Thứ Tư, 27/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 21/6/2010 14:20'(GMT+7)

Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ ở A Mú Sung

Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng B45 hướng dẫn nhân dân trồng rau.

Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng B45 hướng dẫn nhân dân trồng rau.

Bỏ lại cái đói sau lưng

Trước khi đến với đồng bào các dân tộc xã A Mú Sung -một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát (Lào Cai), chúng tôi cứ tưởng chỉ được nghe chuyện trai Mông bắt vợ, chuyện thần gió, thần núi, thần sông và chuyện bùa phép huyền bí… Nào ngờ, chuyện mà đồng bào kể đến chủ yếu là về cán bộ, chiến sỹ  Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) B45 giúp dân có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Đồng chí Vàng Duần Phú , Bí thư Đảng ủy xã A Mú Sung kể: “ Ngày trước, bà con đồng bào các dân tộc chúng tôi nghèo đói, khổ cực lắm. Năm này tiếp nối năm sau luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Sự nghèo khó ấy cũng tại trình độ của cán bộ mình lúc đó có hạn, cộng với đồng bào luôn duy trì thói quen nuôi trồng theo cách truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Con gà, con lợn, con bò... giống vừa bé, vừa chậm lớn lại hay mắc bệnh; cây lúa, cây ngô cũ năng suất thấp... không đủ làm cho cái bụng của bà con bớt cồn cào... Bởi thế, cái nghèo cứ đeo đẳng sau lưng”.

Có lẽ cái đói, cái nghèo sẽ mãi còn đeo đuổi họ nếu không có những dự án do Bộ quốc phòng và UBND tỉnh Lào Cai đầu tư, xây dựng. Các công trình phúc lợi dân sinh, cũng như việc triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến lâm được nhân rộng trên địa bàn. Đặc biệt là sự chung tay giúp sức của cán bộ, chiến sỹ Đoàn KT-QP B45 đối với đồng bào về phương pháp nuôi trồng con giống, cây giống có năng suất, chất lượng cao cùng với việc áp dụng khoa học tiến bộ vào các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng đối với các xã đặc biệt khó khăn. Đây chính là động lực để huyện Bát Xát nói chung, xã A Mú Sung nói riêng tìm được hướng đi cho chương trình xoá đói giảm nghèo.

Với các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã thực sự bước sang một trang mới. Anh Đặng Hồng Sinh, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung phấn khởi cho biết: “Bây giờ, cả xã ai cũng biết áp dụng cách làm của bộ đội. Nhờ nó mà đồng bào các dân tộc chúng tôi giờ đây chỉ tính toán cho việc xoá nghèo chứ không còn lo đến chuyện xoá đói như xưa nữa. Không ít gia đình đã tạo dựng được cuộc sống khá giả. Bởi so về năng xuất giống ngô, giống lúa lai của bộ đội đem đến luôn đạt 8 - 10 tấn/ha, gấp hàng chục lần so với cây ngô, cây lúa thuần của địa phương trước đây, cho nên đồng bào hầu như không phải suy nghĩ nhiều về lương thực nữa mà tập trung vào xây dựng nếp sống văn hóa và đẩy mạnh xóa mù chữ ở tất cả các thôn bản”.

Dấu ấn của người lính Cụ Hồ

Quả thực, có đến A Mú Sung mới thấy những dấu ấn khó quên của cán bộ, chiến sỹ Đoàn KT-QP B45 đối với bà con dân bản. Chị Sùng Thị Tùng, người bản Pho, vừa khoe với chúng tôi tấm ảnh của mình chụp chung với bộ đội trên cánh đồng ngô lai, vừa tâm sự: “Các anh bộ đội không phải là thần linh, thượng đế gì đâu, nhưng luôn là chỗ dựa tinh thần và dạy cho tất cả bà con dân bản mình cách chăn nuôi, trồng chọt cho năng xuất cao. Thôn bản nào có bộ đội đến sớm hơn, thì ở đó ắt ấm no nhanh hơn và văn minh hơn”.

Được sự giúp đỡ của bộ đội Đoàn KTQP B45, nhiều hộ gia đình ở xã A Mú Sung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng đúng kỹ thuật nên đã xóa được đói, giảm được nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Anh Sùng A Sính, thôn Phù Lao Chải cho biết: “Năm 2007, cũng nhờ cái cán bộ Đoàn KT-QP 345 mua gúp một con dê đực Ấn Độ mà gia đình mình đến nay đã có được một đàn dê lai 70 con. Dê lai to gần gấp đôi so với giống dê truyền thống của địa phương. Mỗi năm, vợ chồng mình xuất chuồng được ba đợt, bán trung bình 40.000 đồng/kg, thu lãi về gần 100 triệu đồng cơ đấy!”.

Kinh tế phát triển, đồng bào có điều kiện đưa con em đến trường học tập, xây được nhà, mua sắm các đồ dùng giá trị trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, xe máy...phục vụ nhu cầu giải trí, nâng cao hiểu biết. Đến A Mú Sung, chuyện về bộ đội giúp dân thì nhiều, nhưng hơn hết có lẽ vẫn là câu chuyện về những "kỳ tích" hướng dẫn bà con khai hoang, mở mang diện tích để giải quyết lương thực, thực phẩm tại chỗ. Qúa trình công tác, cán bộ, chiến sỹ Đoàn đã tham mưu cho các chi bộ, đảng bộ địa phương học tập và triển khai thực hiện đúng, đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và hướng dẫn các tổ chức đoàn thể đi vào hoạt động nề nếp, có chiều sâu và khá hiệu quả.

Đại tá Trần Quyết Thắng, Chính ủy Đoàn tâm sự: “Xuất phát từ những khó khăn trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, cho nên trình độ và kinh nghiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương luôn ở trong tình trạng còn thiếu và yếu. Do vậy, mấy năm trước đây, Bát Xát không chỉ chậm về phát triển kinh tế, thấp về trình độ dân trí, mà còn mất ổn định về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để tháo gỡ những khó khăn đó, đơn vị đã tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, và vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu”.

Mặc dù phía trước còn nhiều gian lao thử thách, nhưng bằng trí tuệ và sự hy sinh quên mình, cán bộ, chiến sỹ Đoàn KT-QP 345 đã tô thắm thêm hình ảnh “anh bộ đội cụ Hồ” nơi biên cương xa xôi mà rất đỗi thân thương này. Tin tưởng rằng, với tình cảm gắn bó máu thịt, quân và dân Bát Xát sẽ luôn đồng sức, đồng lòng giữ vững chủ quyền từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cùng nhau xây dựng thôn bản ngày càng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng - an ninh… /.

(Theo: Tô Văn Binh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất