Các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, danh thắng Tràng An… trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc. Vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Việt không chỉ thể hiện sâu sắc ở những di sản phi vật thể, được thế giới tôn vinh như: Dân ca quan họ Bắc Ninh; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... mà còn hiện diện từ những di sản văn hóa (DSVH) và di sản thiên nhiên (DSTN) thế giới được UNESCO vinh danh, như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và Quần thể danh thắng Tràng An.
Các DSVH và DSTN thế giới của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An, danh thắng Tràng An… trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, các điểm đến này thu hút hàng triệu lượt khách. Chỉ tính riêng khoản thu vé tham quan cũng đạt hàng trăm tỷ đồng, điển hình như Vịnh Hạ Long năm 2015 thu về hơn 500 tỷ đồng.
Tuy vậy, một bài toán đặt ra là làm sao giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giữa phát triển du lịch và bảo vệ bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái tại các điểm đến hấp dẫn này. Thực tế cho thấy, một số địa phương vì chạy theo tăng trưởng lượng du khách mà có phần ưu ái cho doanh nghiệp khai thác du lịch quá đà, dễ gây ra hệ lụy đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Thời gian qua, dư luận từng phản đối việc một doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống tại hang Trống và hồ Động Tiên, gây mất mỹ quan và tác động xấu đến DSTN thế giới Vịnh Hạ Long. Các chuyên gia di sản cũng từng băn khoăn về việc lắp thang, leo dây trong hang Sơn Đoòng (Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất, nhất là có thể làm biến dạng khối thạch nhũ tuyệt đẹp tại đây. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không ít lần khuyến cáo các địa phương phải hết sức thận trọng trong đầu tư, khai thác, phát triển du lịch ở những địa điểm DSVH và DSTN thế giới.
Việc cảnh báo của ngành văn hóa là rất cần thiết. Thực tế từng có bài học do không chú trọng làm tốt công tác bảo vệ, quản lý mà UNESCO đã buộc phải “tước” danh hiệu di sản thế giới ở một số nước, ví như Di sản Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức), Khu bảo tồn linh dương Ả Rập (Oman)… Năm 2016, UNESCO cũng đưa ra 55 địa điểm di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới, chủ yếu nằm ở các nước đang phát triển của châu Á, châu Phi có nguy cơ bị đe dọa và khuyến cáo các nước cần có những biện pháp thích hợp để phòng tránh, ngăn chặn nguy cơ này.
Cách đây 45 năm, UNESCO đã thông qua Công ước Bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới. Từ năm 1993, khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận đến nay, Việt Nam đã có 8 DSVH và thiên nhiên thế giới được vinh danh. Song hơn 20 năm qua, chúng ta chưa có những quy định pháp luật cụ thể nào đề cập đến công tác bảo vệ, quản lý những di sản thế giới này. Vì vậy, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về “Bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam” của Chính phủ ban hành mới đây và sẽ có hiệu lực từ trung tuần tháng 11-2017, sẽ tạo ra khung pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ, quản lý di sản thế giới ở Việt Nam từ nay về sau.
Hành lang pháp lý đã có, điều cần thiết là các địa phương có DSVH và thiên nhiên thế giới phải tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng như có những hành động thiết thực để bảo vệ các tiêu chí như: Giá trị nổi bật, tính toàn vẹn, tính xác thực… của các di sản thế giới ở Việt Nam. Chỉ có giữ gìn di sản tốt nhất mới có cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Đó là bài học kinh nghiệm của các nước sở hữu di sản thế giới mà Việt Nam không thể bỏ qua.
Anh Thảo/QĐND