Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội
từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960. 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự
khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước đã về dự Đại
hội.
Trong tổng số các đại biểu tham dự Đại hội có 50% số đại biểu là các
đảng viên đã tham gia cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật, tất cả
các đại biểu đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhiều
đại biểu là anh hùng và chiến sĩ thi đua, là đại biểu đại diện cho các
dân tộc thiểu số, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học... Gần 20 đoàn đại biểu
quốc tế, đại biểu của Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và các đoàn thể trong
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tới dự Đại hội.
Đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch Đảng đọc lời khai mạc Đại hội.
Người nói, lịch sử 30 năm đấu tranh của Đảng đã dạy cho chúng ta rằng:
“Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của
giai cấp vô sản và của dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng
và sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng cộng sản, giữa các nước trong đại
gia đình xã hội chủ nghĩa, đó là các bảo đảm chắc chắn nhất cho cách
mạng thắng lợi”. Người khẳng định: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”.
Người nhắc lại ý chí sắt đá giải phóng miền Nam của nhân dân cả nước ta:
“Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa
giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ-Diệm, thì
nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên”, và nhấn mạnh “Miền Bắc giàu
mạnh là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”. Để bảo
đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là “phải nâng
cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta, phát huy hơn nữa tác dụng
lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác. Từ trước tới nay, Đảng ta đã
cố gắng liên hệ chặt chẽ chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tế cách mạng Việt
Nam. Cán bộ và đảng viên ta nói chung đều có phẩm chất cách mạng tốt
đẹp. Nhưng chúng ta còn khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo
điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân…
chúng ta phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tăng cường giáo dục tư
tưởng trong Đảng, đấu tranh khắc phục khuyết điểm… Phải nâng cao hơn
nữa tính giai cấp và tính tiên phong của Đảng, tăng cường không ngừng
mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, phải biết đoàn kết mọi người yêu
nước và tiến bộ để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội và đấu tranh
thống nhất nước nhà”.
Đại hội đã nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương
do đồng chí Lê Duẩn đọc; Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê
Đức Thọ đọc; Báo cáo về phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ
nhất do đồng chí Nguyễn Duy Trinh đọc và nhiều tham luận khác.
Báo cáo chính trị đã kiểm điểm lại sự lãnh đạo của Đảng từ Đại
hội lần thứ II đến Đại hội lần thứ III, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến
chống thực dân Pháp. Báo cáo khẳng định “cuộc kháng chiến trường kỳ
trường kỳ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thắng lợi đó đã chứng tỏ
rằng trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng
một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của
chính Đảng Mác-Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực
lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó chứng tỏ rằng chỉ
có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu,
chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin mới có thể
tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc
lập”.
Phân tích tình hình đất nước ta tạm thời bị chia làm 2 miền, có
hai chế độ khác nhau, Báo cáo xác định: “Nhiệm vụ cách mạng của nhân dân
ta trong giai đoạn hiện nay là: tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên
quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa
miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền
Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây
dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu
mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà
bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
Hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và ở miền Nam thuộc hai chiến
lược khác nhau, song trước mắt đều có một mục tiêu chung là thực hiện
hoà bình thống nhất Tổ quốc, đều nhằm giải quyết mâu thuẫn chung là mâu
thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Để giải
quyết mâu thuẫn chung, mỗi miền Nam, Bắc, có nhiệm vụ chiến lược riêng
và giữ những vị trí khác nhau: Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở
miền Bắc là: “nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ
cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân
ta”. Cách mạng miền Nam “có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự
nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ
tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”.
Báo cáo chính trị nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam
là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến,
thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Vì vậy, “nhiệm vụ trước
mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh
chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô
Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp
dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do
dân chủ và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện
thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo
vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”.
Báo cáo chính trị đã phân tích một cách sâu sắc về đường lối
cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã
hội từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu chủ yếu dự trên cơ sở sản
xuất nhỏ cá thể, cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa hết sức kém cỏi cho nên
“công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải là một quá trình
cải biến cách mạng về mọi mặt nhằm đưa miền Bắc từ nền kinh tế chủ yếu
dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế xã hội
chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, từ chế độ sản xuất
nhỏ tiến lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, từ tình trạng kinh
tế phân tán và lạc hậu, xây dựng thành một nền kinh tế cân đối và hiện
đại, làm cho miền Bắc tiến bộ mau chóng, thành cơ sở ngày càng vững chắc
cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà”. Tuy có điểm xuất phát rất
thấp nhưng miền Bắc có thuận lợi cơ bản là chủ nghĩa xã hội đã trở
thành hệ thống thế giới và ngày càng lớn mạnh. Tình hình đó đảm bảo cho
miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản
chủ nghĩa.
Trong điều kiện đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền,
thì sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải biến miền Bắc
thành hậu phương vững chắc cho cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất
Tổ quốc. Quá trình cải biến cách mạng ở miền Bắc là quá trình kết hợp
cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, là quá trình đấu tranh gay gắt,
phức tạp giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ
nghĩa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã
hội.
Trên cơ sở những phân tích đúng đắn, Đại hội đã xác định đường
lối chung của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
là “đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền
thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng
cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng
đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa
xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền
Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống
nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình
Đông Nam Á và thế giới”.
“Muốn đạt mục tiêu ấy phải sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân
làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để thực hiện cải tạo xã hội
chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và
công thương nghiệp tư bản tư doanh; phát triển thành phần kinh tế quốc
doanh, thực hiện công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát
triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ
nghĩa về tư tưởng, văn hoá và kỹ thuật, biến nước ta thành một nước xã
hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hoá
khoa học tiên tiến”.
Muốn cải tạo nền kinh tế lạc hậu ở nước ta, không còn con đường
nào khác ngoài con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Vì vậy công
nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để thực hiện một bước công nghiệp hoá xã
hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ
nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, làm cho nền
kinh tế miền Bắc nước ta thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đại
hội xác định những nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất:
- Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một
bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời
ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp thực phẩm, công
nghiệp nhẹ.
- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công
nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản
tư doanh, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền
kinh tế quốc doanh.
- Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo cán
bộ và công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ,
xúc tiến công tác khoa học kỹ thuật.
- Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân
dân, mở mang phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và
thành thị.
- Ra sức củng cố quốc phòng, trật tự an ninh xã hội.
Các nhiệm vụ đó liên hệ mật thiết với nhau.
Đại hội cũng quyết định các chủ trương tăng cường nhà nước dân
chủ nhân dân củng cố sự nhất trí về chính trị của nhân dân, đoàn kết
quốc tế và đẩy mạnh xây dựng Đảng.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Đại hội đã rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu của cách mạng nước ta trong 30 năm qua. Đó là:
- Xây dựng Đảng Mác-Lênin đoàn kết nhất trí, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, luôn luôn giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng.
- Có đường lối, phương châm cách mạng đúng đắn, kết hợp nhiệm vụ
chống đế quốc và bè lũ tay sai là nhiệm vụ chủ yếu nhất và nhiệm vụ
chống phong kiến phải tiến hành từng bước, kết hợp với nhiệm vụ chống đế
quốc.
- Giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, thực hiện khối liên minh công nông vững chắc.
- Dựa trên cơ sở khối liên minh công nông vững mạnh, tập hợp mọi
lực lượng dân tộc và dân chủ thành một mặt trận thống nhất rộng rãi
dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Lấy việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng làm cơ
bản, phối hợp hoạt động hợp pháp và hoạt động không hợp pháp, kết hợp
đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kết hợp lực lượng vũ trang
với lực lượng chính trị.
- Tăng cường nhà nước dân chủ nhân dân.
- Nắm vững phương hướng chiến lược lợi dụng những mâu thuẫn cục
bộ và tạm thời trong nội bộ kẻ thù để phân hoá chúng, trung lập những
lực lượng có thể trung lập, cô lập triệt để bọn nguy hiểm nhất.
- Tăng cường đoàn kết quốc tế.
Kinh nghiệm cách mạng được tổng kết đã khẳng định sự lãnh đạo
của Đảng là yếu tố cơ bản quyến định mọi thắng lợi của nhân dân ta. Để
cho Đảng làm tròn sứ mệnh, vấn đề mấu chốt là phải không ngừng tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng tức là “phải nâng cao sức chiến đấu và năng
lực lãnh đạo của Đảng,… củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng,
phải cải tiến công tác lãnh đạo của Đảng, phải nâng cao không ngừng
trình độ hiểu biết và năng lực công tác của cán bộ đảng viên”.
Đại hội nghe và thảo luận Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng. Báo
cáo chỉ rõ: trong tình hình mới, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Đảng
là phải giữ vững và nâng cao hơn nữa tính giai cấp và tính tiên phong
của Đảng để nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; phải
nâng cao trình độ lý luận và tư tưởng trong Đảng, mở rộng dân chủ và
tăng cường tập trung trong sinh hoạt Đảng, tăng cường đoàn kết thống
nhất trong Đảng trên cơ sở phê bình và tự phê bình. Báo cáo sửa đổi Điều
lệ đặc biệt nhấn mạnh vấn đề về đảng viên, coi đó là một trong những
vấn đề quyết định chất lượng và sức chiến đấu của Đảng.
Trong hơn 5 ngày làm việc, Đại hội đã thảo luận sôi nổi và hoàn
toàn tán thành Báo cáo chính trị và các báo cáo khác của Ban Chấp hành
Trung ương. Những vấn đề Đại hội thảo luận và thông qua có tầm quan
trọng quyết định phương hướng nhiệm vụ của cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính
thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ
tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp
hành Trung ương Đảng.
Ngày 10-9/1960, Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về
nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới; Thông qua Điều lệ
(sửa đổi) của Đảng và Lời kêu gọi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
III của Đảng Lao động Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn bế
mạc Đại hội./.
TG