ở nông thôn hiện nay.

Qua những tập phim đã được xem, thật lắm chuyện bi hài trong một xã hội thu nhỏ đang bị rối tung lên bởi các mâu thuẫn nẩy sinh, xung đột chồng chéo, giữa pháp luật và lệ làng, giữa cộng đồng làng xã và dòng họ. Một nhóm người đã lợi dụng quy chế dân chủ, nấp dưới chiêu bài bảo vệ quyền lợi của nhân dân mà làm điều trái khoáy, coi thường phép nước, vi phạm pháp luật. Họ đã không từ một thủ đoạn nham hiểm nào nhằm gây rối, kích động trật tự xã hội, biến một làng quê yên bình như làng Kình thành điểm nóng với bao điều bất ổn. Qua hình tượng nhân vật Khuếnh (Bùi Bài Bình) điển hình cho loại người nham hiểm, lọc lõi, gian lận trong bầu cử để nắm được chức trưởng thôn rồi chuyên quyền, độc đoán câu bè kết cánh với những người bất hảo, luôn tìm cách đối phó, thách thức với cả hệ thống chính trị ở địa phương, làm khuynh đảo cuộc sống mới ở nông thôn. Thủ pháp thể hiện trong phim vừa chính luận vừa hài hước, vừa dí dỏm trẻ trung là điều đáng ghi nhận đối với một đề tài không mới nhưng thể hiện không đơn giản.

Người xem cũng dễ dàng nhận ra hạn chế của phim, đó là sự đánh giá quá thấp về trình độ nhận thức và hiểu biết của người nông dân ngày nay trước pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Chẳng lẽ họ không đủ tỉnh táo để nhận diện chân tướng của ông trưởng thôn luôn lấy danh nghĩa vì làng Kình mà mưu lợi cá nhân, họ sẵn sàng bất hợp tác trước những việc làm khuất tất của ông như việc dồn điền đổi thửa, bắt dân hiến ruộng để bán đất, rào làng cấm chợ để thu thuế, lập ra ban này quỹ nọ trái phép... là vượt quá thẩm quyền, là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không thể chấp nhận được?

Từ xây dựng bối cảnh trụ sở hoạt động của thôn đến ngôn ngữ lời thoại trong phim là mang tính áp đặt gắn vào cho Khuếnh, nghe cứ như là của Bí thư, Chủ tịch xã. Đành rằng ông ta là một nông dân có học, có hiểu biết, là Phó chủ nhiệm HTX biến chất, bị khai trừ ra khỏi Đảng nên kinh nghiệm và mưu mẹo có thừa, nhưng trong trường hợp điển hình này không thể xem là hiện tượng phổ biến được. Đằng sau ông Khuếnh là ai? Gió từ đâu đến? Dựa vào  đâu để ông có cơ tác oai, tác quái thì chưa được làm rõ trong phim. Ê kíp diễn viên đã từng tham gia trong Ma làng, Đất và người như Bùi Bài Bình, Hồng Sơn, Công Lý, Viết Liên... nay lại xuất hiện ở phim này trong cùng một loại hình nhân vật, một đề tài, gây cảm giác trùng lặp, nhàm chán. Nếu những gì phim đang tiếp diễn mà đạo diễn không cao tay, các diễn viên không tự vượt lên chính mình thì khó tránh được lối mòn trong cách thể hiện.

Ý kiến của người xem băn khoăn về những điều chưa ổn trong phim Gió làng Kình đang được phát sóng là có lý, không ngoài thiện chí mong muốn điện ảnh Việt Nam có nhiều phim hay về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Lê Đức Nam-VanHoaOnline

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất