Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 18/2/2012 20:45'(GMT+7)

Đến với một “Đà Lạt mới” của Kon Tum

Thác Pasih - Khu du lcịh sinh thái Măng Đen-KonPlông.

Thác Pasih - Khu du lcịh sinh thái Măng Đen-KonPlông.

Từ Thành phố Kon Tum dọc theo Quốc lộ 24 về hướng Đông Bắc của tỉnh Kon Tum khoảng hơn 50 Km, men theo đường đèo Măng Đen, băng qua khu rừng già và rừng thông bạt ngàn, lên đến đỉnh đèo ta bắt gặp những dãy nhà biệt thự mới được xây dựng, gợi lên một sức sống mới, sự sôi động và náo nhiệt, xua đi cái lạnh lẽo của xứ sở sương mù, gió lạnh. Đó chính là khu du lịch sinh thái Măng Đen, cách không xa khu trung tâm hành chính huyện KonPlông.

Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, cao nguyên Măng Đen bồng bềnh huyền ảo trong sương, được mệnh danh là một “Đà Lạt mới” với cái se lạnh buổi sáng sớm và ban đêm, nắng vàng rực rỡ vào buổi trưa, mát mẻ vào buổi chiều và bất chợt những màn mưa phùn vào lúc hoàng hôn.

Măng Đen là tên một địa danh mà người Kinh gọi chệch đi từ tên T’Măng Deeng. Theo cách gọi của người Mơ Nâm T’Măng nghĩa là nơi ở hoặc vùng, Deeng là bằng phẳng và rộng lớn. T’Măng Deeng là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.

Mùa xuân trên vùng cao nguyên KonPlông không ồn ào như nơi phố thị, không nhộn nhịp như ở đồng bằng. Đến với Măng Đen mùa xuân, bên cạnh những hoạt động vui chơi mang đậm nét văn hoá bản địa tại nhà rông, du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã của núi rừng như cơm lam, thịt nướng ống le, gà nướng lá chanh, dê quay… cùng quây quần bên ché rượu cần nồng đượm hương sắc cao nguyên. Du khách cũng có thể du ngoạn bằng xe ngựa thăm thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ; ngồi xuống thiên nga thong thả tận hưởng không khí mùa xuân trên lòng hồ Toong Đam, hoặc tản bộ bên những ven rừng, bờ sông, khe suối trong không gian tràn ngập hương sắc cỏ cây hoa lá…

Huyện KonPlông có địa giới hành chính giáp với tỉnh Quảng Ngãi ở phía Đông, phía Tây giáp huyện Đăk Tô (Kon Tum) và Thành phố Kon Tum, phía Nam giáp với tỉnh Gia Lai, phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Nam. Đây được coi là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Kon Tum, là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các tỉnh đồng bằng miền Trung với Kon Tum-Tây Nguyên; có lịch sử lâu đời với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với lịch sử Tây Nguyên và lịch sử đất nước. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 91,23% dân số toàn huyện. Các dân tộc Mơ Nâm, Ka dông, Sê đăng, Hre và Kinh sống chan hoà, đan xen, đoàn kết với nhau, mỗi dân tộc có những phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt và văn hoá khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá Việt Nam. Đây là một trong những đặc trưng để xây dựng và phát triển khu văn hoá du lịch Bắc Tây Nguyên.

Hoa địa lan được du nhập về trồng tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen - KonPlông

KonPlông có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 16-220C, độ ẩm trung bình 82-84%. Thế mạnh của du lịch sinh thái Măng Đen chính là ở cảnh quan thiên nhiên, rừng có độ che phủ đạt 83% diện tích tự nhiên, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, rừng trồng chủ yếu là thông cổ thụ và thông ba lá được trồng sau ngày miền Nam giải phóng; có nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống; tập trung nhiều suối đá, thác (Đăk Ke, Pasih, Lô Ba), hồ (Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô)… thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học.

Điều kiện tự nhiên và khí hậu thời tiết ở Măng Đen rất thích hợp với việc trồng các loại rau, hoa xứ lạnh đồng thời có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm sinh sống. Do đó, việc phát triển vùng rau, hoa xứ lạnh và đầu tư các cơ sở nuôi các loại động vật như: hươu, nai, heo rừng, nhím, gà rừng, chim trĩ, trăn và nhiều loại động vật quý hiếm khác, đặc biệt là phát triển nuôi cá hồi, cá tầm… đã góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho Khu Du lịch Măng Đen.

KonPlông còn có vị trí khá thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, là vị trí trung chuyển của Quốc lộ 24 nối liền giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum, vùng chịu tác động tích cực của hành lang kinh tế Đông-Tây. Vì vậy, không những được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch du lịch sinh thái Quốc gia, KonPlông còn được Đảng bộ, UBND tỉnh Kon Tum xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Đến với Măng Đen - KonPlông, nếu chỉ nghĩ đến với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng, để tận hưởng khí hậu ôn hoà và mát mẻ là chưa đủ. Đến với Măng Đen còn là đến với thế giới thần kỳ, huyền bí trong kho tàng truyền thuyết về sự tích các hồ, thác, sông, suối của tộc người Sê Đăng, Mơ Nâm; đến với những làn điệu dân ca Mơ Nâm, chếnh choáng trong men rượu cần, bên bếp lửa dưới mái nhà rông truyền thống, rộn ràng trong điệu cồng chiêng, tưng bừng trong điệu xoang Tây Nguyên vào những ngày lễ hội.

Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, huyện KonPlông đã tập trung khôi phục các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm và hình thành điểm du lịch văn hóa Tu Rằng, kết hợp với các lễ hội như lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ hội ăn lúa mới... để phục vụ khách du lịch.

Thời gian qua, huyện đã giao cho Phòng VH-TT phối hợp với Công ty Sài Gòn-Măng Đen mời các đoàn nghệ nhân tại các thôn, làng về Trung tâm huyện giới thiệu và quảng bá có hiệu quả những sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Huyện cũng đã mời các nhà nghiên cứu văn hoá-nghệ thuật từ Trung ương về nghiên cứu, phổ biến những sinh hoạt văn hoá, âm nhạc truyền thống của đồng bào bản địa để xây dựng, phát triển làng văn hóa du lịch.

Nhà Truyền thống huyện đang lưu giữ nhiều hiện vật nguyên gốc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, gồm các trang phục, nhạc cụ, khí cụ, công cụ sản xuất, hàng thổ cẩm... Đây cũng là một điểm tham quan, nghiên cứu và quảng bá văn hoá truyền thống của các dân tộc bản địa, phục vụ khách du lịch và các nhà nghiên cứu.

Tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động như gặp gỡ những người làm du lịch Tây Nguyên, để qua đó quảng bá và thu hút đầu tư vào Măng Đen; tại đây tỉnh Kon Tum cũng đã tổ chức nhiều lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng với các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc… nhằm giới thiệu với du khách, những người làm du lịch những nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc của người dân Kon Tum nói chung và huyện KonPloong nói riêng.

Nhà rông văn hoá bên bờ hồ Toong Đam tại trung tâm huyện KonPlông.

Theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch, phát triển Du lịch sinh thái và vùng phụ cận, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị trấn gắn với phát triển du lịch sinh thái Măng đen có tổng diện tích 720 ha. Trong đó có khu trung tâm thương mại-du lịch hồ Đăk ke là 75 ha; 270 ha du lịch sinh thái gồm Thác Đăk ke, thác Lô ba, hồ Toong Đam, Toongzơri, khu sinh thái cảnh quan, leo núi, suối và thác Pasih; 55 ha là cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; ngoài ra là khu trung tâm thị trấn (70 ha) và quy hoạch chi tiết phía Đông, Tây, Nam, Bắc khu trung tâm thị trấn (250 ha).

Qua đó, nhiều dự án được đầu tư xây dựng như: dự án khu khách sạn, nhà nghỉ biệt thự, bảo tồn và nuôi thú rừng tự nhiên, nuôi cá nước lạnh, du lịch thác, hồ và nuôi thú để săn bắn, dự án hoa, cây cảnh, dự án khu nghiên cứu thực nghiệm sinh học, dự án khôi phục làng nghề truyền thống...

Để phục vụ cho phát triển du lịch, qua đó từng bước nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân trong huyện, chính quyền huyện KonPlông đã và đang du nhập các mô hình trồng rau, hoa quả xứ lạnh, nuôi cá để phục vụ nhu cầu du khách, tiến tới mở ra đại trà để đồng bào làm quen dần với sản xuất hàng hoá. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích bà con có thể trực tiếp làm du lịch qua việc giới thiệu những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá, ẩm thực của dân tộc mình.

Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn thông qua phát triển du lịch văn hoá là một trong những giải pháp lớn được KonPlông xác định, nhằm góp phần thoát nghèo, vươn lên phát triển bền vững. Qua đó từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và huyện KonPlông nói riêng ngày càng có điều kiện phát triển và quảng bá với du khách trong và ngoài nước.

Để đẩy mạnh đầu tư, phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, của tỉnh, huyện KonPlông đã và đang tiếp tục tập trung kêu gọi thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; làm việc với các bộ, ngành đề nghị Chính phủ có quyết định bổ sung khu du lịch sinh thái Măng Đen - KonPlông vào quy hoạch Du lịch Việt Nam đến năm 2015 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh phát triển các dự án rau hoa xứ lạnh, mở rộng diện tích nuôi cá tầm, cá hồi đáp ứng nhu cầu khách du lịch; phát triển các loại dịch vụ du lịch, tiếp tục khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách; tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để giới thiệu cho du khách đến tham quan./.

Bài, ảnh: Võ Thị Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất