Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 25/9/2011 10:13'(GMT+7)

Văn hóa hỗ trợ, cứu trợ

 

Một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam là tinh thần “thương người như thể thương thân”. Từ xưa đến nay, trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở mỗi cộng đồng dân cư, tinh thần cưu mang đùm bọc hỗ trợ những người nghèo khó luôn tỏa sáng. Dân gian có câu “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Giúp đỡ chia sẻ những người khốn khó, cơ nhỡ đã trở thành một hoạt động tự giác, thể hiện tấm lòng nhân ái “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Truyền thống cao đẹp đó đã góp phần tạo nên sức sống và sức mạnh vĩ đại của dân tộc ta.

Ngày nay, với sự nỗ lực chung, chất lượng đời sống của người dân nhìn chung mỗi ngày một ổn định, mỗi ngày một nâng cao. Tuy nhiên vẫn thường xảy ra những khó khăn “cục bộ” do bệnh tật, do hoàn cảnh riêng, do thiên tai. Mặt trái của kinh tế thị trường tạo ra những tiêu cực xã hội. Sự phân chia giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi. Mọi chủ trương chính sách của Đảng, mọi sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đều nhằm mục đích người dân có nhiều điều kiện thoát nghèo, làm giàu chính đáng và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội được thu ngắn lại.

Đây là thực tế hiển nhiên, hiện thực rõ ràng. Và, thực tế cũng cho thấy, góp sức cùng chính quyền các cấp để người dân vượt khó, thoát nghèo còn có những hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Những năm qua, hình ảnh các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội đến với các vùng bị thiên tai để chung tay góp sức chia sẻ khó khăn, giúp người dân sớm vượt qua đau thương, mất mát đã để lại những ấn tượng đẹp về tinh thần tương thân, tương ái của văn hóa Việt.

Tuy nhiên, để sự hỗ trợ, cứu trợ có sức lan tỏa hơn nữa, cao đẹp hơn nữa, rất cần giữ vững chuẩn mực về văn hóa hỗ trợ, cứu trợ. Người Việt có câu “của cho không bằng cách cho”. Trong cứu trợ, hỗ trợ rất cần có lòng tự trọng từ hai phía. Người Việt cũng có câu ngạn ngữ “Giấy rách giữ lề”. Tự trọng luôn là một phẩm chất hàng đầu của đạo đức. Khó khăn đến mấy vẫn phải giữ tự trọng. Người được hỗ trợ, cứu trợ trước khi nhận vật chất phải cảm nhận được tấm lòng cưu mang nhân ái không vụ lợi của người cho. Người đến cứu trợ, hỗ trợ đương nhiên cũng phải thể hiện rõ tấm lòng tình nghĩa không vụ lợi. Đó là tự trọng của người cho.

Nói gọn lại, bản sắc của văn hóa hỗ trợ, cứu trợ là tình nghĩa, không vụ lợi. Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp, trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, cứu trợ là một đạo lý sống của người Việt, dẫu không nói ra nhưng ai cũng biết. Do vậy, người đời cảm thấy buồn phiền khi có vài ba doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc cứu trợ, hỗ trợ để quảng cáo, để “đánh bóng” tên tuổi. Hiện tượng này đã từng xuất hiện ở các đợt cứu trợ thiên tai những năm trước đây. Rất mong hiện tượng này không còn nữa./.

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất