Ba bạn trẻ, ba công việc khác nhau ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn nhưng đều có điểm chung là luôn phát kiến tìm kiếm cái mới, khắc phục các nhược điểm trong sản xuất. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ trách nhiệm và phần nào đó là sự thôi thúc tinh thần sáng tạo không ngưng nghỉ của người trẻ.
Sơn “mắt thần”
Sau ba năm tu nghiệp ở Nhật, Trần Trường Sơn vào làm công nhân khâu đóng hộp của Công ty LD Bio-Pharmachemie. Dây chuyền đóng hộp được lắp đặt tự động nhưng công nhân vẫn phải dùng tay để chỉnh sửa khiến hiệu quả công việc không cao. Sau thời gian đứng máy, quan sát thực tế, Sơn thấy máy và hộp chỉnh chưa đúng quy cách nên đã nghiên cứu chỉnh lại.
Đa số máy móc trong phân xưởng đều tự động, được nhập từ nước ngoài về nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng chai thuốc chạy trật băng chuyền khiến bị bể, đổ thuốc làm tăng lượng hao hụt, đội giá thành lên gây khó cho việc cạnh tranh trên thị trường. Sơn tìm tòi, thử nghiệm và đề xuất lắp đặt “công tắc hành trình kiểm soát chai thuốc chạy lệch đường dẫn”. Sáng kiến này đã khắc phục được tình trạng trên.
Ở công trình khác, chùm sáng kiến ba “đôi mắt thần” mà Sơn đưa vào ứng dụng trên dây chuyền sản xuất thuốc tiêm tạo hiệu quả tốt hơn. Đứng điều khiển máy, thỉnh thoảng Sơn lại phải khắc phục sự cố những chai thuốc mất nắp, thiếu nhãn hoặc thiếu dung lượng.
Từ những kiến thức đã học, Sơn tìm đọc tài liệu và mày mò ứng dụng bộ cảm biến điện tử để kiểm soát những lỗi ấy. Và ba “đôi mắt thần” ấy có độ chính xác khá cao. “Đôi mắt thần” của Sơn được thiết kế bắt lỗi rất chuẩn. Dây chuyền đang chạy ro ro bỗng ngưng hoạt động, Sơn bốc chai thuốc ngay chỗ “đôi mắt thần” lên, thì ra nó thiếu nhãn!
“Có được công nhân như Sơn chúng tôi thật sự tin tưởng. Nhiều khi chúng tôi còn tạo điều kiện để Sơn phụ sửa chữa máy móc cho những phân xưởng khác. Là công nhân nhưng anh lại có năng lực như một kỹ sư phụ trách kỹ thuật”- anh Nguyễn Đức Thành, tổ trưởng phụ trách phân xưởng của Sơn, cho biết.
Luôn luôn động não
Ở vùng đất thép Củ Chi, từ hai giống bò thịt nhập từ Úc, sau thời gian nuôi dưỡng thuần chủng tại Việt Nam, Đoàn Thị Ánh Tuyết (bác sĩ thú y, nhân viên phòng kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Bò Sữa TP Hồ Chí Minh) cùng các đồng nghiệp đẩy mạnh tạo giống bò lai chất lượng cao cung cấp cho nông dân.
Hiện nay giống bò này đã xuất được gần 1.000 con cho các tỉnh thành từ miền Bắc đến miền Tây và đều phát triển tốt. Tuyết còn cùng nhóm kỹ thuật trẻ đề xuất với lãnh đạo công ty thực hiện các chương trình “nâng cao chất lượng đàn bò”, “nâng cao năng suất sữa” và hằng tháng đều tổ chức chuyên đề phòng và điều trị bệnh gia súc hiệu quả.
Luôn xung kích trong các hoạt động của công ty, Tuyết còn là chiến sĩ tình nguyện trong các chiến dịch Kỳ nghỉ hồng do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Bằng kiến thức chuyên môn, Tuyết đến với nông dân vùng sâu vùng xa để chuyển giao kiến thức chăn nuôi bò, dê nhằm giúp nông dân vươn lên bằng mô hình chăn nuôi.
Không chỉ đến với nông dân các tỉnh thành, Tuyết còn khoác balô đến với nước bạn Lào, Campuchia tham gia Kỳ nghỉ hồng để giúp nông dân nước bạn thêm kiến thức về chăn nuôi. Xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2008 Tuyết đã được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của dành tặng “100 nhà nông trẻ xuất sắc”.
Được tuyên dương
Với những thành tích trong lao động và sáng kiến làm lợi cho đơn vị, cho nông dân, cả ba bạn Sơn, Tuyết và Minh đều được Thành ủy, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh khen thưởng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Mới đây khi Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn khen thưởng năm cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2009 thì cả ba bạn đều được tuyên dương. | |
Còn với anh chàng bí thư đoàn Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn Đặng Xuân Minh khi về làm phó phòng kinh doanh đã đưa ra sáng kiến “mô hình chuồng nuôi cá sấu dợn sóng”. Cá sấu có đặc tính hay dồn lại mỗi lúc gặp người lạ làm trầy xước da, giá trị thương mại của da giảm đi. Điều đó thôi thúc Minh suy nghĩ: phải làm điều gì đó chống trầy xước cho da cá sấu.
Thế là mô hình chuồng dợn sóng ra đời, theo nguyên tắc quan sát từ tập tính của cá sấu dồn vào chỗ có nước theo từng nấc nước khác nhau. Nhờ thế, tỉ lệ lấy da cá sấu đạt chất lượng cao hơn so với cách nuôi trước đây.
Những bạn trẻ ấy, có người như Ánh Tuyết, như Minh được học hành tới nơi tới chốn, nhưng cũng có người như Trường Sơn trình độ chỉ... lớp mười rưỡi (hiện anh đang theo học lớp 11 bổ túc) nhưng đam mê khiến Sơn luôn tìm tòi, suy nghĩ. Làm việc ở môi trường nào Sơn cũng luôn đặt câu hỏi trước những lỗi của hệ thống sản xuất.
Những nỗ lực đó của Sơn giúp bạn lọt vào mắt xanh một công ty Nhật Bản khi họ đến công ty tuyển công nhân đưa qua Nhật tu nghiệp. “Ba năm làm việc ở môi trường hiện đại, tôi học được nhiều về lĩnh vực cơ khí. Tôi học tất cả những gì mình thích dù có thể chưa dùng ngay mà sau này mới dùng đến”- Sơn chia sẻ.
Với những sáng kiến bắt đầu từ công việc hằng ngày, các bạn trẻ đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo, với mỗi sáng kiến hoặc công trình khắc phục những lỗi trong sản xuất, kinh doanh, chính các bạn trẻ đã thể hiện khả năng trong công việc một cách thuyết phục.
(Theo: TTO)