Trong 5 năm (2015 - 2020), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Học viện Chính trị khu vực III tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo cho trưởng ban và các phó trưởng ban tuyên giáo cấp huyện với 17 cán bộ tham gia; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức được 4 lớp bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo cơ sở với 280 học viên và cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới. Đồng thời, ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã cử 173 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Sau đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã phát huy được khả năng của mình, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng qua thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo ở Quảng Bình vẫn còn những hạn chế như: một số nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa phù hợp với từng đối tượng; tư duy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo chưa phản ánh đầy đủ bản chất của đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chưa gắn với yêu cầu phát triển năng lực. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo cần phải xác định được những “khoảng trống” để “lấp đầy”; đồng thời xác định được những phẩm chất, năng lực, kỹ năng cần có trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo chưa bảo đảm tính toàn diện; đánh giá mới chỉ dừng lại ở việc thống kê về số lượng khóa học, lớp học, số lượt cán bộ tham gia, hoặc đánh giá về số lượng, chương trình, tài liệu, tức là mới chỉ đánh giá những yếu tố “đầu vào”, chưa đánh giá kết quả“đầu ra”,…
Từ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, thiết nghĩ, để Quảng Bình có thể triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo “vừa hồng”, “vừa chuyên”, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên giáo và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo.
Trong đó, chú ý đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có mối quan hệ mật thiết với công tác quy hoạch cán bộ, quy hoạch cán bộ phải thực sự là căn cứ quan trọng có tính pháp lý để cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Do vậy, sau khi quy hoạch, cần thực hiện sớm và đúng thứ tự ưu tiên trong việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở kiểm tra, giám sát của đảng viên, cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị và cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đó.
Hai là, cần đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì cần phải có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ theo tinh thần “thiếu cái gì học cái ấy” nhằm không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng để làm việc tốt hơn.
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo là trang bị những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về lĩnh vực công tác tuyên giáo, giúp cán bộ có tư duy sáng tạo, năng lực thực hành và giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra. Vì vậy, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải thiết thực, phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảm bảo tính toàn diện về phẩm chất đạo đức, kiến thức cơ bản, chuyên sâu và kĩ năng công tác, về lý luận và thực tiễn, chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về lịch sử, văn hóa...
Ba là, tăng cường công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi trọng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
Công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ tuyên giáo là việc làm thiết thực nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 30/7/2005 là “Rút ngắn thời gian đào tạo... Phân định rõ ràng giữa đào tạo cơ bản và bồi dưỡng theo chức danh” và các nghị quyết Trung ương.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch, lộ trình, xây dựng nội dung đào tạo, đào tạo lại phải gắn với công việc chuyên môn và những kỹ năng cần thiết của đội ngũ cán bộ tuyên giáo. Hằng năm cần xây dựng kế hoạch, lựa chọn và cử một số cán bộ tuyên giáo tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và trung hạn những chuyên ngành chuyên sâu tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
Bốn là, các cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ tuyên giáo cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với cơ quan quản lý cán bộ để thống nhất về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm và những yêu cầu cần thiết để lấp đầy “khoảng trống” mà cán bộ tuyên giáo còn thiếu để sau khi đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ sẽ áp dụng kiến thức đã được học vào thực tiễn công tác đảm bảo có hiệu quả.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo của Đảng có hiệu quả, xây dựng được đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cần thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp nêu trên. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, các cấp ủy cần làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ. Hàng năm, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ sau đào tạo, tiến hành điều tra khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ tuyên giáo và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để có hướng sắp xếp, quy hoạch cán bộ. Các khâu này đều liên quan đến nhau và đến kế hoạch lập nguồn cán bộ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt được yêu cầu, mục đích đặt ra của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay./.
Hoàng Thanh Hiến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình