(TG) - Đại diện Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Kạn nhanh chóng xây dựng, ban hành các kế hoạch cụ thể, phù hợp; đẩy mạnh hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại cơ sở...
Ngày 8/10, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn, nhằm kiểm tra, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/1/2013 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” và "Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020".
Trong số 85.000 trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay có gần 25.000 em có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có gần 300 trẻ hiện đang được hưởng trợ cấp tại cộng đồng và 100 em được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Toàn tỉnh có trên 25.000 trẻ dưới 6 tuổi đã được được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hơn 2.700 em được miễn giảm học phí...
Theo đánh giá bước đầu, hiện nay tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chiếm 22,2%, xếp thứ 56 trên toàn quốc và nằm trong 10 tỉnh có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất. Riêng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi Bắc Kạn đứng thứ 50 trên toàn quốc...
Đồng chí Hoàng Đức Hoan, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/1/2013 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” đã được triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh tới cơ sở. Đã có 98% đảng bộ, chi bộ và trên 95% đảng viên được học tập, quán triệt những nội dung của Chỉ thị.
Cùng với công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh thông qua hệ thống thông tin đại chúng và đội ngũ báo cáo viên, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tích cực chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh phối hợp công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng những việc làm cụ thể.
Thời gian qua, toàn tỉnh đã có gần 8.500 trẻ em được tham gia vào các diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; đã có 104 "Câu lạc bộ Quyền trẻ em" được thành lập, thu hút gần 3.500 em tham gia.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn cho biết, khó khăn nhất trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh hiện nay chính là những hạn chế về nhận thức và trình độ của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các địa điểm, mô hình và công tác tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ cũng còn nhiều hạn chế, xuất phát từ những đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội còn nhiều bất cập...
Những kiến nghị, đề xuất về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được nêu lên tại buổi làm việc, đều tập trung vào những nội dung như cần có cơ chế tăng cường đầu tư kinh phí cho cơ sở, đặc biệt là vùng sâu vùng xa; nâng cao trình độ, kỹ năng và có phụ cấp cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, bởi thực tế hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cơ sở vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm và không có phụ cấp; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân một cách có trọng tâm, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích công tác xã hội hoá và mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn...
Để thực hiện có hiệu quả, chất lượng những nội dung của Chỉ thị 20-CT/TW và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị và "Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020" tới các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.
Hai là, tập trung lãnh đạo, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả đối với một số mục tiêu quan trọng như: khám, chữa bệnh miễn phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi; giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi; đầu tư cho việc xây dựng các công trình, khu vui chơi trẻ em.
Ba là, từng bước kiện toàn bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các thôn, bản, khu phố; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm công tác này.
Bốn là, từng bước đưa ra những định hướng phù hợp trong từng giai đoạn về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường hơn nữa sự phối hợp các ban ngành chức năng cùng gia đình và xã hội dựa trên kế hoạch cụ thể, theo điều kiện của từng địa phương.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương - đồng chí Lê Duy Sớm, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội - ghi nhận những kết quả bước đầu tỉnh Bắc Kạn đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị và "Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn nhiều hạn chế trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ở Bắc Kạn, có nguyên nhân từ những khó khăn của một tỉnh miền núi, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về nhận thức, nhiều tập tục lạc hậu chậm được thay đổi... Vì thế, so với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng và hiệu quả triển khai, thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở Bắc Kạn còn thấp...
Đại diện Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Kạn nhanh chóng xây dựng, ban hành các kế hoạch cụ thể, phù hợp để thực hiện những nội dung nêu trên giai đoạn tiếp theo; đồng thời tăng cường công tác phối hợp và phân công nhiệm vụ đối với các sở, ban, ngành chức năng; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại cơ sở.../.
Hà Phương