Thứ Ba, 26/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 23/6/2016 17:18'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi hành vi không sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm

Đồng chí Bùi Thế Đức phát biểu khai mạc Hội thảo

Đồng chí Bùi Thế Đức phát biểu khai mạc Hội thảo

Chiều 23-6, tại Lào Cai, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với tổ chức Traffic đã tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong công tác tuyên truyền thay đổi hành vi không sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Thế Đức khẳng định,  Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra những chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường... trong đó có những nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm nhằm phát triển bền vững đất nước. Hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong cả nước đang tích cực triển khai học tập Nghị quyết nhằm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. 

Chủ đề Ngày môi trường thế giới (5/6) năm nay “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” với mục đích là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến công dân toàn cầu về điểm giới hạn của hệ sinh thái trên Trái Đất, hơn bao giờ hết cần sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ động, thực vật hoang dã. 

Song, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã - hành động đã và đang làm suy thoái nguồn đa dạng sinh học quý giá, đe dọa sự sống còn của các giống loài quý hiếm như voi, tê giác và hổ cũng như nhiều loại động, thực vật khác đang gây một làn sóng phản đối dữ dội ở nhiều quốc gia. Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh học, cướp đi những di sản, mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Việc giết hại và buôn lậu còn làm suy yếu nền kinh tế, gia tăng tổ chức tội phạm, tham nhũng và bất ổn trên toàn cầu. Những loài mang tính biểu tượng được ghi danh vào sách đỏ như voi, tê giác, hổ, khỉ đột và rùa biển và một số loài ít được biết đến như chim mỏ sừng, tê tê và các loài lan rừng đang bị đe dọa bởi lợi ích của con người. Nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng và cộng đồng nhằm bảo vệ các chủng loài đã có một số thành công nhất định, tuy nhiên động, thực vật hoang dã vẫn có nguy cơ cao bị tuyệt chủng, bất chấp những chiến dịch phối hợp quốc tế đã được triển khai, đã ảnh hưởng đáng kể đến chính sách và đầu tư trong việc bảo tồn và thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học.

 
 Toàn cảnh Hội thảo

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã là góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường, cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước;  để bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước, góp phần vào nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của các nước trên thế giới, Việt Nam đã sớm tham gia nhiều công ước quốc tế có liên quan, như: Công ước về vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như nơi cư trú của loài chim nước RAMSAR, 1971; Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES); Công ước về đa dạng sinh học, 1994; Công ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hoá (Cop 21),… 

Đến nay, có thể nói Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Nhưng trên thực tế, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của chúng ta tiếp tục bị suy thoái, các loài động, thực vật quý hiếm tiếp tục bị biến mất khỏi Trái đất hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nguyên nhân một phần là do chúng ta chưa nhận thức một cách đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của các loài động, thực vật hoang dã. Công tác tuyên truyền để mọi người hiểu và nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường nhất là bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã còn nhiều hạn chế. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe giới thiệu và báo cáo phân tích một cách khoa học về vai trò của động, thực vật hoang dã trong cân bằng sinh thái; tìm hiểu thực trạng buôn bán động, thực vật hoang dã tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội của việc buôn bán bất hợp pháp để từ đó, giúp cho việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen tiêu thụ động, thực vật hoang dã và thái độ ứng xử đối với môi trường thiên nhiên.

Trình bày chuyên đề Bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm -  những vấn đề đặt ra, PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh,  buôn bán động vật hoang dã là một món lợi khổng lồ đe dọa các loài động vật hoang dã. Những loài quý hiếm nhất và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất lại chính là những loài có nhu cầu tiêu thụ cao nhất và do đó được bán với giá cao ngất ngưởng. Bất chấp luật pháp quốc tế và trong nước ngăn cấm buôn bán động vật hoang dã, số tiền lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán mang lại khiến cho những kẻ săn bắt và buôn bán trái phép tiếp tục đẩy những loài sinh vật quý hiếm vào bờ vực của sự tuyệt chủng.

Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện của Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: Quyết tâm của Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với các hành vi phạm tội về động, thực vật hoang dã đã góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng và đặc biệt đã giúp giảm thiểu mối đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài động, thực vật hoang dã tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc truyền thông thay đổi hành vi trong toàn xã hội là rất quan trọng, góp phần định hướng cho cộng đồng có thái độ đúng đắn trong việc chống lại tội phạm về động, thực vật hoang dã, một hình thức tội phạm đang có những tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, môi trường sống bền vững, các giá trị về di sản văn hóa, hình ảnh và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

 
 Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện của Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam
 tham luận tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên đã nêu những khó khăn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Theo đồng chí cho biết, cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực từ lâu đời, bởi vậy các hoạt động sử dụng tài nguyên thiên nhiên mang tính truyền thống, đã từ lâu đời nay nhân dân trong các xã vùng đệm vẫn quen dựa vào tài nguyên trong VQG Hoàng Liên như: Chặt cây lấy gỗ, lấy củi, lấy cây dược liệu, đốt than, săn bắt động vật hoang dã, canh tác cây Thảo quả và tự do chăn thả đại gia súc trong Vườn Quốc gia, khai thác lâm sản ngoài gỗ trái phép: Khai thác để bán, Khai thác cho nhu cầu hàng ngày. Theo thống kê sơ bộ hiện nay có trên 90% các hộ gia đình trong vùng làm nhà bằng gỗ. Đặc biệt Mỗi hộ gia đình trong 01 năm sử dụng bình quân khoảng 9.288,4 kg gỗ củi để phục vụ cho sinh hoạt như: Đun, nấu, sưởi ấm,… 4.362 hộ gia đình của 6 xã vùng đệm một năm sẽ phải tiêu tốn khoảng 40.516.001 kg gỗ củi (tương đương hoặc 67.527 m3 gỗ). Vườn Quốc gia Hoàng Liên là vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao nhất Việt Nam. Cháy rừng là một trong những nguy cơ lớn gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học. Hàng năm, có hàng chục ha đất rừng bị cháy, nguyên nhân tất cả các vụ cháy đều do các hoạt động (đốt nương làm rẫy, đun nấu, sấy thảo quả trong rừng, đốt rừng để lấy tro bón cho cây trồng) bất cẩn của người dân gây ra…  Tất cả các thôn bản của các xã trong khu vực vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên đều có tình trạng thả rông gia súc gia cầm.

Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Lược, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm ở Lào Cai. Đó là, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, tác động đến hành vi của người dân đối với vấn đề bảo vệ thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, nhất là cấp cơ sở trong bảo vệ thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Tổ chức các lực lượng, mô hình quản lý, bảo vệ rừng, động, thực vật một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm dân cư và hoạt động kinh doanh của địa phương. Xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án về bảo vệ môi trường, cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của người nông dân, phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Trong thời gian tới, Lào Cai phát triển mạnh các ngành du lịch, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng cây dược liệu trên núi cao, mở rộng kinh tế đối ngoại qua biên giới...Các hoạt động đó cũng làm cho tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm. Những kết quả và kinh nghiệm bước đầu nêu trên sẽ được bổ sung, hoàn thiện để Lào Cai tiếp tục bảo vệ có hiệu quả môi trường thiên nhiên, bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm, phát triển kinh tế bền vững.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận kỹ về những giải pháp bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững tài nguyên và môi trường Việt Nam. Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như vị trí, vai trò của đa dạng sinh học, các loài động, thực vật hoang dã đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tạo dư luận xã hội lên án, phê phán nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. 

Quán triệt sâu sắc, nghiên cứu cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương , Kết luận 02-KL/TW của Ban Bí thư trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và tăng cường kiểm soát buôn bán, tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã; tuyên truyền phổ biến các quy định trong Bộ Luật hình sự sửa đổi 2015 giúp nhân dân ý thức được tội phạm vi phạm pháp luật và các quy định về bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm là tội phạm nghiêm trọng.

Tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Xây dựng các chiến dịch, chương trình tuyên truyền bảo vệ các loài động vật nguy cấp quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như hổ, tê giác, gấu, tê tê…; tổ chức các hội nghị, hội thảo; đặt các pano, áp phích ở các cơ quan, công sở và những nơi công cộng…; đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn các loài hoang dã, nguy cấp quý hiếm vào các nội dung sinh hoạt của chi bộ; phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí; mở các chuyên trang, chuyên mục trên website đảng cộng sản, tạp chí tuyên giáo… , đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở. 

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung sức bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. Đưa nội dung tuyên truyền bảo vệ các loài động thực vật hoang dã vào cuộc vận động toàn dân xây dựng nếp sống mới ở cơ sở; nội dung các quy ước, hương ước bảo vệ môi trường thiên nhiên tại các địa phương, cơ sở. 

Tăng cường đưa nội dung giáo dục tình yêu thiên nhiên, tình yêu động vật hoang dã, giúp người dân, học sinh, sinh viên hiểu được những mối đe dọa đối với các loài tê giác, hổ, tê tê hay các loài động vật hoang dã khác của Việt Nam do hành vi săn bắt, buôn bán trái phép, thu hẹp môi trường sống; không sử dụng sừng tê giác, cao hổ hay vẩy tê tê, sử dụng các loại thuốc thay thế; không sử dụng động vật hoang dã làm đặc sản vì điều này thúc đẩy hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã; không mua động vật hoang dã để làm vật cảnh... từ đó hình thành ý thức cho các học sinh ngày từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và mỗi học sinh, sinh viên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực đối với gia đình và những người xung quanh. 

Thứ hai, rà soát, thống nhất các quy định về bảo vệ động, thực vật hoang dã;  Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động, thực vật hoang dã, tiến tới loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật; hướng dẫn thực hiện Luật Hình sự, ban hành các quy định và chế tài đủ tính răn đe, phòng ngừa tội phạm; nghiêm trị hành vi khai thác, đánh bắt, săn bắn, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng; nghiên cứu lại việc cấp giấy phép đối với hoạt động gây nuôi các loại động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để tránh tạo sơ hở cho các đối tượng lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc động vật hoang dã đã được mua gom trái phép để kinh doanh buôn bán. Nghiên cứu tiến tới ban hành văn bản Luật chuyên biệt, đảm bảo tính thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và phù hợp các yêu cầu của Công ước quốc tế về bảo vệ động, thực vật hoang dã; thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt nhất các loài động vật hoang dã tại Việt Nam, đảm bảo sự tồn tại, phục hồi và phát triển của chúng.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Rà soát và thực hiện tốt sự phân công, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin; hình thành và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ Đội biên phòng, An ninh hàng không, Cơ quan quản lý Cites VietNam, INTERPOL, ASEAN-WEN… để trao đổi, chia xẻ, phối hợp xử lý thông tin về đối tượng và tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với tội phạm môi trường, tập trung vào các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng.

Thứ tư, kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm... Đầu tư trang thiết bị cho các lực lượng giúp việc theo dõi, phát hiện các hoạt động tội phạm nhằm đấu tranh với các loại tội phạm vi phạm pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã. Xét xử nghiêm minh các vụ vi phạm đảm bảo tính răn đe. Tiêu hủy toàn bộ số ngà voi và sừng tê giác có tại Việt Nam từ các vụ bắt giữ.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Phối hợp với các cơ quan ngoại giao, cơ quan cảnh sát các nước và các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Xây dựng và triển khai các điều ước, cam kết quốc tế; tổ chức và tham gia các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: bảo tồn voi, hổ, tê giác... mà Việt Nam đã tham gia.

Từ kết quả của hội thảo Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nghiên cứu và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nói riêng.

Đồng chí Bùi Thế Đức cũng đề nghị sau hội thảo, các cơ quan báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng cần có những chuyên trang, chuyên mục, những thời lượng nhất định với những hình thức phong phú nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên và môi trường, tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại động, thực vật hoang dã.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất