Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 13/6/2010 11:51'(GMT+7)

"Vầng sáng" nơi thượng nguồn sông Giăng

Nhà giáo ưu tú La Văn Bốn với bức hình được chụp chung với Bác Hồ năm 1956 ở Trường Sư phạm miền núi Trung ương.

Nhà giáo ưu tú La Văn Bốn với bức hình được chụp chung với Bác Hồ năm 1956 ở Trường Sư phạm miền núi Trung ương.

Niềm vui bất ngờ được gặp Bác Hồ!

Xưa! Tộc Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh. Tộc người này mang dòng họ La. Tương truyền rằng: “… Sự tàn ác của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) bắt dòng họ La phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái”, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Dưới vòm trời này làm gì có cây nứa bằng vàng, con thuyền liền mái? Thế là trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi".

Buổi sơ giao với người Đan Lai là những mái nhà tranh, vách nứa lụp xụp, nằm cheo leo, ẩn khuất trên vách đá. Cũng chính bởi sự tồn vong của tộc người này mà cuộc sống của họ biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài. Vì thế, “cái chữ” đối với họ là điều gì đó rất xa xôi.

Năm 1946, cán bộ Việt Minh đi qua bản khe Bu, khe Cấy, khe Nà vận động bà con dân tộc thiểu số tham gia phong trào “giết giặc đói, giặc dốt”, cậu bé La Văn Bốn đi theo ngay. Như cái nghiệp vận vào thân, mới 13 tuổi La Văn Bốn đã vượt rừng đón thầy về bản xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc, trong đó có người Đan Lai. Bảy năm sau, người thanh niên Đan Lai này trở thành học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương, đóng ở Tuyên Quang. Tại đây trong lần Bác Hồ đến thăm trường, La Văn Bốn đã được gặp, được nghe Bác nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ.

Ông nhớ lại: “Hôm đó cũng như bao buổi đến trường khác, đang giờ học, thầy giáo Phạm Văn An, Thư ký hội đồng giáo viên của nhà trường thông báo ngắn gọn: Các lớp chuẩn bị đón khách. Chúng tôi chẳng ai nghĩ vị khách đó chính là Bác Hồ. Sau khi đi thăm, kiểm tra nhà ăn, nơi ở của học sinh trong trường, Bác dành thời gian để nói chuyện với chúng tôi. Mở đầu câu chuyện, Bác nói: “Các cháu như hạt giống văn hóa đang được nhà trường ươm. Sau này Đảng, Nhà nước mang trồng chỗ khác. Các cháu cố học để mở mang kiến thức văn hóa cho dân tộc mình". Nói rồi, Bác hỏi thầy giáo Phạm Văn An: “Trường ta có bao nhiêu con em các dân tộc đang học tập tại đây?”. Thầy giáo An thưa Bác: “Trong trường có 17 dân tộc anh em đang theo học”. Bác nói tiếp: “Thế chú chọn mỗi dân tộc 2 học sinh chụp ảnh lưu niệm với Bác”. Vâng lệnh Bác, thầy giáo An, cầm danh sách đọc mỗi dân tộc 2 học sinh. Đến lượt dân tộc Đan Lai, thì chỉ có mình tôi bước lên. Thấy vậy, Bác hỏi: “Sao dân tộc Đan Lai chỉ có một người?”. Tôi lễ phép thưa: "Thưa Bác! Cháu là đại diện duy nhất của dân tộc Đan Lai ở trường”. Bác hỏi tôi: “Thế nhà cháu ở đâu?”. “Dạ thưa Bác, nhà cháu ở huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An ạ”–Tôi trả lời Bác. Bác nhìn tôi âu yếm rồi nói: “Thế cháu phải cố gắng học hành cho tốt, sau này giúp đồng bào dân tộc Đan Lai học hành đến nơi đến chốn đó”. Giây phút ngắn ngủi bên Bác nhưng đó lại là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của tôi”.

Lặng thầm gùi chữ về bản

Tôi gặp Nhà giáo ưu tú La Văn Bốn trong ngôi nhà lá nhỏ, dựng cheo leo ngang đồi của gia đình ông. Từ người già đến trẻ trong bản đều gọi ông với cụm từ thân thương, đầy kính trọng “Thầy Bốn”. Cận kề cái tuổi tám mươi, bước chân ông đã chậm, tiếng nói không còn vang như trước nhưng trời phú cho ông đôi mắt vẫn còn sáng và trí nhớ minh mẫn.

Nhớ lời Bác dạy, tâm huyết với nghề, với dân bản, ông luôn trăn trở làm sao để cái chữ về với đồng bào. Bởi thế, đêm ngày ông lội khe, vượt những vách núi đá đầy hiểm nguy để tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em tới trường. Trường học trung tâm ở xa quá, với lại cuộc sống của người Đan Lai quá nghèo nên việc đảm bảo đến trường dường như không thể. Thế là ông tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông dựng phân hiệu tại các bản. Ông nhớ lại: “Thời điểm dựng phân hiệu trường tiểu học tại bản khe Bu, khe Khặng vô cùng vất vả. Gỗ và cây mét dựng phòng học thì huy động ở trong dân, còn mái lợp tôn, tôi xin được thì phải vận chuyển 17km từ trung tâm xã vào. Hành trình chuyển tôn vào lợp mái vô cùng vất vả, bởi đường sá vào bản bị nhiều con sông, suối chia cắt, có nơi phải vịn vào vách đá để đi. Nguy hiểm vô cùng thế nhưng cứ nghĩ đến “con chữ” đang ở gần với học sinh dân tộc Đan Lai, tôi động viên số thanh niên cố gắng vượt qua những thử thách. Có trường, có lớp, học sinh dân tộc Đan Lai đến trường ngày càng đông”.

Ươm cây mong có ngày hái quả. Nếu như trước đây, cả tộc người Đan Lai không có ai học qua lớp 3 thì nay đã phổ cập tiểu học, học sinh các bản đến trường đúng độ tuổi quy định. Nhờ sự dìu dắt của thầy Bốn mà nhiều học sinh đã đỗ vào đại học, cao đẳng, trở thành giáo viên như La Văn Hoa, La Thanh Nam, La Văn Đào, La Thị Thanh Tú, La Thị Tới…

Anh Nguyễn Thanh Bình, Phó bí thư Đảng ủy xã Châu Khê cho biết: “Thầy Bốn là tấm gương tiêu biểu về lòng tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục con em dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Đan Lai nói riêng. Hoạt động của thầy dường như không biết mệt mỏi, làm được gì có lợi cho bà con là làm”.

Ký ức về giây phút được gặp Bác Hồ suốt 54 năm luôn tiếp thêm sức mạnh cho thầy Bốn. Dù trên cương vị là giáo viên hay làm công tác quản lý (sau này thầy Bốn được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Con Cuông) ông đều hoạt động không biết mệt mỏi để “cái chữ” về với đồng bào. Ghi nhận những công lao to lớn của thầy Bốn, năm 1997, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú cho ông. Đó không chỉ là vinh dự với riêng ông mà đó là sự kiện của cả tộc người Đan Lai nơi đầu nguồn sông Giăng…/.

(Theo: Đức Dục/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất