MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư khoá IX, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tại huyện Tiên Lữ đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ, đúc kết những kinh nghiệm, bài học lịch sử thiết thực dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng tại đảng bộ các địa phương, cơ sở, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện.
Tính đến tháng 12-2017, huyện Tiên Lữ đã có 8/15 xã, thị trấn xuất bản được cuốn lịch sử địa phương và 2 cơ quan xuất bản được cuốn kỷ yếu ngành, hầu hết các xã, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội còn lại đã triển khai kế hoạch nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng bộ. Tuy nhiên, so với các huyện trong tỉnh thì Tiên Lữ vẫn là huyện còn nhiều xã chưa hoàn thiện cuốn lịch sử đảng bộ địa phương ở mức cao nhất, và do đó, lịch sử của Đảng bộ huyện cũng chưa hoàn thành.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Đảng bộ huyện đã tâp trung sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ đảng bộ các xã, ngành và các đòa thể thực hiện tốt công tác lịch sử của Đảng bộ trên cả hai nội dung: Nghiên cứu, biên soạn sách, kỷ yếu lịch sử và tuyên truyền, giáo dục lịch sử đến các tầng lớp trong nhân dân, nhất là trong các trường học phổ thông với tinh thần: “Dân ta phải biết sử ta” một cách toàn diện. Trước mắt, tập trung giải quyết những vướng mắc, bất cập, cản trở công tác biên soạn lịch sử, giúp các địa phương, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao nhận thức, từng bước tạo nên những chuyển biến mới tích cực trong công tác lịch sử của Đảng bộ.
Từ đầu năm 2018, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 20- CT/TW của Ban Bí Thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 32- CT/ của Tỉnh ủy Hưng Yên, Ban Thường Vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác nghiên cứu, biên soan và tuyên truyền, giáo dục lịch sử, coi đây là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ các cấp.
Theo đó, Ban Tuyên giáo đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch triển khai các chỉ thị của Ban Bí thư và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham mưu với Thường trực Huyện ủy tổ chức các buổi làm việc với những xã chưa hoàn thiện xong việc xuất bản lịch sử Đảng bộ để tìm hiểu nguyên nhân, nắm rõ thực trạng, và từ đó, có cơ sở thực tiễn để xây dựng kế hoạch và xác định thời gian hoàn thành cho từng xã, ngành, đoàn thể; tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường giải pháp hỗ trợ kinh phí cho mỗi xã 50 triệu đồng để sưu tầm tư liệu, biên soạn và xuất bản lịch sử;...
Cán bộ lãnh đạo và chuyên viên trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên quan tâm, đôn đốc địa phương, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung trong kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, lựa chọn đơn vị cố vấn viết sử; tham gia tích cực công tác đọc, sửa, hội thảo, góp ý và thẩm định bản thảo. Trong các hội nghị giao ban công tác tuyên giáo cơ sở, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong các địa phương với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới để cuốn lịch sử đảng bộ địa phương thực sự là những tư liệu sống, biết nói và đi vào đời sống người dân,.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của các đảng bộ trong huyện, nhờ đó đã trở thành nền nếp, khơi dậy tinh thần hăng hái của các địa phương, cơ sở. 100% các xã, ngành, đoàn thể chưa xuất bản sách lịch sử đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến hết tháng 12-2019 đã có thêm 5 xã hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ, 6 ngành, đoàn thể hoàn thành xuất bản lịch sử hoặc kỷ yếu. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện có 100% các xã, thị trấn hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ, 90% các ngành, MTTQ và các đoàn thể hoàn thành xuất bản lịch sử hoặc kỷ yếu ngành.
VẪN CÒN KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
Trong quá trình tổ chức triển khai, mặc dù có sự nỗ lực của các cấp ủy, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện. Trong đó, phải kể đến những mặt còn hạn chế, mà trước hết là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, cho rằng công tác này làm chậm cũng không ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, đảng viên và người dân, trong khi có nhiều việc cấp thiết của địa phương, của ngành, của đoàn thể cần phải giải quyết, không làm không được. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử lịch sử Đảng bộ huyện.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ tuyên giáo rất mỏng do quy định hạn hẹp về biên chế, trong lúc các nhiệm vụ tuyên giáo rất nặng nề, thường xuyên chịu ảnh hưởng, tác động của tình hình thực tiễn, nên việc bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên trách đúng chuyên môn, sở trường về lịch sử; việc bố trí cán bộ tham gia đọc, thẩm định tài liệu, bản thảo,... hết sức khó khăn.
Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Đảng bộ và trực tiếp là các cấp ủy đối với công tác lịch sử còn nhiều hạn chế, thiếu sự quán xuyế, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong huyện. Nhiều đơn vị còn lúng túng, bị động về quy trình triển khai nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của đơn vị.
Những hạn chế đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, nhất là việc sưu tầm, khai thác tư liệu, đặc biệt là các tư liệu ở thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội,… Một mặt, do công tác lưu trữ tư liệu trong chiến tranh, thay đổi hành chính không đảm bảo, bị thất lạc nhiều, số nhân chứng sống qua các thời kỳ ngày càng “mai một” do già yếu không còn nhớ, hoặc đã chết, hoặc không còn lưu trú ở địa phương;... Mặt khác, do nhận thức của cấp ủy thiếu kịp thời, cộng với nguồn kinh phí hạn hẹp, không đủ trang trải cho các khoản thù lao, thuê khoán cần thiết,… dẫn đến sự dao động, nản chí của cấp ủy, chính quyền, làm chậm trễ về thời gian, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm. Một số công trình không đảm bảo tính khoa học, tính lịch sử và thực tiễn. Nhiều công trình đã được xuất bản nhưng chỉ nặng về kể lể các diễn biến sự kiện mà chưa tổng kết và đúc kết được các kinh nghiệm và bài học lịch sử. Các công trình đó, sau khi xuất bản thường chỉ nằm trong tủ sách mà không phát huy được tác dụng. Theo đó, việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của xã, ngành, đoàn thể cũng bị hạn chế, kém hiệu quả, gây phân tâm và khó khăn trong việc giáo dục lịch sử của địa phương.
VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM THỰC TIỄN
Sau gần hai năm thực hiện Chỉ thị số 20- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và một năm thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng với thực tiễn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của huyện Tiên Lữ, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, phải thường xuyên quán triệt chủ trương của Đảng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Qua đó, thấy rõ trách nhiệm trong việc xây dựng, phát huy truyền thống lịch sử của đảng bộ và quê hương; đồng thời, có trách nhiệm và thái độ ứng xử đúng đắn với công tác lịch sử, góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lịch sử trong thực tiễn.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử nói chung và lịch sử Đảng bộ nói riêng. Các cấp ủy cần có phương pháp xét duyệt thích hợp, khoa học những cuốn lịch sử Đảng bộ theo tiêu chí cứng đã được thống nhất; chỉ đạo chặt chẽ công tác xuất bản, phát hành, tuyên truyền trong Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong các trường học, các đơn vị sự nghiệp đóng trên địa bàn. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xin ý kiến các nhà nghiên cứu, chuyên môn, đánh giá một cách khách quan nhằm đảm bảo vững chắc tính Đảng, tính lịch sử và tính khoa học của công trình.
Ba là, tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng. Các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống để tham mưu cho cấp ủy mình đảm bảo theo đúng tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 32- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bốn là, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ biên soạn lịch sử cho cán bộ cơ sở. Tăng cường xã hội hóa công tác lịch sử, huy động nhiều đối tượng có năng lực tham gia nghiên cứu biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử; các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có khả năng đóng góp tinh thần, vật chất… tạo nên lực lượng bù đắp cho sự thiếu hụt về cán bộ chuyên trách cũng như nguồn ngân sách có hạn. Đây là yếu tố không kém phần quan trọng quyết định thành công các mục tiêu, yêu cầu đề ra của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
Năm là, thường xuyên chăm lo công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử tại địa phương, đơn vị, như lồng ghép trong các chương trình giáo dục phổ thông, các buổi sinh hoạt đoàn thể. Sau khi in ấn, xuất bản, phát hành sách, kỷ yếu lịch sử, các địa phương, đơn vị cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến trong Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh huyện để phát huy hiệu quả tác dụng, ý nghĩa của cuốn lịch sử trong việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương.
Sáu là, các cấp ủy phải thường xuyên quan tâm xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phù hợp và thực hiện đúng tiến độ đề ra. Quan tâm tạo nguồn kinh phí từ ngân sách xã, thị trấn và xã hội hóa một phần từ các tổ chức xã hội, cá nhân ở địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc huy động, cấp phát kinh phí cho việc hoàn thành sản phẩm theo yêu cầu đặt ra. Thực tế, ở đâu giải quyết tốt vấn đề kinh phí trên tinh thần công tâm, dân chủ và minh bạch thì ở đó công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử có chất lượng; công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử có kết quả.
Trong bối cảnh hiện nay, những kinh nghiệm nêu trên phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn, cũng là những giải pháp để khắc phục những khó khăn, bất cập, làm tốt hơn công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của Đảng. Đảng bộ và nhân dân Tiên Lữ càng tự hào với truyền thống quê hương, càng nỗ lực cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đạt được nhiều kết quả như “ý đảng, lòng dân” mong muốn. Qua đó, góp phần tích cực cho công tác xây dựng Đảng bộ phát triển trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp, văn minh, bền vững./.
Vũ Quang Vinh
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lữ