Thơ muôn năm! Tôi mượn câu kết trong bài Thơ và toàn cầu hóa của nhà thơ, nhà phê bình Nga Nikolai Preiaxlov đọc tại hội thảo Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất ở Hạ Long (Quảng Ninh) để mở đầu bài viết này. Thơ, trong tiến trình phát triển của nhân loại đã, đang tồn tại và sẽ mãi tồn tại như một hoạt động văn hóa, tinh thần của con người. Bởi lẽ, thơ chính là cuộc sống ở chiều sâu, là một phần tâm hồn, tình cảm của con người được biểu cảm qua ngôn ngữ tinh tế và chọn lọc nhất.
Thơ gắn với dân tộc hay nói đúng hơn là một phần văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong bài viết của mình Nikolai Preiaxlov đã khẳng định: Giữ gìn thơ ca dân tộc, đó không chỉ đơn giản là bảo toàn văn hóa khỏi sự vứt bỏ và sự xói mòn bởi những trào lưu văn học mốt mới. Giữ gìn thơ ca dân tộc, đó còn có nghĩa là bảo tồn tâm hồn của chính nhân dân, bởi vì chính trong thơ ca đã in dấu các truyền thống sinh hoạt và nghi lễ của nhân dân, những bài ca, những anh hùng ca, huyền thoại và đạo lý nhiều thế kỷ của cha ông. Ông lại nói như đinh đóng cột rằng: Toàn cầu hóa, đó là con đường không đi tới đâu cả. Trong khi thơ là con đường tới vĩnh cửu… Thật trùng khít với quan niệm về thơ của không ít người trong chúng ta; làm thơ trước hết là để bảo tồn văn hóa dân tộc; đổi mới thơ không phải là chối bỏ, phủ định truyền thống. Tôi thấy, đổi mới trên nền truyền thống là hướng đi của khá nhiều nhà thơ hiện nay ở Việt Nam.
Cũng hướng về dân tộc và Tổ quốc mình, nhà thơ Agus R. Sarjono (Indonesia) tâm sự: Trái tim của những nền văn hóa được gìn giữ và diễn đạt thông qua các tác phẩm văn học. Ở khía cạnh này, sự gặp gỡ của quan hệ nội tại dựa trên những tác phẩm văn học sẽ cho chúng ta cơ hội lớn để đối thoại về văn hóa và văn minh một cách tôn trọng và hòa bình. Với thi ca, ông cảm nhận: Thơ nhìn vào thế giới từ những đặc điểm riêng và sự khác biệt của nó. Vì thế, thơ có sức mạnh bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, chạm vào trái tim của con người trên khắp thế giới.
Rõ ràng, thơ vẫn chưa mất đi giá trị của nó trong việc bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời cũng là nhịp cầu nối các nền văn hóa lại với nhau trong tình yêu và khát vọng hòa bình cho nhân loại. Những bước tiến của tri thức, của khoa học kỹ thuật cần được “bảo hiểm” bởi lòng nhân ái và tình thương đồng loại mà như chúng ta đã biết thi ca luôn hướng về điều đó. Nhà thơ đến từ New Zealand, Sue Wootton bộc bạch: “Đôi lúc tôi nghe có những lời nhận xét rằng thơ đang chết dần. Tôi luôn kinh ngạc, bởi rõ ràng tôi thấy điều ngược lại. Cứ mỗi người cho rằng thơ không còn thích hợp, hay quá khó, thì lại có nhiều người khác ghi nhớ một bài thơ trong đầu hay viết vội một bài thơ bỏ trong ví, nhiều người khác cố dành chút thời gian trong cuộc sống bận rộn, thường là trước bình minh hoặc sau nửa đêm để viết những dòng thơ”.
Đến từ Nhật Bản, đất nước vừa trải qua trận động đất và sóng thần nặng nề nhất trong lịch sử vào năm 2011, nhà thơ và dịch giả Yuka Tsukagoshi tâm sự: Tiếng nói trong thơ ca đã khích lệ các nạn nhân và tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng thơ ca, với ngôn ngữ sinh động, đã làm giàu cảm xúc và ý nghĩa của hiện tại, mang lại sức mạnh để kết nối ngay lập tức với trái tim những người khác. Thơ, từ của một người đã trở thành “năng lượng” của nhiều người trong sự sẻ chia, đồng cảm, động viên, an ủi. Những sự rắc rối, tắc tị, rối rắm trong cái gọi là thơ sẽ trở nên lúng túng, hổ thẹn lúc này.
Thơ, xưa - nay vẫn thế, chính là nhịp cầu nối từ trái tim người này đến trái tim người khác dù họ không cùng ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử. Như thế, thơ - dù giản dị và không huyền bí như ai muốn thần thánh hóa nó, vẫn mang những giá trị đích thực trong cuộc sống như nữ nhà thơ Nhật Bản này phát biểu: tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc thơ ca đi qua biên giới hữu hình và vô hình giữa những dân tộc, những nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Cho dù khoảnh khắc đó chỉ là một cái chớp mắt của thời gian thì đó cũng là một bước tiến lớn tới việc tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hòa bình chung.
Các bạn thơ châu Á - Thái Bình Dương còn mang đến Hạ Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Việt Nam nhiều bài thơ cảm động. Đây là một bài thơ tôi thích của Poet Mary Croy đến từ nước Mỹ mang tên Sông Hương: Những người kiếm sống trên sông/ học cách tắm trong dòng nước đục/ bơi dưới lụa mà không sợ hãi/ những đứa trẻ trút ào những tấm lưng về mặt trời buổi sáng/ người phụ nữ già đẩy thuyền bằng xương sống/ dắt lai thuyền bằng chiếc dây thừng (chiếc dây ấy trở thành Thượng đế)/ những cây ngô trổ dọc bờ sông/ những hàng cây với những chiếc nạng/ đào đi những gì còn sót lại/ đem lên đồi bằng xe cút kít và cáng/ nạo vét số phận/ đưa cát dày lên từ những bàn chân/ gạn sỏi từ nước cạn/ ném lên băng chuyền/ thức ăn bê tông/ trên những quả đồi những người chết có đôi mắt đá/ khao khát xanh
Đó chính là một thông điệp giản dị và xúc động về tình thương và lòng nhân ái của thơ.
SGGP