Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 28/5/2010 15:45'(GMT+7)

Người thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi

Tàu về trên cảng cá Lạch Bạng - Hải Thanh

Tàu về trên cảng cá Lạch Bạng - Hải Thanh

Cùng với các đồng chí cán bộ của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tĩnh Gia, chúng tôi đến thôn Ba Làng, một vùng công giáo toàn tòng thuộc xã Hải Thanh để tìm hiểu về tấm gương sáng một CCB: người đã từng vượt qua bao gian khó trong chiến tranh ác liệt; chống chọi với thương tật, sức khoẻ; phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động; đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nay là chủ một doanh nghiệp có uy tín và có nhiều đóng góp cho địa phương, cho giáo hội. Đó là thương binh Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Châu Tuấn, chuyên đóng sửa tàu thuyền và chế biến hải sản.

Năm 1971, Nguyễn Thanh Châu nhập ngũ vào trung đoàn 229 (Đoàn Hương Giang) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Ôn tại chặng đường suốt gần 10 năm quân ngũ, ông còn nhớ như in những kỷ niệm sâu sắc của đơn vị và bản thân ông tại ba thời điểm hết sức gian khổ, ác liệt, đó là "mùa hè đỏ lửa năm 1972" tại Thành cổ Quảng trị; trận phối hợp với bộ đội Pa thét Lào đánh chiếm sân bay SêSan vào những ngày tháng 4-1975 và trận đánh quân Pôn Pốt vào cuối năm 1979 tại cao điểm Caomêlai, thuộc tỉnh Battambăng – Campuchia. Ở chiến trường Campuchia, ông đã 2 lần bị thương, sau được đưa về điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1981, ông ra quân mang trong mình thương tật hạng 3/4.

Trở về quê nhà với hai bàn tay trắng và bao khó khăn chồng chất, bố mẹ già yếu, con nhỏ. Tuy là dân "kẻ biển", nhưng gia đình tại không sống bằng nghề biển, vốn liếng duy nhất mà cha mẹ để lại là chiếc bễ lò rèn hoen rỉ. Từ bao đời nay, nghề rèn ở đây cũng chỉ đủ duy trì cho bễ rèn thường xuyên đỏ lửa và giành dụm đôi chút cho những bữa ăn đạm bạc của cả nhà, bởi sản phẩm chính chỉ là con dao, lưỡi hái, cái cuốc, cái xẻng, cái đinh thuyền, hoặc hàn vá đoạn xích, cái mỏ neo, cái chân vịt... Vì vậy, ông quyết định đưa vợ con lên núi khai thác đá hộc bán cho các công trình xây dựng. Mặc dù chỉ là lao động thủ công, lấy sức lực, lòng kiên trì và sự khéo léo làm chính, song bước đầu cũng gặp thuận lợi, sản phẩm làm ra đến đâu, bán được đến đấy. Nhưng, đúng như câu ca của ông bà ta vẫn nói: "Hòn đá cũng vã mồ hôi", huống chi con người; bỗng dưng vết thương tái phát, một trận ốm đau thập tử nhất sinh đã quật ngã ông. Sau gần một tháng vào điều trị tại bệnh viện huyện, sức khoẻ hồi phục với ý chí "không cam chịu đói nghèo" lại một lần nữa thôi thúc ông gượng dậy, bước ngoặt cuộc đời ông cũng bắt đầu từ đó.

Ông đến tận nhà một số anh em CCB có điều kiện về kinh tế, thăm hỏi, trao đổi, bàn bạc góp người, góp vốn, rồi kiên trì thuyết phục vợ con dốc hết số vốn liếng còn lại của gia đình mở rộng nghề rèn gia truyền thành xưởng sửa chữa cơ khí, chuyên phục vụ ngành đánh bắt thuỷ, hải sản. Nhờ đức tính ham muốn học hỏi, sẵn có kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, cộng với lối sống, sinh hoạt mộc mạc, thẳng thắn, chân thành của người lính công binh năm nào, dần dần chất lượng dịch vụ của Xưởng cơ khí do ông phụ trách đã được khách hàng gần xa chấp nhận. Có việc làm, có thu nhập, ông lại lao vào nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, đầu tiên là cải tiến thành công hệ thống vận hành kéo tàu thuyền lên bãi để sửa chữa, giảm giá thành mỗi bộ hàng chục triệu đồng. Rồi nghiên cứu đóng tời kéo lưới vây, giúp cho việc giảm lao động trên thuyền từ 14 người xuống chỉ còn 7 người. Tiếng lành đồn xa, khách hàng đến ngày một nhiều, ông kêu gọi bạn bè đồng ngũ tiếp tục hỗ trợ vốn, mở rộng sản xuất, nâng xưởng cơ khí gia đình thành tổ hợp tác. Được Chính quyền địa phương ủng hộ, bạn bè giúp đỡ, khách hàng tin tưởng, sản phẩm của ông đã có mặt không chỉ trong tỉnh mà cả ở các tỉnh bạn.

Thật khó có thể tưởng tượng được, giờ đây trên diện tích 10.000 m2, cải tạo từ vùng bãi nước ngập triều bên dòng sông Kênh Than, cách cầu Đò Bè (thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) khoảng 500m về phía Nam là cơ ngơi của doanh nghiệp Châu Tuấn. Hàng chục chiếc tàu đánh cá được kéo bến, đậu san sát trên bãi, chờ được sửa chữa, bảo dưỡng, chuẩn bị cho những chuyến ra khơi xa. Bên cạnh đó là khu chế biến hải sản với hàng trăm mét vuông chàn cá đang được phơi khô sau khi đã phân loại, hấp sấy. Dãy bể chứa được đầu tư khá hiện đại có sức chứa 120 tấn cá nguyên liệu để cho ra sản phẩm “Nước mắm Du Xuyên", làm sống lại thương hiệu nước mắm nổi tiếng của địa phương đã thất truyền vài chục năm nay. Khu vực trung tâm là Văn phòng Công ty, xưởng cơ khí, bãi xe cơ giới, kho vật tư, nhiên liệu...

Hàng ngày, tại đây có khoảng 30 lao động kỹ thuật, hầu hết là con em của CCB, ngoài các khoản bảo hiểm do Công ty đóng, mức lương bình quân đạt trên 2 triệu đồng/tháng; thợ học việc kỹ thuật, ngoài ăn, ở, Công ty còn hỗ trợ mỗi tháng 600.000 đồng. Khu vực chế biến hải sản thường xuyên có 15 1ao động, lúc thời vụ phải huy động đến hàng trăm, số lao động này có ngày thu nhập đạt mức 100.000đ - 150.000đ/người. .

Nói về "Nước mắm Du Xuyên", ông khẳng định mình sẽ khôi phục được thương hiệu đặc sản này của địa phương, bởi theo ông, khâu quyết định cho chất lượng là nguyên liệu. "Nước mắm Du Xuyên" phải được làm từ cá Đốm Nục, loại cá to, đều, có số lượng từ 12 đến 13 con/kg; cá chỉ được đánh bắt bằng nghề lưới chiêm trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau (do vốn đầu tư cho ngư cụ cao, năng suất lại thấp, nên gần 40 năm nay ở Thanh Hoá không còn nghề lưới chiêm). Tuyệt đối không được dùng cá thu hoạch từ tháng Tư đến tháng Chín, hoặc cá đã qua ướp đá lạnh, vì thời điểm này có trứng nước hoặc cá không còn tươi nữa, sẽ không bao giờ có chất lượng nước mắm như ý. Nghề làm nước mắm cũng lắm công phu, phải sau 24 tháng mắm mới chín, đương nhiên vốn phải rất lớn, nếu không thì phần trả lãi vay sẽ ăn hết phần lời. Hiện ông đặt mua cá Đốm Nục ở Nghệ An và sử dụng nguồn thu từ sửa chữa cơ khí để đầu tư cho "Nước mắm Du Xuyên".

Công ty TNHH Châu Tuấn là một trong những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên ở huyện Tĩnh Gia thành lập tổ chức Công đoàn. Tiếp xúc với anh chị em lao động, trao đổi về việc làm, thu nhập, đời sống... mọi người đều bày tỏ lòng biết ơn, mến phục đối với ông Nguyễn Thanh Châu, không chỉ với cương vị là giám đốc một doanh nghiệp, mà còn là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện. Trả lời băn khoăn của chúng tôi về bổn phận của các tín đồ trong việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo có trở ngại gì khi đang mùa vụ sản xuất, kinh doanh, ông cho biết: Trước đây doanh nghiệp cũng lúng túng, song ông đã trực tiếp gặp Linh mục của giáo xứ trình bày rõ đức tin tôn giáo, bổn phận của các tín đồ và vai trò không thể thay thế của người lao động trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với ngành nghề đặc thù có tính mùa vụ (có thời điểm một đêm phải phân loại, hấp sấy 14 tấn cá nguyên liệu). Thực tế cho thấy, đời sống kinh tế của hàng chục gia đình giáo dân trong xứ những năm gần đây, từng bước đã được cải thiện, nâng cao; cùng với những đóng góp thiết thực, hiệu quả của doanh nghiệp đối với địa phương, giáo xứ và nhiều việc làm xã hội từ thiện khác, hoạt động của Công ty TNHH Châu Tuấn luôn được Chính quyền các cấp quan tâm, động viên, giúp đỡ, được giáo hội đồng tình ủng hộ.

Trong phòng làm việc với tiện nghi còn khá khiêm tốn của giám đốc Công ty, chúng tôi thấy bên cạnh những tấm bằng khen “Huân chương Chiến sỹ Giải phóng", "Huân chương chiến công", "Bằng Dũng sĩ diệt Mỹ", "Huân chương chiến sĩ vẻ vang"... đã ngả màu theo thời gian là các Bằng khen của Chủ tịch UBND các cấp, Bằng khen của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, trong đó nổi bật là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Giám đốc Nguyễn Thanh Châu, năm 2007.

CCB Nguyễn Thanh Châu thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Sống tốt đời, đẹp đạo...", “Tàn nhưng không phế"./.

Thanh Hằng, TTGD chính trị tỉnh Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất