Thứ Sáu, 20/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Sáu, 27/2/2009 3:44'(GMT+7)

Chưa phải là tất cả

Không có cuộc phỏng vấn nào cả, hơn nữa lâu lắm không gặp nhau rồi, nhưng tình cờ đọc bài viết của anh (một đạo diễn chuyên nghề truyền hình) trên tờ Sài gòn giải phóng, thấy đúng là phim truyền hình có nhiều điều vui thật. Nhưng cũng từ chuyện vui đó mà thấy vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn thật. Chờ dịp gặp nhau e lâu, nên đành vô phép mượn mặt báo nhảy vào lĩnh vực của các anh nói đôi lời.

Sau nhiều năm vất vả, đến nay cộng tất cả mọi nguồn, một năm nước ta cũng đã sản xuất được trên dưới một nghìn tập phim truyền hình, mỗi tập 45 phút, đủ để lấp đầy 30% thời lượng dành cho phim trên các đài truyền hình.

Đây là một chỉ tiêu ngành truyền hình được giao, vài năm trước còn là một giấc mơ đẹp, chưa mấy người dám nghĩ tới có lúc nó thành sự thực. Ấy thế mà rồi nó đã thành sự thực, vui chứ.

Văn nghệ là thứ cả thèm chóng chán, phim ta có mặt đúng vào lúc người xem đã bắt đầu chán phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc và cả phim Mỹ quốc nữa, thế cũng là mừng chứ. Ta đã vượt qua cái đận sợ thiên hạ nhiều thứ.

Về độ dài, phim Việt khi cần cũng hàng trăm tập chưa hụt hơi. Về mảng miếng nghề, nhiều bài vỡ lòng về thủ thuật kéo dài phim, thủ thuật có cái để xem, thủ thuật dụ khán giả, thủ thuật gài quảng cáo… đã khá thành thạo, không đến nỗi nào. Về quản lý, việc tổ chức để ra được một phim không còn quá lúng túng. Về kỹ thuật, kỹ sảo chưa thể nói bằng lòng, nhưng gì cũng phải từ từ.

Vậy còn gì nữa nhỉ? Còn một chuyện nể nhau, rất khó nói trước mặt các tác giả nhưng trong lòng thì canh cánh, đó là chất lượng phim, nói nôm na, phim ta mới nhiều về số lượng, còn thì vẫn bị chê quá. Chê kịch bản kém. Chê đạo diễn vừa lười vừa biết rất ít về cuộc đời nên phim về hôm nay mà cứ lạ hoắc. Chê diễn viên hời hợt, tắc trách, lại quá ít, loanh quanh chính diện phản diện; cảnh quê cảnh tỉnh vẫn chỉ ngần ấy người. Chê bối cảnh, phục trang, đạo cụ vừa xấu vừa giả tạo.

Chê chính sách với nghề phim loay hoay chưa thoát khỏi cái "dớp" xin - cho, người giữ tiền thì không hiểu nghề phim, người làm phim thì không có tiền. Nước người ta, một tập  phim truyền hình ngót triệu đô, ta 10 nghìn đô vẫn như là thóc giống đãi gà rừng.

Tóm lại, tiếng chê còn nhiều, hơn thế đáng để ý là mọi lời chê lâu nay đều nhằm vào chất lượng phim, ít ai phàn nàn về phim ít, không đủ chiếu. Nghĩa là phim ít, để phim ngoại lấn phim nội là điều khó chấp nhận nhưng thà phim ít nhưng phim nào ra phim ấy còn hơn nhiều mà quấy quá, làm cho xong việc.

Chạy theo số lượng, lấy thời lượng làm chỉ tiêu quyết toán, bình xét thi đua, chia tiền thưởng, tưởng như vô hại nhưng đến một lúc nào đó sẽ phải giật mình vì chính ta đang làm hỏng thị hiếu của công chúng ta, làm mất uy tín của phim ta trên quốc tế.

Bởi phim truyền hình, nói cho cùng là một câu chuyện được kể bằng hình ảnh dùng để phát sóng truyền hình. Vì chủ yếu được dùng cho màn ảnh nhỏ nên phim truyền hình có những qui tắc chặt chẽ về thời lượng từng tập, về không gian, về mục đích thương mại khác với phim nhựa, không thể xem nhẹ. Cũng vì là phim phát sóng, hiệu quả thương mại không phải lúc nào cũng rạch ròi nhưng yêu cầu chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Cho nên, cũng có thể là "có voi đòi tiên" nhưng trộm nghĩ, tăng về số lượng chỉ là chuyện bước đầu, rất… bước đầu, chưa phải là tất cả mọi điều./.

(Theo: Vũ Duy Thông/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất