Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 15/6/2012 13:40'(GMT+7)

Bệnh phô trương, một lệch chuẩn văn hóa

Xẻng xúc cát gắn hoa nơ và dán giấy vàng đỏ lòe loẹt.

Xẻng xúc cát gắn hoa nơ và dán giấy vàng đỏ lòe loẹt.

1. Trong câu chuyện với khách, vị “chủ nhà” là một cán bộ “thường thường bậc trung” ở một đơn vị quân đội vô cùng say sưa khi kể về những “cái nhất” của đơn vị mình. Nào là tiểu đoàn có nhiều chậu hoa, cây cảnh nhất; có hòn non bộ được thiết kế công phu nhất; có hệ thống pa-nô, áp phích được phun sơn hoành tráng nhất. Và trong những cái nhất ấy, anh cực kỳ tâm đắc và tỏ vẻ tự hào vì lần đầu tiên tiểu đoàn đã đầu tư mua sắm, xây dựng một tấm bảng điện tử LED chạy chữ được mô tả là “hiện đại” như các bảng LED chạy chữ thường bố trí ở vị trí đắc địa của những trung tâm đô thị lớn.

Việc chăm lo xây dựng cảnh quan đơn vị xanh, sạch, đẹp là điều đáng quý và cũng phần nào thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ đối với tập thể. Điều đáng nói ở đây là, cấp tiểu đoàn có nhất thiết phải bỏ ra ngót trăm triệu đồng để mua sắm bảng điện tử LED đặt tại mặt tiền ban chỉ huy tiểu đoàn không? Vì chiếc bảng điện tử LED này mỗi lần chạy chữ lấp lánh đã tiêu thụ một lượng điện năng “không hề nhỏ”- như một nhân viên doanh trại của đơn vị đã phàn nàn. Trong khi đó, có những lúc nóng nực, nơi ngủ nghỉ của chiến sĩ “bỗng dưng” bị mất điện chỉ vì một lý do duy nhất: Giờ cao điểm chỉ huy đơn vị ra lệnh phải cắt nguồn để “góp phần thực hành tiết kiệm điện”!

Có thể những dòng chữ xanh đỏ lấp lánh “Nhiệt liệt chào mừng…” cùng mấy câu khẩu hiệu chạy trên bảng LED điện tử ít nhiều làm “bắt mắt” các vị khách đến thăm đơn vị và góp phần “làm sang” diện mạo nhà chỉ huy tiểu đoàn. Nhưng suy cho cùng, đây là một biểu hiện phô trương hình thức, không phù hợp với điều kiện đơn vị cơ sở và không mang lại lợi ích thiết thực cho số đông chiến sĩ.

2. Sáng sớm, trời mưa tầm tã. Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nhưng thời tiết không chiều lòng người trong buổi lễ khởi công xây dựng trụ sở mới của công ty. Theo kịch bản ban đầu, lễ động thổ được tổ chức ngoài trời. Tuy vậy, do trời cứ “sụt sùi” liên miên, ban tổ chức phải huy động hàng chục người phục vụ (đã túc trực từ tối hôm trước) nhanh chóng chuyển “phần động thổ” vào trong nhà bạt. Thế là anh em cấp dưới phải đội mưa để chuyển các phương tiện, vật liệu vào trong nhà bạt cho các quan chức được “mát mày, mát mặt” trong thời gian dự lễ động thổ.

Ghế ngồi trong nhà bạt được trang trí lộng lẫy không khác mấy ghế ngồi dành cho các thực khách dự “đại tiệc” ở khách sạn 5 sao.

Buổi lễ khởi công không khác mấy một ngày hội. Mấy chục chiếc ô tô con bóng loáng đậu trên một dãy dài. Mấy chục tấm pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn bố trí từ quốc lộ vào vị trí động thổ dài hơn 1km. Trước khi vào nhà bạt, mỗi vị khách đến dự lễ động thổ đều bước qua thảm đỏ đã được trải sẵn và được các nhân viên nữ “mặt hoa da phấn” mặc áo dài truyền thống cài hoa nơ trên ngực tiếp đón. Các vị lãnh đạo cấp trên và “chủ nhà” khi làm lễ động thổ đầu đội mũ bảo hiểm màu trắng, đeo găng tay trắng, cầm chiếc xẻng có đính nơ hoa, dán giấy vàng đỏ để xúc những xẻng cát đầu tiên trong tiếng nhạc hào hùng và dưới những tiếng nổ lạch tạch của các quả pháo giấy rực rỡ bay tung tóe trên đầu.

Trong lúc đó, hơn chục anh công nhân vẫn lặng lẽ ở bên ngoài ướt như chuột lụt do phải đứng cạnh đầu máy xúc, máy ủi để chờ hiệu lệnh cấp trên nổ máy… động thổ. Còn mấy anh bảo vệ, giúp việc cũng lăng xăng chạy đi chạy lại tất bật để lo đủ thứ việc công sai cần vụ, nên quần áo bị dính bùn lem luốc trông rất nhếch nhác. Mệt mỏi quá, một anh nhân viên than thở: “Lạy trời, mong công ty đừng bao giờ chuyển đi nơi khác nữa. Nếu không mỗi lần phải chuẩn bị làm lễ động thổ hoành tráng như thế này thì con chết mất”!

Có thể anh nhân viên hơi quá lời nhưng thực tế, các nhà tổ chức, những chủ đầu tư… luôn rất thích làm lễ động thổ “hoành tráng”.

3. Trước khi viết bài này, một cán bộ của một doanh nghiệp lớn được tham gia nhiều sự kiện, đã chia sẻ với tôi rằng: Hình như chưa bao giờ người ta lại thích phô trương như hiện nay. Những kiểu phô trương được biểu hiện dưới muôn hình vạn trạng. Có người, có đơn vị phô trương vì bệnh thành tích, vì thích “oai”, thích “oách”. Có người, có địa phương phô trương muốn “đánh bóng” tên tuổi của mình. Nhưng cũng có lúc, có nơi người ta cố tình phô trương để “vẽ” ra nhiều khoản chi, mà thực chất là nhằm “hợp thức hóa” những hóa đơn, chứng từ, quyết toán để làm lợi cho cá nhân và tổ chức mình. 

Phô trương gắn liền với lãng phí, là “con đẻ” của lãng phí. Tuy đã được đề cập, phản ánh nhiều lần trên các phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng cũng từng lên tiếng cảnh báo, song xem ra, việc này không khác mấy một loại bệnh ung thư. Không những làm hao mòn tài sản nhà nước, mồ hôi và công sức của nhân dân, bệnh phô trương còn làm biến dạng, méo mó những chuẩn mực văn hóa và nếp sống văn minh mà chúng ta đang xây dựng. Vậy nên, đã đến lúc phải chung tay góp sức tìm ra “phương thuốc đặc trị” nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này ra khỏi đời sống xã hội./.

(Theo: Thiện Văn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất