Thứ Năm, 28/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 18/9/2013 21:3'(GMT+7)

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ chủ chốt nơi biên giới

Bên lề hội nghị, phóng viên TCTG đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Minh Tuấn Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới, cắm mốc.

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết  ý nghĩa, mục đích của các hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ chủ chốt ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào?

 Đồng chí Trương Minh Tuấn: Cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 9 tháng 7, Chính phủ Việt Nam và Lào đã tổ chức trọng thể Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Ngày 19 tháng 8, Bộ Ngoại giao hai nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên biên giới Việt Nam - Lào. Đây là một dấu mốc hết sức quan trọng trong suốt quá trình phân giới, cắm mốc, tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên toàn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào kể từ năm 2008 đến nay. Đây cũng là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. 

Sau giai đoạn hoàn thành trên thực địa, khi Chính phủ Việt Nam và Lào hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác biên giới và quản lý biên giới, nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới, đồng bào các dân tộc đang sinh sống hai bên biên giới là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Do đó, cần nâng cao hiểu biết, kiến thức mới về pháp luật biên giới cho cán bộ chủ chốt, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để họ truyền đạt, phổ biến với bà con, đồng bào các thôn, bản, xóm nhằm tiếp tục vun đắp, gìn giữ, phát triển mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Trên tinh thần đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành tổ chức 4 hội nghị (sẽ tổ chức hội nghị thứ năm vào ngày 23/9 tại Nghệ An) tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ chủ chốt để họ nắm rõ hơn những chủ trương, định hướng về các hoạt động, công tác biên giới. Hơn lúc nào hết, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các thôn, bản biên giới; đội ngũ cán bộ các xã khu vực biên giới; cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng càng phải nâng cao hiểu biết về pháp luật biên giới; đồng thời cố gắng và phát huy nhiều hơn nữa vai trò, vị thế, trách nhiệm của mình trong công tác biên giới, cùng với nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về biên giới.

PV: Sau khi tập huấn, các già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ có thêm một số kiến thức cụ thể về các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào. Ngoài việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào, đồng chí kỳ vọng và mong muốn cán bộ chủ chốt, các già làng, trưởng bản, người có uy tín này hoàn thành những mục tiêu gì?

Đồng chí Trương Minh Tuấn: Sau đợt tập huấn các già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ chủ chốt khu vực biên giới sẽ có thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật biên giới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn và xin nhấn mạnh thêm một số ý kiến cụ thể sau:

Thứ nhất, xây dựng, giữ gìn, bảo vệ  biên giới là công việc đặc biệt hệ trọng của mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc. Có được một đường biên giới hòa bình,ổn định, hữu nghị là mong ước, nguyện vọng và là trách nhiệm chung của tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc và của mỗi người dân. Biên giới ổn định, hòa bình thì nhân dân khu vực biên giới mới có thể yên tâm sinh sống, lao động, học tập trên quê hương mình. Có được đường biên giới hòa bình thì mới có thể vun đắp tình hữu nghị giữa những người dân sinh sống ở hai bên biên giới; mới có cơ sở để vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai đất nước, hai dân tộc và chúng ta mới có thể cùng nhau phát triển được.

Do vậy, ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền các cấp, của lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ ở biên giới, thì các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các thôn, bản, xóm biên giới hiện đang sinh sống ở các địa phương có biên giới với nước bạn Lào có vai trò hết sức to lớn. Họ không chỉ là người tuyên truyền giúp bà con thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và pháp luật về biên giới Việt Nam - Lào nói riêng mà còn là người trực tiếp động viên con em, bà con thân thuộc và người dân trong thôn, bản chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý biên giới của nhà nước ta.

Thứ hai, để có được một đường biên giới hòa bình, hữu nghị với nhân dân các bộ tộc Lào thì điều quan trọng còn là nhân dân xung quanh khu vực biên giới cần tích cực hơn nữa trong việc chia sẻ, tạo điều kiện, giúp đỡ các lực lượng chức năng như công an, bộ đội biên phòng, lực lượng hải quan cửa khẩu .v.v. trong việc đấu tranh, phòng, chống các hoạt động vi phạm pháp luật, phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới (nhất là các loại tội phạm xâm nhập biên giới hoạt động chống phá chế độ, hoạt động mua bán các chất ma túy; mua bán phụ nữ, trẻ em...). Khi đường biên giới đã được tăng dày, tôn tạo hoàn chỉnh, công tác bảo vệ biên giới chống những hoạt động vi phạm về an ninh, về buôn bán, thương mại sẽ phải được quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa. Do vậy, các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ chủ chốt sẽ luôn là những người đầu tiên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời; đồng thời giúp đỡ, phối hợp cùng các cấp chính quyền trong mọi hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào xứng đáng là đường biên giới kiểu mẫu, hòa bình, hữu nghị, hợp tác vì sự ấm no và bình yên của nhân dân hai nước.

Ở đây, cũng cần khẳng định rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào là mối quan hệ gắn bó, sâu đậm nghĩa tình, được vun đắp và thử thách qua thời gian, qua nhiều giai đoạn lịch sử chiến tranh vệ quốc đầy hy sinh, mất mát. Không điều gì và không có thế lực nào có thể làm ảnh hưởng đến mối tình sắt son, sâu nặng nghĩa tình giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các bộ tộc Lào. Nhiều vị trưởng bản, nhiều đồng chí cán bộ của chúng ta ở khu vực biên giới còn có bà con thân thuộc hiện đang sinh sống ở các bản làng bên kia biên giới. Nhiều gia đình hiện nay và ngày mai vẫn tiếp tục dựng vợ, gả chồng cho bà con làng bản thuộc đất nước Lào. Do đó, chúng tôi mong rằng trên cương vị của mình, với uy tín của mình các vị già làng, trưởng bản tiếp tục đóng góp công sức vào việc giữ gìn, bảo vệ, củng cố mối quan hệ thân tình giữa đồng bào ta với các bạn Lào. 

PV: Đến nay chúng ta đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước Việt Nam - Lào, vậy theo đồng chí trong thời gian tới chúng ta sẽ tập trung tuyên truyền cho công tác này như thế nào?

Đồng chí Trương Minh Tuấn: Bảo vệ đường biên, mốc giới là công việc lâu dài của không chỉ của các thế hệ đi trước, mà cả thế hệ hôm nay và mai sau. Chỉ có thể duy trì sự ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực biên giới lâu dài khi đời sống của nhân dân hai bên biên giới ngày càng sung túc, thịnh vượng hơn. Ngoài trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền, chúng tôi mong các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn xứng đáng là những người đi đầu, là những tấm gương tiêu biểu trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Bằng uy tín của mình, khuyến khích con em mình chịu khó, chăm chỉ học hành để có kiến thức trong cuộc sống, sau này trở thành người có ích cho xã hội, góp phần bảo vệ quê hương, bảo vệ biên giới của mình; khuyến khích bà con trong việc trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh...để nâng cao mức sống cho gia đình; tích cực tham gia và ủng hộ chính quyền trong các hoạt động văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ...

Hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước Việt Nam - Lào là thành tích chung của các lực lượng làm công tác phân giới, cắm mốc, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ đang sinh sống, công tác trên vùng biên, là thành quả chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Vì vậy cùng với việc tuyên truyền kết quả công tác phân giới, cắm mốc, chúng ta cần tích cực tăng cường tuyên truyền tình đoàn kết keo sơn gắn bó, thủy chung, son sắt; không ngừng vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

PV: Xin cảm ơn đồng chí./.

Tuấn Đạt (Thực hiện)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất