Nhân Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1/8), trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục, tuyên truyền, báo chí… và cả những lãnh đạo, chỉ huy thuộc lực lượng vũ trang hay người dân đều rộn lên quanh chủ đề sức thuyết phục và chính những người đi vận động, thuyết phục nhân dân.
Câu chuyện dài trong năm qua ở Quảng Trị về giải quyết đền bù, hỗ trợ những người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển là một ví dụ. Qua 3 đợt đền bù, cả tỉnh Quảng Trị không có chuyện gì gay cấn, khiếu kiện đáng kể xảy ra và mọi việc diễn ra thuận hòa. Ấy là do chính sách rành rõ lý, tình; do công tác điều tra tìm hiểu kỹ, tỉ mỉ của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ngược lại, cũng có nơi, có địa phương vẫn để xảy ra những thắc mắc, suy bì, tị nạnh; không thiếu chuyện không thông, chuyện không làm đến nơi đến chốn. Vậy nên làm cho dân hiểu, dân tin, dân cảm nhận được sự minh bạch, công bằng đương nhiên không phải là chuyện dễ.
“Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”, phương châm truyền thống này đã và đang được vận hành đồng bộ, tạo nên thành công ở các tỉnh bắc miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng. Phải nắm chắc, nắm đến chi tiết chủ trương, chính sách chung đã đành mà còn phải bám sát, biết rõ hoàn cảnh của từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình. Và quan trọng nữa, không một ai, không một nhóm công tác nào dù thông thạo đến mấy có thể lập tức giúp cho người dân thông hiểu cả trên giấy tờ, sổ sách đến cõi lòng. Không phải chỉ cán bộ, đảng viên mà cần phải giúp cho chính những người dân nói chuyện với nhau, những người cùng cảnh phân tích, thuyết phục lẫn nhau.
Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) kể rằng, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên, hội viên hội phụ nữ ở cơ sở đều chính là người dân. Các lớp tập huấn, các đợt sinh hoạt thường kỳ giúp cho họ hiểu chủ trương, chính sách thì chính họ sẽ là người giải thích, thuyết phục hiệu quả nhất đối với gia đình, họ hàng, làng xóm của mình. Ngược lại, họ cũng là người biết rõ hoàn cảnh, những thắc mắc, những sơ suất, sai sót cụ thể để kịp thời thông báo, phản biện trong quá trình thực thi ở cơ sở.
Giống với cách làm trong quá trình chi trả tiền đền bù trên là vô vàn công việc thực hiện cuộc vận động lớn xây dựng nông thôn mới. Chỉ khi tất cả bà con, lối xóm cùng trao đổi, tính toán thiệt hơn thì họ mới đồng tình hưởng ứng từng việc cụ thể của thôn, làng, hợp tác xã hay doanh nghiệp. Tiếng nói của chủ trương, chính sách đến được với họ, thực sự trở thành việc của họ thì chính họ sẽ tự nguyện chấp hành, góp sức thực hiện. Những câu chuyện hiến đất làm đường, làm trường, trạm, trồng cây, trồng hoa, dọn và đổ rác, giữ trật tự, an toàn thôn xóm… diễn ra nơi nơi chính là câu chuyện người dân thông hiểu, bảo ban, giúp đỡ nhau cùng làm mà thành.
Tương tự vậy là những câu chuyện phố phường cùng trông nhau, bảo nhau thì vỉa hè, lòng đường mới vào nếp ngăn nắp…
Dù đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng có đông bao nhiêu, tài giỏi bao nhiêu mà “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, không có sự chung lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, thì công tác tư tưởng sẽ khó hoặc không thành công. Khi đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng kết nối, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể là họ đã thực sự trở thành nòng cốt của công tác này. Từ đó mọi cán bộ, đảng viên, nhân cốt tiến bộ hòa mình trong dân để gây dựng, truyền lan thành những câu chuyện người dân thuyết phục người dân./.
Nguyễn Mạnh (Báo QĐND)