Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 27/11/2017 17:23'(GMT+7)

Vay tên, mượn tuổi

 

Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Ai tách khỏi các mối quan hệ ấy sẽ khó có thể tồn tại với tư cách là một con người với ý nghĩa tốt đẹp của nó. Nhất là trong xã hội giao lưu rộng mở như hiện nay, chủ động gắn kết và tăng cường các mối quan hệ sẽ giúp cho mỗi người trở nên tự tin, năng động hơn, dễ dàng hòa nhập, thích ứng tốt hơn với các điều kiện, hoàn cảnh, môi trường giao tiếp khác nhau.

Trong khi số đông mọi người coi trọng quan hệ với hàm nghĩa tích cực, góp phần tạo dựng cho mình những mối quan hệ trong sáng, lành mạnh, thủy chung, thì cũng có một bộ phận người chỉ chú trọng quan hệ theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, cố gắng tìm mọi cách quan hệ với những người có “quyền sinh, quyền sát trong tay” để hy vọng tìm kiếm cơ hội may mắn, thu vén lợi lộc cho riêng mình. Đáng nói hơn, có những người “tài hèn, đức mọn” nhưng vẫn tỏ ra “ta là người quan trọng” vì có nhiều mối “quan hệ thiết thân” với các “VIP”, quen biết nhiều “ông to, bà lớn”!

Chiêu trò “vay tên, mượn tuổi, nhờ bóng” người khác cũng có dăm bảy dạng. Ở mức độ nhẹ, có người hồn nhiên khoe: “Mình đã được ngồi uống rượu với bác Tổng giám đốc X. rồi”, “Từng tiếp xúc với vị Bí thư Tỉnh Z., tôi thấy ông ấy thân thiện, cởi mở lắm”, “Nói chuyện với vị lãnh đạo cấp cao A., tớ rất ấn tượng với phong cách lịch thiệp của bác ấy”... Kệch hơn một chút, có người đi đâu cũng nói bóng, nói gió với người khác là mình quen “ông nọ, bà kia” và luôn được họ quý trọng, yêu mến. Tinh vi hơn, có người rất thích công bố công khai- mà thực chất là khoe khoang- với mọi người về những bức ảnh mà họ được chụp với những nhân vật được đông đảo công chúng “quen tên biết tiếng”. Thậm chí, có những kẻ vốn chẳng tài cán gì, nhưng nhờ nhanh mồm, nhanh miệng, biết “lấy lòng” thượng cấp bằng những câu từ “có cánh”, mà cũng tỏ ra “oai, oách” khi cậy nhờ được “cây cao bóng cả” chở che!

Ngoại trừ những kẻ xấu cần tránh vì “gần mực thì đen”, còn việc quan hệ với bất cứ ai có nhân cách cũng tốt, cũng đều đáng khuyến khích, bởi có “gần đèn thì sáng”. Nhất là quan hệ với những người tài cao đức cả, quyền cao chức trọng, có uy danh, uy tín trong xã hội thì cũng cần lắm chứ. Vì được tiếp xúc, trò chuyện, gần gũi với những người như vậy, mỗi người có cơ hội mở mang tầm nhìn và có thể tiếp thu, lĩnh hội được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu ở họ. Có thể nói rằng, khi thiết lập được nhiều mối quan hệ với những nhân vật “tinh tú, tinh hoa” của cộng đồng, xã hội, mỗi người có điều kiện học hỏi thêm nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, công việc và cũng nhờ đó mà làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của mình.

Tuy vậy, mọi mối quan hệ chỉ mang lại ý nghĩa cao đẹp, giá trị nhân văn khi mỗi chúng ta (nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức) không đặt mục tiêu vụ lợi (tức là vì danh lợi, vật chất) hay đơn thuần chỉ là “đánh bóng tên tuổi cá nhân” (tức là vụ lợi tinh thần) lên hàng đầu. Thời đại bùng nổ thông tin, mạng internet đã len lỏi vào mọi “ngóc ngách” của cuộc sống nên bao điều hay, dở trong quan hệ giao tiếp ứng xử của con người thời “thế giới phẳng” rất dễ bị phát tán, lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Nếu không muốn trở thành “miếng mồi” cho dư luận “bàn tán, mổ xẻ” theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”, mỗi người cần phải rất cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, trong mỗi cử chỉ ứng xử, hành vi giao tiếp hằng ngày. Còn nếu ai đó cố tình “vay tên, mượn tuổi, nhờ bóng” người khác để tự “quan trọng hóa” cá nhân mình trong cơ quan, đơn vị và trong mối quan hệ, ứng xử với đồng nghiệp, đồng đội, đồng bào xung quan mình, thì chẳng khác nào… “cáo mượn oai hùm”!

Mà một khi đã mang biệt danh là “cáo” thì không hay đâu nhé. Vì xưa nay, người nào có tính cách “láu cá, khôn lỏi, ranh mãnh, quỷ quyệt” thì mới bị gắn với từ “cáo”. Chẳng hạn: “Thằng cha ấy cáo lắm mới qua được mắt mọi người!”, “Bọn ấy rất cáo già mới có thể lừa phỉnh được những người từng trải như thế!”... Cách đây mấy trăm năm, đại thi hào Nguyễn Du đã từng thốt lên: “Những phường cáo mượn oai hùm ghê thay!” (Truyện Kiều). Vậy, “Cáo mượn oai hùm” là gì? Từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt giải thích rằng, đó là ám chỉ hạng người luôn mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực để lên mặt, lòe bịp người khác hoặc lấy đó làm lá chắn, bình phong để làm những việc với động cơ không lành mạnh./.

Thiện Văn 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất