(TCTG) - Bí thư Huyện ủy Cao Phong (Hoà Bình ) Nguyễn Văn Dũng, nguyên là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, được luân chuyển về huyện đến nay gần ba năm. Vì thế, anh luôn trăn trở với đề tài nông nghiệp, nông thôn, làm sao để người nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Anh Dũng tâm sự: Cao Phong không có lợi thế thu hút đầu tư vào khu công nghiệp như các huyện cửa ngõ của tỉnh, nhưng ngược lại, tiềm năng đất đai để trồng cây có giá trị kinh tế cao lại là thế mạnh của huyện. Mía tím Cao Phong có vị ngọt, thơm, giòn "ăn đứt" nơi khác. Cam Cao Phong đẹp mã, mọng nước. Vì thế, ngay từ năm 2006, Huyện uỷ đã ra Nghị quyết số 04 về phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010. Ý Đảng hợp lòng dân đã giúp Cao Phong có bước bứt phá ngoạn mục. Nông dân và nhiều cán bộ công chức trong huyện cũng liên kết với nông dân để thuê đất trồng trọt, tận dụng các loại đất để trồng mía, cam. Năm 2011 này, toàn huyện đã thanh toán được ruộng 1 vụ và đã định hình gần 3000 ha mía, 800 ha cây ăn quả, trong đó cam, quýt đạt 500 ha. Theo anh Hiến, Phó Phòng Nông nghiệp huyện: Cánh đồng một ha cho thu nhập 50 triệu đồng giờ đã là xưa cũ. Vài năm nay mỗi ha mía, cam cho thu nhập bình quân từ 200- 300 triệu đồng, nhiều hộ dân ở thị trấn và các xã Thu Phong, Dũng Phong, Nam Phong…giàu lên trông thấy, họ xây nhà to, mua ô tô, số hộ hàng năm thu bạc tỷ không còn là chuyện hiếm. Năm ngoái, ông Phúc, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện thu 800 triệu đồng từ vườn cam liên kết với dân.
Chúng tôi về xã Nam Phong, Chủ tịch UBND xã Đinh Duy Thích cho hay: Xã có 880 hộ, 3.986 khẩu; nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng tăng mía, giảm lúa, cả xã trồng được 120 ha mía tím, 100 ha mía trắng nên 2/3 số hộ có thu nhập từ 80- 100 triệu đồng/năm. Năm 2010, hộ ông Đinh Đức Bân ở xóm Ong trồng 3 ha mía thu về 600 triệu đồng; ông Bùi Văn Tiên xóm Thẹo có 1,3 ha mía thu gần 300 triệu đồng.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng, Huyện uỷ Cao Phong đã xác định rõ cơ cấu kinh tế của địa phương trong những năm tới là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh du lịch- dịch vụ và công nghiệp chế biến. Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Dũng cho biết: Cao Phong giữ ổn định mức lương thực 350 kg/người/năm; tiếp tục mở rộng diện tích cây cam, quýt, cây mắc coọc. Huyện trích ngân sách để trợ giá giống cam cho dân, tuyển giống tốt, mập để sau ba năm là cam bói quả. Đồng thời hàng năm trồng mới từ 900 ha rừng trở lên, trong đó cây bản địa có giá trị kinh tế cao như lát, đổi, sấu, sưa… chiếm 20%. Cao Phong còn đầu tư phát triển chăn nuôi toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, huyện hỗ trợ dân cải tạo đàn bò chất lượng cao, mỗi năm tăng thêm từ 400- 500 con bò lai Sin. Lo đầu ra nông sản cho nông dân, huyện đang xúc tiến lập dự án xây dựng nhà máy chế biến hoa quả với công suất phù hợp. Có thể nói: Đảng bộ Cao Phong lựa chọn đúng cây, con giúp dân làm giàu và có cơ chế chính sách phù hợp- đó là cách đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống nhanh chóng và thực sự là nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.
Nhan Sinh