Nghị quyết của Đảng là văn kiện thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; xây dựng và xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ của quốc gia trong mỗi thời kỳ cách mạng và trên từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng… Nghị quyết của Đảng được xây dựng trên cơ sở yêu cầu phát triển của cách mạng trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể và trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định giá trị to lớn các nghị quyết của Đảng. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp ở huyện Ba Vì đã thường xuyên quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục nghị quyết của Đảng cho đảng viên.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nghị quyết của Đảng ở Đảng bộ huyện Ba Vì đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm. Nội dung tuyên truyền, giáo dục chưa theo kịp với tình hình mới; hình thức tuyên truyền, giáo dục còn thiếu sức thuyết phục, chất lượng tuyên truyền, giáo dục còn thấp. Việc tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết chưa được tổ chức tốt và chưa tìm được cách làm hay. Số lượng lớp học được tổ chức cũng như số lượt đảng viên tham gia học tập nghị quyết tuy lớn, nhưng sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng còn chậm thể hiện sau học tập nghị quyết, một bộ phận đảng viên chưa căn cứ vào nghị quyết để hành động và kiểm tra công việc của mình; còn làm những việc không đúng với nghị quyết. Công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy các xã, thị trấn, các Đảng bộ trực thuộc chưa có sự đổi mới, vẫn làm theo nếp cũ, còn nhiều bất cập, thiếu kiểm tra, đôn đốc chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Một số cơ sở chưa gắn việc học tập nghị quyết với việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chưa chuyển hóa nhận thức thành hành động, làm cho nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Trong quá trình tổ chức học tập, triển khai nghị quyết của Đảng, còn một số chi bộ, Đảng bộ cơ sở chưa phát huy được trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy…
Hiện nay, những vấn đề còn tồn tại trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghị quyết của Đảng cho đảng viên Đảng bộ huyện Ba Vì hiện nay là: Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục nghị quyết của Đảng cho đảng viên còn chưa sâu sát, khoa học. Thứ hai, đội ngũ cán bộ truyền đạt nghị quyết còn hạn chế trong khả năng cập nhật thông tin trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình mới. Thứ ba, khả năng truyền đạt nghị quyết của BCV còn hạn chế trong khi yêu cầu của đảng viên ngày càng cao. Thứ tư, điều kiện, phương tiện phục vụ cho công tác giáo dục nghị quyết của Đảng còn thiếu thốn, sơ sài. Thứ năm, một bộ phận cán bộ, đảng viên thờ ơ, thiếu nghiêm túc trong thực hiện học tập nghị quyết của Đảng.
Những thực tế trên đây đã làm xuất hiện mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao của chất lượng giáo dục nghị quyết với nhận thức còn hạn chế của đảng viên đối với việc học nghị quyết. Nâng cao nhận thức của đảng viên là yêu cầu cấp thiết, tạo ra sự tương tác tích cực với các yếu tố khác để nâng cao chất lượng giáo dục nghị quyết của Đảng.
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghị quyết của Đảng cho đảng viên Đảng bộ huyện Ba Vì hiện nay, cần chú trọng những biện pháp sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng cho đảng viên trên địa bàn huyện Ba Vì. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ dạo của Đảng, của các cấp ủy Đảng đối với việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng hướng vào các nội dung sau: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vai trò quan trọng của việc giáo dục nghị quyết của Đảng đối với đảng viên ở mỗi địa phương. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy Đảng. Các ban tham mưu cần đề xuất và chuẩn bị quy chế, quy định về trách nhiệm của cấp ủy Đảng đối với việc giáo dục nghị quyết của Đảng. Cấp ủy Đảng cần tăng cường nắm thông tin phản hồi về công tác tổ chức giáo dục nghị quyết. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Kịp thời sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết Đảng
Hai là, đổi mới phương pháp giáo dục nghị quyết của Đảng cho đảng viên Đảng bộ huyện Ba Vì hiện nay. Để có phương pháp giảng dạy tốt, đạt chất lượng cao, cần phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Nghiên cứu, vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực đang được thực hiện phổ biến và có hiệu quả cao trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung vào giáo dục nghị quyết của Đảng. Trong đó, cần coi trọng phát huy vai trò trung tâm của người học trong các giờ lên lớp, trong cách học tập, thảo luận nghị quyết.
Đổi mới phương pháp giáo dục nghị quyết của Đảng phải bao gồm cả đổi mới phương pháp xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học, phương pháp truyền đạt, tuyên truyền, vận động, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, phương pháp tổ chức thực hiện nghị quyết.
Quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của đảng viên, bao gồm các biện pháp mang tính chất hành chính - tổ chức và các biện pháp chuyên môn khác. Nếu không có sự kiểm tra đánh giá thì không thể đạt chất lượng trong giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục nghị quyết của Đảng nói riêng.
Phải nắm vững yêu cầu của từng vấn đề trình bày. Nắm vững yêu cầu đó BCV mới cân đối được thời gian, lượng kiến thức truyền đạt, tránh được hiện tượng lan man, sa đà và mất cân đối, “cháy” giáo án…
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục nghị quyết của Đảng. Để các báo cáo viên đạt được những yêu cầu, tiêu chuẩn và phẩm chất đã đề ra, các cấp ủy Đảng phải cử BCV học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, phân công BCV tham dự các hội nghị của Thành phố, của huyện để kịp thời nắm bắt quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo điều kiện cho BCV nắm bắt tình hình thực tiễn qua tài liệu, qua đi cơ sở. Đây là cơ sở quan trọng để BCV nắm chắc nghị quyết và truyền đạt đúng tinh thần nghị quyết cho đảng viên. Bên cạnh việc tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng của Ban Tuyên giáo Thành phố, Huyện ủy cần đưa chương trình bồi dưỡng BCV vào chương trình công tác hàng năm. Chú trọng xây dựng nội dung và phương pháp bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm BCV của Đảng bộ huyện.
Bốn là, tăng cường đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục Nghị quyết của Đảng cho đảng viên huyện Ba Vì hiện nay. Các cơ sở Đảng cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa, có chọn lọc, có trọng tâm cho từng địa phương nhằm triển khai một cách kịp thời và đồng bộ tinh thần các nghị quyết đến toàn bộ đảng viên. Trước mắt, cần trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho cơ sở và phải tổ chức hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản chúng.
Phải đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở sao cho đúng đắn, phù hợp. Chính sách, chế độ có thể là động lực thúc đẩy cũng có thể là sự kìm hãm, triệt tiêu động lực mọi hoạt động, công tác nào đó. Do vậy, chế độ, chính sách phù hợp, thỏa đáng là điều kiện cần thiết, đồng thời là động lực quan trọng không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, giáo dục nghị quyết của Đảng cho đảng viên hiện nay.
Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện; gắn việc học tập nghị quyết của Đảng với các phong trào thi đua của các ngành, các cấp ủy Đảng cơ sở. Đảng bộ huyện Ba Vì cần phải tập trung kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng các cơ quan, lực lượng tham gia công tác giáo dục nghị quyết Đảng bằng những việc cụ thể sau:
Xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ BCV. Phát huy vai trò của các đồng chí Bí thư cơ sở, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện, lựa chọn, bổ sung những người có khả năng, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao vào đội ngũ BCV của huyện và cơ sở, chú ý đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, cán bộ đoàn thể có khả năng truyền đạt để đảm bảo tính kế thừa.
Việc giáo dục nghị quyết của Đảng phải xây dựng thành kế hoạch và đưa vào chương trình công tác của cấp ủy các cấp để cấp ủy luôn quan tâm và chỉ đạo tốt nhiệm vụ này.
Phương pháp triển khai, giáo dục nghị quyết Đảng phải được đổi mới một cách linh hoạt, nhạy bén, xuất phát từ tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị. Không nên cứng nhắc, máy móc trong việc sử dụng các phương pháp, các hình thức tuyên truyền, giáo dục nghị quyết Đảng.
Tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả các lực lượng và phương tiện để tham gia vào công tác giáo dục nghị quyết của Đảng thành hiện thực. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng cần phải chỉ đạo chặt chẽ việc phối kết hợp các chương trình, kế hoạch, các phong trào chính trị của địa phương, đơn vị, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục nghị quyết.
Đỗ Thị Thúy Hằng