Đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam đã thông tin về “Những dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2022, khó khăn, thách thức và triển vọng năm 2023”.
Theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn, nền kinh tế trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,2%, vượt mục tiêu (6-6,5%), là tỷ lệ tăng cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn so mức tăng trưởng chung của thế giới và một số quốc gia. Năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn, tăng 30,3% so với năm 2021…
Về những thách thức lớn và những vấn đề đặt ra, chuyên gia cho rằng, nền kinh tế lạm phát thấp (3,15%) nhưng lãi suất quá cao (11-12%); điểm “nghẽn” là nền kinh tế dồi dào tiền nhưng doanh nghiệp lại “khát” vốn; tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn… Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi giá trị còn hạn chế.
Theo đánh giá của Công ty kiểm toán KPMG, Việt Nam đang ở giai đoạn hai trong bốn giai đoạn hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giai đoạn mức độ sản xuất còn hạn chế: Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu đến từ hoạt động sản xuất chiếm từ 60% đến 80%. Hàm lượng giá trị nội địa ở mức trung bình trên giá trị xuất khẩu. Khâu sản xuất chủ yếu tham gia vào các mắt xích có giá trị gia tăng thấp, dẫn đến lợi nhuận thấp; Cơ sở hạ tầng cho các hoạt động công nghiệp tổng thể và mạng lưới các nhà cung cấp đang phát triển.
Tại giai đoạn này, quốc gia chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và có sản phẩm đầu ra đòi hỏi độ phức tạp thấp về kỹ thuật, có tới hơn 51% sự tham gia của Việt Nam đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài, và chỉ có 11% đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài cho chuỗi cung ứng.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mới đạt được kết quả bước đầu, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước và so mục tiêu đề ra. Năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP; tỷ trọng này năm 2021 là 11,91% và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt khoảng 7,5%. Trong khi đó, kinh tế số Trung Quốc là 37% GDP vào năm 2019; tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2019 chiếm 25% GDP…
PGS, TS Bùi Quang Tuấn cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam thời gian tới. Cơ hội là kinh tế thế giới hồi phục; dòng đầu tư FDI phục hồi nhanh; các FTA phát huy tác dụng; doanh nghiệp kết nối chuỗi giá trị, ứng dụng kinh tế số. Các yếu tố rủi ro là, biến động giá cả, lợi thế lương thấp giảm; chi phí logistics và định hình chuỗi; chuyển dịch các dòng vốn trong nước, phụ thuộc quá nhiều vào FDI; nguy cơ nợ xấu, trái phiếu bất động sản; chi đầu tư công; phục hồi lao động, thiếu lao động tay nghề cao…
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị, cần tập trung vào một số nội dung chính như sau:
Một là, bám sát và tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025; Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.
Đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất; khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH; đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Hai là, trong công tác xây dựng Đảng: Tập trung nắm bắt tính hình tư tưởng và làm tốt công tác định hướng tình hình tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Tiến hành đánh giá công tác tư tưởng và dư luận nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII phục vụ cho Hội nghị đánh giá sẽ được tổ chức vào tháng 4/2023.
Tập trung chỉ đạo và tổ chức sơ kết việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2023.
Tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh”.
Triển khai thực hiện có hiệu quả “Năm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát” trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với ban cán sự đảng, đảng đoàn và lãnh đạo các cơ quan Trung ương làm tốt công tác xây dựng đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương, trong đó, chú ý đến công tác cán bộ, quản lý đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Thu Hằng