Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 9/6/2010 14:16'(GMT+7)

A Lưới qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động lớn

Lễ hội A Riêu Piing của dân tộc Pakô ở huyện A Lưới - Thừa Thiên Huế.

Lễ hội A Riêu Piing của dân tộc Pakô ở huyện A Lưới - Thừa Thiên Huế.

Sau khi dự Hội nghị tiếp thu quán triệt các chuyên đề Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại tỉnh. Ban Thường vụ Huyện uỷ A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã tích cực tổ chức Hội nghị quán triệt học tập các chuyên đề tới đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên cấp huyện. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai học tập gắn liền với việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5, 6, 7 và 9 (khoá X). Kết quả trong 3 năm qua đã mở được 96 lớp cho 10.366 lượt người tham gia.

Cụ thể, năm 2007 mở được 39 lớp với 4.070 lượt người tham gia học tập 3 chuyên đề: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”, tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”“Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chuyên đề này còn được triển khai sâu rộng đến hệ thống trường học trên địa bàn huyện bằng hình thức lồng ghép vào các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân...

Năm 2008 mở 38 lớp với 3.697 lượt người tham gia học tập 2 chuyên đề: “Tư tương Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, quan liêu”, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số đơn vị đã tích cực triển khai đến tận hội viên như Đảng uỷ thị trấn A Lưới, các xã A Ngo, Hồng Quảng, Sơn Thuỷ, Hương Lâm, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Thuỷ…

Năm 2009, mở 29 lớp chuyên đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” với 2.655 lượt người tham gia học tập.

Nhìn chung, qua các đợt triển khai học tập và sinh hoạt chính trị, đa số cán bộ đảng viên và nhân dân tham gia học tập đều có tinh thần ý thức trách nhiệm cao, nhiều người đã vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và có sự liên hệ với bản thân một cách hiệu quả. Nhiều Đảng bộ đạt 100% số lượng đảng viên tham gia hoạc tập và thực hiện có hiệu quả, sáng tạo Cuộc vận động, như: Đảng bộ Công an, Huyện đội, Trung tâm y tế huyện… một số tổ chức ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực triển khai sâu rộng đến tận hội viên, cơ sở như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Liên đoàn Lao động, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục, xã Sơn Thuỷ, Hương Lâm...

Nhiều đơn vị hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động một cách tích cực, sáng tạo thông qua việc chủ động xây dựng kế hoạch triển khai theo ngành, giới và các tiêu chí của đơn vị mình. Tiêu biểu như Đảng bộ Công an huyện gắn việc rèn luyện, tu dưỡng với thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy “Xây dựng lực lượng công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; ngành Y tế gắn với việc thực hiện “12 điều y đức”; ngành Giáo dục gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động “Hai không”, Khối Mặt trận với các phong trào “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”

Trong suốt 3 năm, từ cấp cơ sở đến cấp huyện đã diễn ra hằng trăm cuộc thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội thi “Bí thư Chi bộ giỏi”. Điều quan trọng nhất là thông qua phần liên hệ, vận dụng của mỗi thí sinh tại các cuộc thi đã nêu lên những ví dụ sinh động về các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực; rút ra bài học kinh nghiệm cho cơ quan, đơn vị và bản thân trong học tập và làm theo gương Bác...

3 năm qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn huyện A Lưới đã nhận được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm thực hiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội các cấp từ huyện đến cơ sở. Đó chính là điều kiện thuận lợi để việc triển khai các bước tiếp theo của Cuộc vận động trong huyện đạt được những kết quả thiết thực.

Các tiêu chí như “Cần, kiệm, liêm, chính” được nhiều đơn vị, cá nhân thực hiện có hiệu quả với tinh thần sáng tạo trong học tập, cụ thể hoá trong làm theo. Tiêu biểu là Đảng uỷ Công an huyện, Đảng uỷ Trung tâm Y tế, Đảng uỷ các xã A Ngo, Hồng Quảng, Sơn Thuỷ…; các cá nhân như đồng chí Lê Anh Miêng (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ), Viên Xuân Pưa (Chủ tịch UBND xã Nhâm), Hồ Văn Hanh (Bí thư Đảng uỷ xã A Ngo)…

Nhiều thành tựu về kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện được khẳng định. Toàn huyện đã có 14/21 Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia, các xã đều có bác sỹ trực kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng được đẩy mạnh, đến nay đã có 52/131 làng, 27/43 tổ, 52/65 cơ quan được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống đang được đẩy mạnh, đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Để từng bước ổn định đời sống cho người dân, chương trình xoá nhà tạm bợ đã và đang được triển khai tích cực. Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, trong năm 2008, trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc xoá nhà tạm bợ với số lượng trên 2.700 căn.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được các cấp, các ban ngành trong huyện quan tâm, chú trọng. Đẩy mạnh chăm lo phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc… luôn được đặt lên hàng đầu.

Các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành chức năng của huyện thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở A Lưới ngày càng khởi sắc, giảm được đói, xoá được nghèo, ổn định sản xuất. Các mặt hàng thiết yếu như muối iốt, dầu hoả, thu mua nông sản và một số nhu yếu phẩm khác đều được đảm bảo, giúp đồng bào ổn định đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Ban định canh định cư của huyện đã phối hợp với các phòng ban tổ chức cho 1.423 hộ nghèo khai hoang 257,68ha đất sản xuất với tổng mức hỗ trợ 1.288 triệu đồng. Đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình 135 giai đoạn 2 với tổng số vốn đầu tư đạt 24,295 tỷ đồng, xây dựng được 17 công trình đường giao thông nông thôn, 13 trường học, 5 trạm y tế và 13 công trình phụ trợ khác... Với sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện cho huyện A Lưới ngày càng đổi mới phát triển.

Cùng với những đổi mới về văn hoá, xã hội, lĩnh vực kinh tế của huyện thời gian qua cũng có những tiến bộ đáng kể. Toàn huyện hiện có 2.485 ha diện tích đất gieo trồng, trong đó, lúa nước 840,4ha, ngô 476,7ha, sắn 928,8ha. Năng suất bình quân đạt 48,6tạ/ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 12.000tấn. Cơ bản đã phủ xanh đất trống đồi trọc, trên địa bàn đã trồng được 691 ha cà phê, hơn 600 ha cây cao su, hơn 10.000 ha rừng kinh tế và nhiều trang trại đã hình thành...

Chính những thành tựu kinh tế nổi bật này đã kéo theo sự phát triển phồn thịnh của nhiều hộ kinh tế, phần lớn hộ gia đình đã mua sắm được đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt và sản xuất; nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có tích luỹ nhờ vào phát triển mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) và VACR (vườn - ao - chuồng - rừng). Tổng đàn gia súc toàn huyện có 21.924 con, gia cầm 87.195 con, cùng với hang trăm ao hồ nuôi cá nước ngọt đã góp phần làm giàu kinh tế cho A Lưới trong những năm qua.

Có được những thành công bước đầu nói trên, một phần không nhỏ là từ công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng và có hiệu quả trong quần chúng nhân dân, nổi bật là công tác dân vận tốt của đội ngũ cán bộ các cấp. Đó chính là cơ sở cho sự thành công của những năm tiếp theo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Huyện uỷ A Lưới từ nay đến năm 2011 là quyết tâm tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa tầm quan trọng của Cuộc vận động, nâng cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác./.

Trần Nguyễn Khánh Phong
GV Trường THPT A Lưới - Thừa Thiên Huế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất