Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 13/6/2011 21:28'(GMT+7)

Giới trẻ bảo tồn văn hóa dân tộc

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Giữ gìn ngôn ngữ dân tộc

Tiếng nói, chữ viết, trang phục, âm nhạc là kết quả của sự sáng tạo, phát minh của dân tộc. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng, thể hiện bản sắc rõ ràng nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tuy nhiên, hiện nhiều bạn trẻ không biết nói tiếng mẹ đẻ, không thích mặc trang phục của dân tộc mình. Đại biểu dân tộc Dao, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, Ma Thị Thao cho rằng, thực tế đó do nhiều nguyên nhân. Về ngôn ngữ, trong các cấp học, học sinh đều được học tiếng phổ thông. Mặt khác, hiện các địa phương có chương trình phát thanh tiếng dân tộc, nhưng phạm vi phủ sóng chỉ ở thành phố, không tới được vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi đó, đồng bào nghe đài bằng tiếng của dân tộc khác. Trang phục truyền thống đôi khi không phù hợp với một số hoạt động, và do đa số đều mặc trang phục của người Kinh, nên khi mặc những bộ đồ này, nhiều bạn cho biết họ vô tình gây sự chú ý và cảm thấy lạc lõng...

Đây cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều dân tộc trên khắp các vùng miền trong cả nước. Với suy nghĩ, mỗi người phải hiểu rõ tiếng nói, trang phục, một số hoạt động văn hóa, ẩm thực truyền thống của dân tộc mình, Tô Thị Ngọc Dung (dân tộc Nùng), học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang đã có ý tưởng thành lập CLB nói tiếng dân tộc thiểu số. Dung chia sẻ: “Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang là trường đào tạo cán bộ nguồn, nếu các bạn có thể nói tiếng dân tộc, khi về làm việc tại các bản làng sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, khi vào trường, nhiều bạn nghe được, nhưng không nói được ngôn ngữ dân tộc mình”. Hiện trường có 376 học sinh, với nhiều dân tộc khác nhau, đông nhất là Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan, nên CLB dạy 4 ngôn ngữ này, sinh hoạt vào tối thứ Bảy hàng tuần. Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm CLB có nhiệm vụ chuẩn bị bài giảng theo từng chủ đề, như ngôn ngữ chào hỏi hàng ngày, vật dụng... Ngoài học tiếng dân tộc mình, mọi người còn có thể học tiếng của dân tộc khác, đồng thời giao lưu về văn hóa các dân tộc. Dù CLB mới thành lập nửa năm qua, nhưng đã thu hút nhiều bạn tham gia. Tuy nhiên, CLB gặp khó khăn trong việc biên soạn nội dung cho các bài giảng, thiết bị.

Mở các lớp dạy đánh cồng chiêng

Âm nhạc dân gian, vốn rất phong phú và đa dạng trên các bình diện nhạc cụ, bài bản, nghệ thuật âm thanh, làm điệu, loại hình..., đang đứng trước những thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Trên các phương tiện thông tin đại chúng len lỏi đến tận vùng sâu, vùng xa, dòng nhạc thị trường hàng ngày vang lên đã dần ăn sâu vào ý thức của mọi người, trong khi nhạc dân tộc chỉ xuất hiện tại số ít dịp lễ hội, sự kiện văn hóa dân tộc trong năm. Vì vậy, âm nhạc dân gian đang bị lãng quên trên chính mảnh đất nó sinh ra. Là người con Êđê, huyện Krông Búk, Đăk Lăk, H’Nguốp Niê tự hào vì nét độc đáo của Đăk Lăk nói riêng, Tây Nguyên nói chung là Không gian văn hóa cồng chiêng, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, hồn thiêng của tiếng chiêng đang dần mất đi. Thanh niên không những đơn giản hóa quan niệm về chiêng cồng mà khả năng tiếp thu để diễn tấu các bài chiêng cũng hạn chế. Ở cộng đồng Êđê D’ham, huyện Krông Búk có những người không thể phân biệt bài chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ phơi lúa mới, lễ xuống giống và bài chiêng trong lễ cúng tổ tiên ông bà, lễ mừng nhà mới... Xu thế mất dần tính thiêng của cồng chiêng Tây Nguyên còn thể hiện ở chỗ: nhiều người tùy tiện sử dụng các bộ chiêng thiêng và sử dụng các bài chiêng không đúng theo nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc.

Để khắc phục tình trạng trên, với tư cách là Phó bí thư Huyện đoàn Krông Búk, H’Nguốp Niê đã xuống buôn, thuyết phục các già làng có kinh nghiệm về cồng chiêng tham gia lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên. Trong năm vừa qua đã có 5 lớp được tổ chức. Bên cạnh đó, Huyện đoàn Krông Búk còn phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về không gian văn hóa cồng chiêng, cũng như giúp thành lập các CLB cồng chiêng, để các bạn trẻ yêu thích và có ý thức giữ gìn tiếng cồng chiêng đặc trưng của Tây Nguyên.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều sáng kiến mà thanh niên các dân tộc đã và đang thực hiện. Hy vọng những sáng kiến này sẽ được quan tâm đầu tư và nhân rộng để góp phần lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc trên khắp dải đất hình chữ S./.

Lê Thủy

(Nguồn: Báo NĐBND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất