(TG) - Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 80% dân số tham gia BHYT; 50% lao động tham gia BHXH và 35% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, thì nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp...
Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại chương trình Toạ đàm "Công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, giai đoạn 2012-2020" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 25/9, tại TP. Hồ Chí Minh.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều thống nhất với đánh giá: Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển KT-XH của đất nước; số người tham gia BHXH, BHYT tăng lên; việc thực hiện chi trả lương lưu và chế độ BHXH đã có nhiều cải tiến tích cực; quyền lợi người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng... Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, như: Nhận thức của người dân về BHXH, BHYT chưa cao, chất lượng phục vụ đối với BHYT còn khiến nhiều người dân chưa hài lòng; hình thức, nội dung tuyên truyền chưa phù hợp, thiếu tính thiết thực; công tác quản lý và sử dụng quỹ BHXH thiếu chặt chẽ; tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT còn nhiều...
Các đại biểu cũng cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT trong những năm qua vẫn hầu hết tập trung ở khu vực dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, là đến năm 2020 cả nước có 80% dân số tham gia BHYT; 50% lao động tham gia BHXH và 35% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp; tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về BHXH, BHYT...
Đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng: Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp với lực lượng báo chí, trong đó chủ động cung cấp thông tin về BHXH, BHYT cho báo chí để tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; cần tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu về BHXH, BHYT bằng nhiều ngôn ngữ phù hợp, cung cấp trực tiếp cho các chủ doanh nghiệp người nước ngoài; chú trọng đưa những kiến thức, chủ trương về BHXH vào trường học nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên...
Bên cạnh những giải pháp trên, việc tích cực cải tiến - nâng cao chất lượng phục vụ (cả về chế độ và thái độ phục vụ) đối với các đối tượng tham gia BHXH, BHYT cũng có ý nghĩa quyết định đến sức lan toả sâu rộng về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các đơn vị cố tình làm trái khi thực hiện chính sách BHXH, BHYT; biểu dương kịp thời các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể có tinh thần trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT
Trưởng Đại diện cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh - ông Đào Văn Lừng khẳng định, để công tác tuyên truyền về các chính sách BHYT, BHXH trong thời gian tới đạt được đúng với định hướng và lộ trình đã nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW, thì nhiệm vụ trước mắt thuộc về các cấp ủy đảng. Sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ Đảng và cơ quan chức năng sẽ quyết định đến tiến độ, hiệu quả của công tác tuyên truyền; giải thích, giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn những quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết và mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH, BHYT.../.
Đến tháng 8/2013 Việt Nam có gần 61,32
triệu người tham gia BHXH và BHYT (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2012)
trong đó số người tham gia BHYT tự nguyện là 50.552.300 người và 153.300
người tự nguyện tham gia BHXH. Toàn ngành Bảo hiểm xã hội thu được hơn
96.403 tỷ đồng, tăng 17.456 tỷ đồng (22,1%) so với cùng kỳ năm 2012, đạt
65,6% so với kế hoạch. |
Trung Nguyên