Mỗi quốc gia, trong hệ thống các chiến lược của mình, tuỳ theo đối tượng hoạch định, mục tiêu chiến lược và phạm vi tác động của nó mà người ta chia thành các cấp độ khác nhau: chiến lược toàn cầu, chiến lược quốc gia và chiến lược chuyên ngành.Theo Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam, CLQP là “chiến lược phòng thủ quốc gia trong từng thời kỳ bằng sức mạnh tổng hợp, với sức mạnh quân sự là đặc trưng và sức mạnh quân đội làm nòng cốt…”1. Theo đó, CLQP không phải là chiến lược chuyên ngành của Bộ Quốc phòng mà phải được hiểu là chiến lược ở cấp độ quốc gia, do cơ quan lãnh đạo, quản lý cao nhất làm chủ thể hoạch định, ban hành, chỉ đạo thực hiện và xử trí tình huống chiến lược. Các vấn đề CLQP đặt ra và giải quyết thường ở tầm “quyết sách”, liên quan đến vận mệnh của đất nước, an nguy của chế độ và thịnh suy của dân tộc, do đó CLQP có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đây, chúng ta chưa có khái niệm về CLQP, nhưng các nội dung của nó đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) và phòng thủ bảo vệ miền Bắc XHCN (trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Đặc biệt, từ sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự nghiệp quốc phòng đã đạt được những thành tựu quan trọng, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, duy trì môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vì chưa có một hệ thống văn bản thống nhất, khoa học về CLQP nên việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng còn hạn chế, thiếu thống nhất.
Hiện nay và thời gian tới, trước bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu hơn, toàn diện hơn vào môi trường khu vực và quốc tế, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì trên bình diện quốc gia và ở từng ngành, lĩnh vực cũng phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức gay gắt. Trên lĩnh vực quốc phòng vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể gây mất ổn định; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu và hoạt động chống phá trên các lĩnh vực, nhằm khuất phục, lật đổ chế độ XHCN, lấn chiếm lãnh thổ, đe dọa độc lập, chủ quyền quốc gia. Vì vậy, xây dựng CLQP để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp lớn phù hợp, nhằm tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là đòi hỏi khách quan, cấp thiết. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, phải tiếp tục “Hoàn thiện các CLQP, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”2. Đây là định hướng quan trọng, thể hiện tư duy mới của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với sự phát triển của cách mạng và xu thế chung của thời đại, nên cần được quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ nhằm củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) nói chung, xây dựng, hoàn thiện CLQP nói riêng, góp phần thể chế hoá, đưa các chủ trương, quan điểm của Đảng về quốc phòng vào cuộc sống; đồng thời, làm căn cứ pháp lý để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động quốc phòng, tránh làm ngược, hoặc không đồng bộ như thời gian qua. Để xây dựng, hoạch định CLQP theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, phù hợp với điều kiện đất nước, cần thống nhất nhận thức về một số vấn đề chủ yếu sau.
Một là, nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của CLQP. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng định ra đường lối, các quan điểm, mục tiêu và các chủ trương lớn… và để tổ chức thực hiện các mục tiêu, chủ trương đó cần có các chiến lược, kế hoạch chiến lược. CLQP là “văn kiện cơ bản” để Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công cuộc phòng thủ đất nước; chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), đấu tranh quốc phòng, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, lấn chiếm, khuất phục, lật đổ chế độ XHCN của các thế lực thù địch. Vì thế, yêu cầu đặt ra là mọi cấp, mọi ngành phải hiểu rõ, nắm vững chức năng, nhiệm vụ của CLQP, những nội dung chủ yếu về quốc phòng; qua đó, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước quản lý chặt chẽ mọi hoạt động phòng thủ quốc gia, chấp hành đúng Luật Quốc phòng; chỉ đạo xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; hợp đồng chặt chẽ và hướng dẫn các ngành kinh tế thực hiện phát triển đến đâu thì xây dựng và tổ chức hoạt động phòng thủ vững chắc đến đó. Trong lĩnh vực quốc phòng, CLQP có giá trị “pháp lệnh” đối với các chiến lược thuộc quyền; làm cơ sở để các ngành, các cấp chiến lược (quân khu, quân đoàn…) và các cơ quan chuyên trách xây dựng phương án, kế hoạch chiến lược phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực được giao. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng lấy đó làm căn cứ để phối hợp với nhau hình thành phương án, kế hoạch quốc gia, đảm bảo chuẩn bị đất nước về mọi mặt, giữ quyền chủ động trong phòng thủ, không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Bên cạnh đó, CLQP còn bám sát mọi đối tượng tiềm tàng, chủ động hiệp đồng với các ngành tiến hành đấu tranh quốc phòng nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ QP-AN. Như vậy, CLQP là chiến lược cấp quốc gia, sự cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, là cơ sở để hoạch định các kế hoạch chiến lược; đồng thời, là cầu nối để đưa đường lối của Đảng về mặt quốc phòng vào cuộc sống.
Hai là, nhận thức về mối quan hệ của CLQP. Để bảo vệ Tổ quốc XHCN chúng ta có hệ thống các chiến lược, bao gồm: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, CLQP, Chiến lược quân sự (CLQS), Chiến lược an ninh… Các chiến lược này đều là chiến lược quốc gia, cùng thực hiện mục tiêu chiến lược thống nhất nên có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, nhưng không đồng nhất với nhau. Vì vậy, xác định đúng mối quan hệ giữa CLQP với các chiến lược khác có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi, cấp độ chỉ đạo, hoạt động, tránh chồng chéo, nhầm lẫn trong tổ chức thực hiện. Trong quan hệ với CLQP, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là chiến lược quốc gia ở cấp độ cao nhất, bao trùm nhất, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, QP-AN và đối ngoại… Còn CLQP là chiến lược quốc gia ở cấp độ thứ hai, chuyên sâu vào lĩnh vực quốc phòng; quán triệt, cụ thể hoá Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong xây dựng nền QPTD và đấu tranh quốc phòng. Do đó, quan hệ giữa CLQP với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là quan hệ giữa bộ phận và tổng thể, giữa phục tùng và chỉ đạo; trong đó, CLQP là bộ phận hợp thành, giữ vai trò chủ đạo của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đối với Chiến lược quân sự, hiện nay vẫn có nhận thức đồng nhất giữa quốc phòng với quân sự, giữa CLQP và CLQS. Theo quan điểm của Đảng, CLQP tối ưu là giữ được đất nước mà không phải tiến hành chiến tranh, nên cần phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước cả chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá và đối ngoại… Trong thời bình, CLQP tiến hành đấu tranh quốc phòng, bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia bằng phương thức phi vũ trang là chính; còn CLQS giữ vị trí làm chỗ dựa, hậu thuẫn cho các hình thức đấu tranh khác. Đồng thời, CLQP chỉ đạo xây dựng CLQS, xây dựng LLVT, phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự để sẵn sàng sử dụng trong chiến tranh như là giải pháp cuối cùng nếu không còn giải pháp nào khác. Khi chiến tranh xảy ra, CLQS sẽ giữ vai trò chủ đạo để thực hiện phương thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu. Như vậy, CLQS là nòng cốt, là chiến lược tình thế của CLQP, nhưng không đồng nhất với CLQP. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp vai trò của CLQS, mà phải thấy rằng CLQS có ý nghĩa quan trọng trong răn đe, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ gây chiến tranh của các thế lực thù địch.
Ba là, định hướng nội dung xây dựng CLQP Việt Nam. Xây dựng chiến lược nói chung, CLQP nói riêng, trước hết phải xuất phát từ đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; truyền thống, kinh nghiệm quốc phòng, quân sự trong lịch sử dân tộc và kế thừa tinh hoa quốc phòng trên thế giới; đồng thời, phải gắn với điều kiện, tình hình cụ thể của đất nước, bối cảnh quốc tế trong một khoảng thời gian nhất định. Tuỳ theo cấp độ, phạm vi mà thời gian của CLQP có thể dài hay ngắn, thông thường là 10 năm; khi tình hình có đột biến, có thể bổ sung, điều chỉnh hoặc đề ra CLQP mới. Với khoảng thời gian đó và là chiến lược mới xây dựng lần đầu, cách tiếp cận của CLQP phải đi vào các vấn đề cơ bản theo trình tự: bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước; xác định đối tượng, dự báo tình huống quốc phòng; mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, phương thức xây dựng và đấu tranh quốc phòng; nhiệm vụ và giải pháp chiến lược. Các nội dung của CLQP phải bám sát Nghị quyết Trung ương 8 (Khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Luật Quốc phòng… và phải được cụ thể hoá về định hình, định tính, định lượng phù hợp với từng nội dung, mang tính lý luận, tính thực tiễn cao.
Về bối cảnh quốc tế, tình hình đất nước, phải dự báo được cục diện, tương quan lực lượng, xu hướng vận động phát triển và những đột biến có thể xảy ra trên các lĩnh vực liên quan chi phối đến quốc phòng; khái quát tình hình đất nước, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn, thách thức và tác động của nó đến quốc phòng Việt Nam trong 10 năm tới.
Về xác định đối tượng, phải trên nguyên tắc về xác định đối tượng đã được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (Khoá IX) làm căn cứ để xác định. Trong đó, cần nghiên cứu phân thành hai loại đối tượng: lật đổ chế độ XHCN và xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia để thống nhất nhận thức và chuẩn bị lực lượng, phương án đối phó.
Về mục tiêu, cần xác định cả mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, nhưng dù là mục tiêu nào cũng đều nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là: giữ vững hoà bình, ổn định để xây dựng đất nước. Đối với mục tiêu tổng quát, phải nhằm: ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu, hành động phá hoại, lấn chiếm, khuất phục, lật đổ chế độ XHCN…; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ và sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược.
Về quan điểm, cần tập trung vào các nội dung sau: Thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn dân, lấy LLVT nhân dân làm nòng cốt. Thứ hai, xây dựng nền QPTD toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường ngày càng hiện đại; xây dựng sức mạnh quốc phòng tổng hợp với sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định. Thứ ba, xây dựng LLVT vững mạnh; trong đó, tập trung xây dựng Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao. Thứ tư, kết hợp chặt chẽ QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và trên từng địa bàn. Thứ năm, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tránh xung đột, đối đầu, bị cô lập, lệ thuộc. Thứ sáu, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc phòng.
Về phương châm, phương thức, phải thể hiện được hai nội dung cơ bản: xây dựng nền QPTD và đấu tranh quốc phòng. Phương châm xây dựng phải tích cực, chủ động, vững chắc, thực hiện “trong ấm, ngoài êm”, “bảo vệ Tổ quốc từ xa” và kiên trì, kiên quyết đấu tranh. Phương thức xây dựng phải phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng nền QPTD vững mạnh; đấu tranh toàn diện, kết hợp biện pháp phi vũ trang và vũ trang, lấy đấu tranh phi vũ trang là chính.
Về nhiệm vụ và giải pháp, cần tập trung đề xuất các nội dung về: giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng; nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT; củng cố thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; nâng cao hiệu quả đấu tranh quốc phòng và tăng cường đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước.
Bốn là, lộ trình xây dựng CLQP Việt Nam. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, việc xây dựng CLQP cần được tiến hành khẩn trương, nhưng phải thận trọng, đúng quy trình. Xây dựng CLQP không phải là nghiên cứu một đề tài khoa học, với trách nhiệm của một vài cơ quan nghiên cứu, mà là trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng. Vì vậy, lộ trình xây dựng phải theo trình tự: Bộ Quốc phòng định hướng những vấn đề cơ bản; cơ quan nghiên cứu xây dựng dự thảo. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng chủ trì hội thảo ở các cơ quan, đơn vị theo quy định bảo mật; kết luận những vấn đề chính thông qua hội thảo để cơ quan dự thảo hoàn chỉnh. Văn bản CLQP phải được Quân uỷ Trung ương thông qua và báo cáo Bộ Chính trị. Xây dựng CLQP là công việc quan trọng, ở tầm vĩ mô nên cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH, Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự - BQP/QPTD
-----------------
1 - Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. QĐND, H. 2004, tr. 214.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 235.