Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 4/8/2015 16:54'(GMT+7)

Đẩy mạnh tuyên truyền kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 4-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên khu vực phía Bắc tháng 8. Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe TS. Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Chính phủ thông tin về Tình hình Biển Đông thời gian gần đây, dự báo tình hình Biển Đông trong thời gian tới; Tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia, dự báo tình hình trong thời gian tới. Đồng chí Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin về kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự báo tình hình về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Theo TS. Trần Công Trục, Việt Nam giáp với Biển Đông ở 3 phía: phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam. Bờ biển nước ta dài 3.260 km, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang với các vùng biển và thềm lục địa, tính trung bình cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km bờ biển.

Chủ quyền quốc gia gồm 2 nội dung: quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia  có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Moi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác, cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nếu điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết không có quy định khác.

Chủ quyền quốc gia trên biển cũng bao hàm những nội dung cơ bản nói trên.

Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền của mình một cách tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn ở trong vùng Nội thuỷ và thực hiện chủ quyền  một cách đầy đủ, toàn vẹn ở trong Lãnh hải . Bởi vì, Nội thuỷ được coi là bộ phận đất liền như ao hồ, sông suối, các vùng nước năm trong đất liền. Lãnh hải cũng được coi là lãnh thổ biển cua quốc gia ven biển. Ranh giới ngoài của Lãnh hải là biên giới quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của Lảnh hải.

 Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi Vùng đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền lãnh thổ, mang tính chất chủ quyền. Trong khi đó, quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi  chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền.

Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Mai Văn Ninh đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về tình hình Biển Đông, cần tuyên truyền làm rõ Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình theo luật pháp quốc tế, theo Công ước Luật Biển năm 1982, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tăng cường sự đồng thuận, tạo sức mạnh đoàn kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và Tổ quốc thân yêu.

Về tình hình biên giới Việt Nam – Campuchia, đồng chí Mai Văn Ninh đề nghị đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền về mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia. Vấn đề biên giới giữa hai nước được thực hiện theo nguyên tắc đám phán, hữu nghị, hòa bình, bảo đảm theo cơ sở pháp lý có xem xét thực tế.

Về kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Mai Văn Ninh nhấn mạnh, trong chuyến thăm vừa qua, Tổng Bí thư đã có 23 hoạt động rất phong phú, thực chất, trong đó có các hoạt động quan trọng là cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Obama, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), gặp gỡ các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ, gặp gỡ các nghị sỹ Hoa Kỳ, thăm gia đình Cựu Tổng thống Bill Clinton, gặp gỡ bạn bè cánh tả có cảm tình với Việt Nam... Nhìn tổng thể, chuyến thăm có dấu ấn đậm nét, với kết quả rất toàn diện, thực chất.

 

Thứ nhất, về chính trị, chuyến thăm góp phần tăng cường lòng tin chính trị, qua đó thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở các vấn đề đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên như nhân quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh.... Xây dựng lòng tin và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau là một điểm nhấn quan trọng. Tổng thống Barack Obama đã vui vẻ nhận lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thứ hai, hai bên đã cùng đánh giá quan hệ song phương sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xác định tầm nhìn quan hệ cho thời gian tới; bàn thảo về việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, biến đổi khí hậu, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện, làm cơ sở đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là khuôn khổ quan trọng, định hướng tầm nhìn quan hệ hai nước theo hướng tích cực, lành mạnh, ổn định. Tổng Bí thư và đoàn đã tham dự một cuộc tọa đàm và một cuộc gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, qua đó chuyển tới Chính phủ và giới đầu tư Hoa Kỳ thông điệp mạnh mẽ là Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước.

Thứ ba, qua chuyến thăm, hai bên đã trao đổi và chia sẻ quan điểm, nhận thức về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ tư, chuyến thăm góp phần quan trọng triển khai chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc gặp gỡ rất cảm động, ấm tình quê hương giữa Tổng Bí thư với bà con kiều bào là một thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào ta ở nước ngoài.

Đồng thời, qua chuyến thăm này chúng ta đã khẳng định một cách mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất