Trong 5 năm đầu cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự
kiện lịch sử quan trọng, được ghi đậm nét vào lịch sử vẻ vang của Đảng
và của dân tộc. Nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, giành
được nhiều thắng lợi có ý nghĩa.
Đây cũng chính là thời kỳ Đảng và nhân dân ta phải trải qua nhiều thách
thức nghiêm trọng. Công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội
của Đảng và Nhà nước phạm nhiều khuyết điểm. Xuất hiện tình hình khủng
hoảng kinh tế - xã hội. Thực trạng đất nước đòi hỏi Đảng phải kiểm điểm
lại đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá khách quan thành tựu và
khuyết điểm, định ra mục tiêu, nhiệm vụ, các biện pháp giải quyết đúng
những vấn đề quan trọng cấp bách trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã
hội nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiến lên.
Sau năm năm kể từ Đại hội lần thứ IV, Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ V của Đảng, họp từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1982 tại Thủ
đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1033 đại biểu thay mặt 1.727.000 đảng
viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Trong số đại biểu đó có 14
đảng viên từng tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng; 102 đại biểu
hoạt động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; 118 đại biểu đại diện
cho các dân tộc thiểu số phía Bắc và Tây Nam; 79 đại biểu là anh hùng
lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua; một phần ba số
đại biểu có trình độ từ đại học trở lên, nhiều đại biểu là cán bộ hoạt
động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Đến dự Đại hội có 47 đoàn đại
biểu quốc tế.
Đồng chí Trường Chinh đọc lời khai mạc Đại hội. Đồng chí Lê Duẩn
đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Phạm
Văn Đồng đọc Báo cáo về nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng chí Lê Đức Thọ
đọc Báo cáo về xây dựng Đảng. Nhiều đại biểu của Đại hội đã đọc tham
luận, nhiều đại biểu quốc tế và trong nước đọc lời chào mừng.
Báo cáo chính trị đã đánh giá toàn diện những thắng lợi mà Đảng
và nhân dân ta đã giành được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ
sau đại thắng mùa xuân 1975. Báo cáo khẳng định: Thành công rực rỡ của
Đảng và nhân dân ta đã nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt nhà nước,
triển khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy quá trình thống nhất về
mọi mặt, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc; Thắng lợi trong cuộc
chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc
và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa ba
nước Việt Nam, Lào, Campuchia, góp phần củng cố hoà bình và ổn định
trong khu vực.
Báo cáo chính trị đã nêu bật những thành tựu trên các lĩnh vực.
Trên mặt trận kinh tế chúng ta đã khắc phục những hậu quả nặng nề do
chiến tranh xâm lược và thiên tai gây ra, khôi phục và phát triển sản
xuất, phân bố lại lao động xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ
nghĩa. Ở miền Nam, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đạt được những kết
quả bước đầu, giai cấp tư sản mại bản bị xoá bỏ, một bộ phận công
thương nghiệp tư bản đã được cải tạo, nông dân ở nhiều nơi tham gia tập
đoàn sản xuất kể cả vào làm ăn tập thể. Trên mặt trận văn hoá, sự
nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển, nạn mù chữ về cơ bản được thanh
toán. Công cuộc xây dựng nền văn hoá mới được triển khai trong cả nước.
Sự nghiệp văn học nghệ thuật đạt được một số tiến bộ. Công tác y tế, thể
dục thể thao, có nhiều cố gắng vươn lên. Các ngành khoa học, kỹ thuật
đã đáp ứng tốt một số yêu cầu của kinh tế và quốc phòng.
Báo cáo chính trị khẳng định: “Năm năm qua được ghi vào lịch sử
dân tộc như một đoạn đường thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam”.
Vượt qua muôn khó khăn chồng chất cách mạng nước ta đã phát triển lên
một thế chiến lược mới, vững chắc hơn, tạo khả năng to lớn hơn để bảo vệ
và xây dựng đất nước.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng của đất nước, Báo cáo chính trị
cũng vạch rõ những khó khăn yếu kém của nước ta trong quá trình phát
triển. Về kinh tế, kết quả thực hiện các kế hoạch kinh tế trong 5 năm
1976-1980 chưa thu hẹp được những mặt cân đối nghiêm trọng của nền kinh
tế quốc dân. Sản xuất phát triển rất chậm trong khi dân số tăng nhanh,
lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu
của đời sống xã hội. Đời sống nhân dân lao động gặp rất nhiều khó khăn
thiếu thốn. Mặt trận tư tưởng, văn hoá, giáo dục còn bị xem nhẹ, pháp
chế xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường, pháp luật, kỷ luật bị buông
lỏng.
Mặt khác, khó khăn còn do sai lầm, khuyết điểm của các cơ quan
Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở trong lãnh đạo quản lý kinh tế -
xã hội của đất nước. Chúng ta đã chủ quan, nóng vội đề ra một số chỉ
tiêu quá lớn về quy mô, quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển
sản xuất; đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao
cấp, chậm đổi mới các chính sách chế độ kìm hãm sản xuất; đã quan liêu,
xa rời thực tế, không nhạy bén với những thay đổi của vận động xã hội,
bảo thủ, trì trệ, lạc quan thiếu cơ sở.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước, những biến động của
tình hình quốc tế và những âm mưu của các thế lực thù địch chống lại
Việt Nam, Báo cáo nêu rõ trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng phải
lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết
với nhau. Xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho đất nước lớn mạnh về mọi
mặt thì mới có đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch,
bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngược lại có tăng cường phòng thủ, bảo vệ
vững chắc Tổ quốc mới có điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã
hội.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc,
Đảng và nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa
xã hội. Báo cáo chính trị của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu về
kinh tế - xã hội trong 5 năm 1981-1985 và những năm 80. Trong đó mục
tiêu kinh tế - xã hội những năm 80 là: Đáp ứng những nhu cầu cấp bách và
thiết yếu nhất dần dần ổn định, tiến tới cải thiện một bước đời sống
vật chất và văn hoá của nhân dân; Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ
thuật của chủ nghĩa xã hội; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu
dùng và hàng xuất khẩu, trang bị thêm thiết bị kỹ thuật cho các ngành
kinh tế chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nặng trong
chặng đường tiếp theo; Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở
miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; Đáp
ứng nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, giữ
vững an ninh trật tự.
Báo cáo chính trị đã xác định những chính sách lớn về kinh tế -
xã hội và nêu rõ: Trong 5 năm 1981-1985 chúng ta cần tập trung lực lượng
thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Giải quyết những vấn đề cấp bách nhất để ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân.
2. Phát triển và sắp xếp lại sản xuất, tiếp tục thực hiện việc phân công và phân bố lại lao động xã hội.
3. Bố trí lại xây dựng cơ bản cho phù hợp với khả năng và theo
hướng tạo thêm điều kiện để phát huy các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có
nhằm vào các mục tiêu cấp bách nhất về kinh tế và xã hội.
4. Cải tiến công tác phân phối lưu thông, thiết lập một bước trật tự mới trên mặt trận này.
5. Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất
xã hội chủ nghĩa trong cả nước về các mặt chế độ sở hữu, quản lý, phân
phối.
6. Làm tốt hợp tác kinh tế với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.
7. Thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, đặc biệt coi trọng tiết kiệm trong xây dựng cơ bản và sản xuất.
8. Làm tốt việc ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
9. Đổi mới một bước hệ thống quản lý kinh tế.
10. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, y tế phù hợp với yêu cầu và
khả năng kinh tế. Thực hiện cải cách giáo dục một cách tích cực và vững
chắc. Xác định quy hoạch hợp lý và tiếp tục đào tạo cán bộ khoa học kỹ
thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề.
11. Tăng cường quản lý xã hội, kiên quyết đấu tranh chống các
hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội và các biểu hiện tiêu cực khác, đề cao
kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, giữ vững trật tự và an
toàn xã hội.
12. Bảo đảm các nhu cầu về kinh tế của công cuộc củng cố quốc
phòng và an ninh, bảo vệ đất nước, đồng thời huy động năng lực công
nghiệp quốc phòng và sử dụng hợp lý lực lượng quân đội vào những hoạt
động kinh tế thích hợp.
Về những nhiệm vụ văn hoá, xã hội, Báo cáo chính trị nhấn mạnh
việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới đã thu được nhiều thành
tích. Nhưng cuộc đấu tranh giữa hai con đường trên lĩnh vực văn hoá, tư
tưởng, lối sống diễn ra hết sức phức tạp. Xây dựng nền văn hoá mới, con
người mới là sự nghiệp mang nội dung toàn diện. Trong đó hệ thống giáo
dục bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên
nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học và trên đại học có tầm quan trọng
hàng đầu. Trong công cuộc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, văn
hoá nghệ thuật giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, Đảng và Nhà nước cần
tăng cường quản lý, đồng thời ra sức phát triển và nâng cao chất lượng
các hoạt động văn hoá, văn nghệ đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng.
Về tăng cường Nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát động phong trào
cách mạng của quần chúng, Báo cáo chính trị nêu rõ: Nhân dân lao động
thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự
lãnh đạo cuả Đảng. Tăng cường Nhà nước là vấn đề cấp bách để phát huy
quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với Nhà nước, cải tiến phương pháp lãnh đạo của các cấp uỷ đảng với
chính quyền là điều kiện để phát huy vai trò và hiệu lực của Nhà nước.
Về nâng cao sức chiến đấu của Đảng, Báo cáo chính trị nhấn mạnh:
Hiện nay nhiệm vụ lịch sử mà Đảng phải gánh vác hết sức nặng nề. Cuộc
đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra gay gắt và phức
tạp. Các loại kẻ thù trong và ngoài nước tìm mọi cách phá hoại Đảng ta
về tư tưởng, tổ chức. Vì vậy, công tác xây dựng Đảng càng có vị trí đặc
biệt quan trọng. Nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng hiện nay
là tiếp tục nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng,
xây dựng Đảng mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm bảo đảm
thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của
Đảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; làm
cho Đảng ta luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, một đảng
thật sự trong sạch, có sức chiến đấu cao, gắn bó chặt chẽ với quần
chúng.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm tăng
cường công tác lý luận, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội.
làm cho công tác lý luận, khoa học gắn chặt với nghiên cứu, xác định và
phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng đã giành nhiều
công sức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước nhằm triển khai và
hiện thực hoá chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước
trong các hoạt động của thực tiễn cách mạng.
Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội nghe Báo cáo phương hướng nhiệm vụ và những mục tiêu chủ
yếu về kinh tế và xã hội trong 5 năm (1981-1985) và những năm 80 do
đồng chí Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng trình bày.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã thông qua Báo
cáo về xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Đức
Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị trình bày. Báo cáo phân tích những ưu điểm và
nhược điểm trong công tác xây dựng Đảng và nhấn mạnh: “Trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ta đã có những ưu điểm rất cơ bản,
đồng thời cũng bộc lộ những nhược điểm và khuyết điểm lớn cần ra sức
khắc phục”. Báo cáo yêu cầu trong 5 năm tới phải đổi mới và tạo ra một
chuyển biến sâu sắc và căn bản về công tác tư tưởng và công tác tổ chức
của Đảng theo các yêu cầu sau đây:
Một là, bảo đảm thấu suốt đường lối nâng cao năng lực lãnh đạo
và tổ chức về mọi mặt, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất
nước, nhất là về kinh tế.
Hai là, cải tiến sự lãnh đạo của Đảng gắn với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và việc tinh giản bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Ba là, củng cố cho được cơ sở đảng gắn liền với việc thực hiện
nhiệm vụ chính trị xây dựng huyện, quận, xã, phường… xây dựng các tổ
chức sản xuất kinh doanh, các đơn vị chiến đấu và phát đông các phong
trào quần chúng. Nâng cao sức chiến đấu của các cơ sở đảng, phát triển
và củng cố đội ngũ của Đảng, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái
hoá biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Bốn là, theo quy hoạch tiến hành đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, bố trí đúng và bảo đảm tính kế thừa trong việc xây dựng đội ngũ
cốt cán, ra sức xây dựng nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán
bộ, bảo đảm sự vững vàng của Đảng trong mọi tình thế.
Năm là, giữ gìn phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất của
Đảng, thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến hành phê bình
và tự phê bình thường xuyên trong sinh hoạt Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã thông qua Nghị
quyết Báo cáo về xây dựng Đảng và những đề nghị cụ thể về bổ sung Điều
lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 uỷ viên chính thức và 36 uỷ viên dự khuyết.
Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết.
Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội lần thứ V của Đảng là kết quả của một quá trình làm việc
nghiêm túc, tập hợp ý kiến của toàn Đảng để đề ra nhiệm vụ, phương
hướng… nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của
cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một bước chuyển biến mới về sự lãnh
đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.
/.
TG