Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 27/9/2011 21:27'(GMT+7)

Sở hữu hiện vật lịch sử: Đừng quá câu nệ

Hiện vật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Đông Sơn.

Hiện vật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Đông Sơn.

“Mỹ thuật Đông Sơn” là cuộc triển lãm do những nhà sưu tập tư nhân kết hợp với các nhà nghiên cứu của Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tổ chức. So với sự đa dạng của các nền văn minh thời tiền, sơ sử thì triển lãm “Mỹ thuật Đông Sơn” mới chỉ là sự hội tụ của một phần rất nhỏ những công trình, hiện vật của nền Văn minh Đông Sơn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nguồn gốc xuất xứ của hiện vật không phải từ bảo tàng mà từ những nhà sưu tập tư nhân.

“Chúng tôi muốn xã hội hóa toàn bộ tức là mọi người có đồ, là của người ta. Còn mối quan hệ giữa người ta với nhà nước là mối quan hệ giữa hai thực thể mà nhà nước phải có trách nhiệm. Về phía những nhà nghiên cứu như chúng tôi thì chúng tôi rất cảm ơn họ vì không có họ chúng tôi sẽ không có tài liệu nghiên cứu”- ông Nguyễn Việt, Giám đốc trung tâm tiền sử Đông Nam Á, phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm Mỹ thuật Đông Sơn ngày 26/9.

Điều đó có nghĩa rằng, những cổ vật, hiện vật do cá nhân sưu tập cũng có giá trị lịch sử và tư liệu rất lớn bên cạnh những hiện vật đang được đặt trong các bảo tàng, khu lưu trữ.

Phản ánh một hiện tượng đang xảy ra trong thực tế, ông Nguyễn Việt cho biết thêm: “Tại sao ở đây gần như rất ít hiện vật của bảo tàng mà chủ yếu là các hiện vật sở hữu của tư nhân. Mặt tích cực ở chỗ, nếu không có tư nhân nào đó yêu mến lịch sử và có đủ tiền để mua thì hoặc là sẽ “chui vào” các lò nấu đồng, và nó sẽ biến mất hoàn toàn. Hoặc, cổ vật có thể rơi vào tay người người nước ngoài, vì tới 90% hiện vật ở đây không phải trong nước mà chúng tôi phải sang Mỹ, sang Thụy Sĩ, sang Pháp…”.

Rõ ràng, sở hữu cá nhân hay sở hữu thuộc Nhà nước về hiện vật lịch sử là không quá câu nệ về mặt pháp lý. Vấn đề ở đây là chúng ta phải biết phát huy giá trị của những cổ vật trong tay những cá nhân để sao cho nhân dân vẫn là người được chiêm ngưỡng và hiểu được giá trị của nó.

Theo quan điểm của Giáo sư sử học Lê Văn Lan, sự luân chuyển cổ vật thông quan mối quan hệ mua bán là bình thường và phải đảm bảo được tính pháp lý. Điều đó có nghĩa rằng, khái niệm mua bán cổ vật sẽ không còn xa lạ. Giáo sư nhấn mạnh: “Một cổ vật, hiện vật hay một thực thể nào đó muốn tăng cường giá trị, muốn phổ cập, nhất định nó phải được luân chuyển chứ không phải nằm im một chỗ. Ta đang nói về đồng tiền bây giờ cũng thế. Ở các bảo tàng nước ngoài mà tôi có dịp tới, thấy đầy rẫy cổ vật của Việt Nam. Chúng ta sẽ mua lại những thứ họ đã mua của chúng ta. Kinh doanh là ở chỗ đó. Sự luân chuyển cổ vật làm tăng giá trị cho nó cũng bằng con đường này”.

Nền văn hóa cũng giống như “thương hiệu” của một dân tộc. Hiện vật là những minh chứng cho một nền văn hóa trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Vì vậy di sản văn hóa được xem là một thứ hàng hóa có giá trị. Nếu như chỉ trông chờ hoàn toàn vào việc khai quật thì bức tranh toàn cảnh của một nền văn hóa sẽ là sự khập khiễng.

Anh Trần Uyên Thế - phụ trách phòng nghiên cứu khoa học, Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Toàn cảnh về mỹ thuật thời kì Đông Sơn hiện nay đang bị vụn như bánh đa. Đấy cũng là số phận của các nền văn minh. Khi phát triển rực rỡ thì nó phát tán. Thế nhưng, đối với một đất nước, cần phải hội tụ nó lại. Đứng về mặt nhà nước, ví dụ như Trung Quốc chẳng hạn, họ bỏ rất nhiều tiền để mua các cổ vật bên ngoài. Tất nhiên văn hóa là cái nhìn rất toàn cục, nó là sự giao lưu, giao thoa lẫn nhau”.

Cuối cùng vẫn là câu chuyện đã không còn mới: bài toán về sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân về vấn đề sở hữu hiện vật lịch sử. Trong thực tế, cần có hướng giải quyết hợp tác, công bằng, công khai giữa hai lực lượng này. Sự phối hợp giữa hai lực lượng sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước về hiện vật lịch sử là rất quan trọng để rồi hợp lại chúng ta có được tổng hòa các lực lượng mà chỉ có lợi cho lịch sử, cho văn hóa nước nhà. Được hưởng lợi nhất vẫn là quần chúng nhân dân, vì họ sẽ được tiếp cận với sự đa dạng của văn hoá dân tộc./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất