Thứ Hai, 23/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 24/9/2013 14:26'(GMT+7)

Hoàn thành công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về biên giới Việt Nam - Lào

Đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: QT)

Đồng chí Trương Minh Tuấn - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: QT)

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu là cán bộ chủ chốt, các già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng… tại 8 huyện, 36 xã biên giới của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp giáp với các địa phương thuộc 4 tỉnh:
Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muồn của nước bạn Lào...

Hội nghị có sự tham dự của gần 300 đại biểu. (Ảnh: QT)


Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc nhấn mạnh: Khu vực biên giới là địa bàn chiến lược, quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, những năm qua đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhiều mặt, song so với các khu vực khác thì còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Để việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân vùng biên giới, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín là hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết, các trưởng bản, người có uy tín ở các thôn, bản biên giới, đội ngũ cán bộ các xã khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, các đội liên ngành khu vực biên giới càng phải cố gắng phát huy nhiều hơn nữa vai trò, vị thế, trách nhiệm của mình trong công tác biên giới; cùng với nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về biên giới.

Công tác bảo vệ, quản lý đường biên, mốc giới sẽ đạt hiệu quả cao nếu như đội ngũ cấp huyện, cấp xã cùng đông đảo các vị già làng, trưởng bản, những người có uy tín nơi thôn, bản đồng tâm, nhất trí; là tấm gương cho đồng bào trong các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ từng cột mốc, đường biên, an ninh biên giới; tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và cho quê hương, đồng thời không ngừng giữ gìn, phát huy tình cảm tốt đẹp với nhân dân các bộ tộc Lào ở bên kia biên giới.

Đây là Hội nghị cuối cùng trong chuỗi 5 hội nghị được tổ chức ở các địa phương có đường biên giới trên bộ với nước CHDCND Lào. Hội nghị cũng nhằm triển khai kết quả Cuộc họp thường niên lần thứ XXII giữa hai đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào, Cuộc họp vòng 5 Ủy ban Liên hiệp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, trên cơ sở hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa Việt Nam - Lào.

Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào: Phỏng-sả-lỳ, Luổng-pha-bang, Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muồn, Sa-vắn-nạ-khệt, Sả-lạ-văn, Sê-kông và Ắt-tạ-pư. (Riêng tỉnh Nghệ an có vị trí đặc biệt quan trọng, vì là tỉnh có đường biên giới dài nhất trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào với chiều dài 419 km, có 105 vị trí mốc và 116 mốc quốc giới và 06 cọc dấu).

Dân cư sống hai bên biên giới đa phần là nhân dân các dân tộc ít người, sống thưa thớt tại các làng, bản rất xa nhau và xa đường biên giới. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc của hai bên còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu. Giao thông đi lại giữa hai bên và trong khu vực biên giới rất khó khăn, hầu như chưa có đường giao thông cơ giới (trừ một vài khu vực cửa khẩu; đông dân cư; một số đường có từ thời chiến tranh; hoặc có đường lâm nghiệp mới mở theo thời vụ đã xuống cấp nhiều…). Các khu vực gần biên giới có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đối với hai nước. Nhân dân hai nước ở khu vực biên giới từ lâu đã có sẵn mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành giới thiệu các chuyên đề: Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực biên giới trên địa bàn; Kết quả hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Lào và những quy định về thương mại biên giới; Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào và kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa giữa hai nước; Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo giai đoạn 2012 - 2015; Tình hình an ninh biên giới Việt Nam - Lào và kết quả công tác vận động quần chúng của bộ đội biên phòng; Những vấn đề đặt ra với chính quyền và nhân dân khu vực biên giới.../.


Tuấn Đạt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất