Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 5/7/2013 22:14'(GMT+7)

Dân chủ không phải “món quà”

Những người ủng hộ Tổng thống M.Mơ-xi tập trung ở thủ đô Cai-rô ngày 28/6. (Ảnh: Roi-tơ)

Những người ủng hộ Tổng thống M.Mơ-xi tập trung ở thủ đô Cai-rô ngày 28/6. (Ảnh: Roi-tơ)

Cơn địa chấn chính trị mới đã xuất hiện trên đất nước của các Pha-ra-ông sau khi quân đội phế truất Tổng thống Mô-ha-mét Mo-xi (Mohamed Morsi), đình chỉ Hiến pháp và bổ nhiệm Tổng thống lâm thời.

Một lần nữa, quân đội lại thẳng tay phế truất người đứng đầu chính quyền Ai Cập như đã làm với cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc trước đây, với lý do được tuyên bố là ngăn chặn bạo loạn, sau khi ông M.Mo-xi không đáp ứng “các yêu cầu của nhân dân”. Bao nhiêu nỗi bực tức lẫn thất vọng bấy lâu, người dân Ai Cập đã trút cả xuống Tổng thống M.Mo-xi bằng phong trào biểu tình rầm rộ suốt thời gian qua, đe dọa đẩy Ai Cập rơi vào bạo loạn khó kiểm soát. “Bánh mì, tự do và công bằng xã hội” trên biểu ngữ và khẩu hiệu của người biểu tình tiếp tục là những yêu sách của người dân đang sục sôi muốn lật đổ chính phủ như trong phong trào “Mùa xuân A-rập” hơn hai năm về trước.

Không khó để lý giải về sự ra đi chóng vánh của ông M.Mo-xi sau một năm cầm quyền. Đó là quãng thời gian đầy sóng gió với ông M.Mo-xi khi phải chèo lái con thuyền đất nước gần như rệu rã vì vừa trải qua “cơn bão dữ” của phong trào “Mùa xuân A-rập”. Đất nước bị chia rẽ sâu sắc bởi các phe phái tranh giành quyền lực. Kinh tế sa sút nghiêm trọng vì bất ổn chính trị, an ninh đã khiến các nhà đầu tư nối đuôi nhau rời khỏi Ai Cập, trong khi doanh thu chủ yếu từ du lịch sụt giảm trông thấy. Nhưng đã cả năm nay, ông M.Mo-xi đã không đưa ra được các chính sách và kế hoạch phát triển hiệu quả nào để cải thiện tình hình đất nước. Các cam kết tranh cử cũng lần lượt bị phá bỏ. Thậm chí, đời sống của người dân còn tồi tệ hơn khi thiếu việc làm, lương thực và nhiên liệu trong khi giá cả leo thang.

Thêm vào đó, thay vì chú trọng phát triển kinh tế, ông M.Mo-xi cùng đảng liên minh Anh em Hồi giáo lại chỉ chú trọng củng cố quyền lực nhiều hơn. Ông không chứng tỏ được mình là “Tổng thống của tất cả người dân Ai Cập” mà lại cho thấy mình là “Tổng thống của những người Hồi giáo”. Nói cách khác, ông đã không đủ khả năng để dung hòa và đoàn kết các phe phái chính trị vốn rất đa dạng và luôn tìm cơ hội lên nắm quyền lực. Sau khi đắc cử, ông đã đưa ra một loạt sắc lệnh bị cho là chuyên quyền, áp đặt và bảo thủ nhằm thâu tóm quyền lực vào tay Tổng thống, loại bỏ vai trò của tòa án, quốc hội, cảnh sát, thậm chí đối đầu cả với giới truyền thông.

Những bước đi bị chỉ trích nói trên của ông M.Mo-xi được cho là nhằm thành lập một nhà nước chính trị Hồi giáo, áp dụng luật của đạo Hồi để cai trị đất nước. Bằng chứng là một bản Hiến pháp Hồi giáo đã được thông qua một cách vội vàng, bất chấp rất nhiều tranh cãi và phản đối. Tham vọng chính trị của ông M.Mo-xi cùng phe Anh em Hồi giáo gây bất bình với nhiều người dân Ai Cập, tạo cơ hội cho phe đối lập kích động người dân nổi dậy chống lại chính quyền, gây ra cục diện rối ren như hiện nay.

Có thể nói, tương lai của Ai Cập trước những diễn biến chính trị phức tạp hiện nay là rất mờ mịt. Cho dù quân đội Ai Cập với nỗ lực có vẻ giống một “trọng tài” nhằm thành lập chính phủ mới ở Ai Cập thì cũng chưa có gì bảo đảm quốc gia này không rơi vào bi kịch cũ như hơn hai năm về trước. Khi đó, quân đội Ai Cập từng bị chỉ trích vì tham vọng duy trì quyền lực trong suốt 18 tháng “hậu mùa xuân A-rập”. Trong thời gian đó, Ai Cập chìm trong bế tắc chính trị do các phe phái tranh giành quyền lực, không thể tổ chức được bầu cử, trong khi chính quyền quân sự lại cho thấy không muốn từ bỏ quyền lực.   

Ở Ai Cập, quân đội luôn giữ vai trò quan trọng, thậm chí là trụ cột trong bảo đảm an ninh, ổn định và có ảnh hưởng to lớn đối với toàn bộ hệ thống thể chế nhà nước. Cựu tổng thống H.Mu-ba-rắc bị lật đổ cũng vì mất đi sự hậu thuẫn của quân đội. Và nay, Tổng thống M.Mo-xi cũng chịu chung số phận vì dám đối đầu với lực lượng này. Đặc thù quân đội nắm sức mạnh chi phối ấy khiến những người bi quan nghĩ rằng, cho dù một Tổng thống mới sẽ được bầu lên ở Ai Cập thì cũng chưa chắc sẽ đem lại sự ổn định lâu dài cho đất nước này.

Cuộc đảo chính quân sự lần này đã “giội gáo nước lạnh” vào cái gọi là "dân chủ" mà phương Tây hết lời ca ngợi sau “mùa xuân A-rập”, khi lần đầu tiên Ai Cập có một Tổng thống do dân bầu (ông M.Mo-xi). Tình trạng rối ren chính trị ở Ai Cập chính là “quả đắng” hậu “mùa xuân A-rập” vẫn được phương Tây ca tụng như một “cuộc cách mạng” mang lại "dân chủ và tự do" cho một số nước ở Trung Đông và Bắc Phi sau khi hàng loạt chính phủ bị lật đổ.

Cách đây một năm, người dân Ai Cập đã bắn pháo hoa chào mừng ông M.Mo-xi, vị Tổng thống dân bầu đầu tiên kể từ sau khi chế độ cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc bị lật đổ. Nhưng giờ đây, cũng chính họ, những người đã ủng hộ Tổng thống M.Mo-xi, lại đốt pháo hoa hân hoan vì đã hạ bệ được ông. Nghịch lý dân chủ này ở Ai Cập đã cho thấy một chân lý rằng, dân chủ không thể có chỉ sau một cuộc bầu cử hay lật đổ một chế độ phi dân chủ. Nó cũng không phải là một “món quà” từ đâu mang đến, mà là kết quả của cả một quá trình lâu dài, đầy khó khăn trong xây dựng. Nghịch lý dân chủ ở Ai Cập là một giấc mơ tan vỡ đối với những ai hy vọng sẽ có "món quà" dân chủ một cách dễ dàng./.

Mỹ Hạnh (QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất