(TCTG)- Trong 12 con giáp của năm, con vật nào cũng có vị trí bình đẳng như nhau, đều là biểu tượng của những gì tốt đẹp. Vậy cớ sao lại đặt ra câu hỏi: Chuột nhỏ hơn Trâu hay Trâu lớn hơn Chuột?
Phải chăng tâm lý con người hay thích: Con Hổ (Dần) nhảy xa, con Rồng (Thìn) bay cao, con Ngựa (Ngọ) chạy nhanh? Người ta cũng quý con Dê (Mùi) hiền hoà, con Mèo (Mão) mẫn cán, con Khỉ (Thân) tinh khôn, con Gà (Dậu) chăm chỉ, con Chó (Tuất) trung thành, con Rắn (Tỵ) giàu sức tự vệ. Chuột và Trâu là hai con giáp đi liền kề nhau, nhưng tầm vóc và tính cách đều không giống nhau.
Hỏi Chuột nhỏ hay lớn hơn Trâu là có ý so sánh, thành tựu, khó khăn và cả triển vọng của hai năm Mậu Tý 2008 vừa qua và Kỷ Sửu 2009 sắp tới.
Đó là hai năm đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 do Đại hội X của Đảng đề ra.
Năm 2008 được coi là năm bản lề. Tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm trong hai năm đầu, 2006 và 2007, là rất khả quan. Riêng 2007, kinh tế tăng trưởng 8,48% so với năm 2006; hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Về mặt quốc tế, Việt Nam đã gia nhập WTO và được bầu làm uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Có cơ sở để chúng ta nêu mục tiêu phấn đấu cho năm 2008 đẩy mạnh hơn nữa nhịp độ tăng trưởng GDP với mức tăng từ 8,5% đến 9%/năm, đồng thời hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, tạo tiền đề và điều kiện để hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm ngay trong năm 2009.
Ý chí con người là mạnh. Nhưng điều chúng ta chưa lường hết là những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế thế giới và sự tác động tiêu cực của nó đến kinh tế nước ta. Từ những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, những dấu hiệu đầu tiên của sấm chớp và giông bão đã nổi lên. Giá dầu thô, giá lương thực, giá nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, những thứ mà nhập khẩu của ta đang cần, đều tăng cao. Người ta cảnh báo nhiều nhất hai cuộc khủng hoảng về năng lượng và về lương thực.
Trong nước ta, giá tiêu dùng trong năm 2007 tăng lên 12,63%. Ba tháng đầu năm 2008, mức tăng bình quân mỗi tháng là 3%. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm dần lại, quý II đã xuống mức dưới 5,9%.
Cái khó làm ló cái khôn. Sự tỉnh táo của Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện trong việc kịp thời điều chỉnh kế hoạch nhà nước, từ nhiệm vụ đẩy nhanh tăng trưởng đã chuyển thành nhiệm vụ trọng tâm đột xuất: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.Chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5% đến 9% đã được điều chỉnh xuống còn 7%.
Chú Chuột Mậu Tý đã có cơ hội bày tỏ sự năng động của mình. Một năm nỗ lực phấn đấu của toàn dân, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực. Từ quý III năm 2008, nhịp độ lạm phát giảm dần lại, nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhích dần lên. Con số cuối năm cho biết lạm phát ở mức 19,9% (ba tháng 10, 11 và 12 là con số âm) dưới mức dự báo ban đầu 24-25% trở lên. Kinh tế tăng trưởng khoảng 6,23%. Xuất khẩu và cam kết đầu tư nước ngoài đều tăng cao. Ổn định kinh tế vĩ mô về cơ bản được giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm ở mức độ nhất định bằng nhiều chính sách cụ thể.
Những thành tựu đạt được làm cho bầu trời đông Mậu Tý bớt đi màu ảm đạm và tăng thêm phần sáng sủa.
Trong thời khắc chuyển giao giữa Mậu Tý 2008 và Kỷ Sửu 2009, chú Chuột không thể tự mình so sánh với Bác Trâu, con giáp vẫn được coi là sức dài, vai rộng. Nhưng chú hiểu rằng chú đã gồng mình lên để giành lấy những gì có thể giành được. Đồng thời gánh nặng mà Chú trao lại cho bác Trâu là rất lớn. Khó khăn và thách thức còn nhiều lắm. Những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát và duy trì tăng trưởng trong năm 2008 vẫn còn chưa vững chắc. Trong khi đó, cơn bão tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ập tới, làm khốn đốn nhiều nền kinh tế lớn từ Mỹ đến Châu Âu và Nhật Bản. Kinh tế nước ta không thể ở ngoài cuộc, khi mà nó đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tác động của cơn bão toàn cầu ấy đối với nước ta không nhỏ. Thị trường tiêu thụ của thế giới thu hẹp đồng nghĩa với việc ta phải đối mặt gay gắt trên nhiều lĩnh vực. Sự giảm sút đà tăng trưởng của xuất khẩu nước ta. Các luồng vốn đầu tư của nước ngoài và khả năng giải ngân các luồng vốn ấy cũng bị hạn chế nhiều.
Dẫu sao trong thách thức cũng nảy sinh cơ hội. Kinh tế Châu Á, mà Việt Nam là một bộ phận vẫn đang được coi là khu vực duy trì được mức tăng trưởng khá cao, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Về thương mại, giá vật tư, nguyên liệu và nhiên liện giảm sẽ tạo thuận lợi cho ta trong hoạt động nhập khẩu. Về đầu tư nước ngoài, xu hướng chung là các dòng vốn sẽ chảy vào những nơi có tình hình chính trị và kinh doanh ổn định mà Việt Nam có lợi thế này. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn cho rằng khó khăn Việt Nam đang gặp là tạm thời, còn về lâu dài, vẫn có nhiều triển vọng phát triển. Hơn 5 tỷ USD vốn ODA mà Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế (CG) 2008 mới đây cam kết cho Việt Nam trong năm 2009 là một minh chứng.
Mục tiêu kinh tế - xã hội Đảng và Nhà nước đề ra cho năm 2009 vẫn là: tiếp tục phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Vậy là hai năm Mậu Tý và Kỷ Sửu đều có chung một chủ đề phát triển kinh tế - xã hội. Song cái chất bên trong cũng có sự thay đổi. Chúng ta vẫn phải giữ vững cán cân giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhưng thay vì kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, chúng ta phải tập trung nhiều, cố gắng hơn nữa cho việc duy trì tăng trưởng, coi tăng trưởng bền vững là động lực để dần đưa nền kinh tế đến chỗ phục hồi. Trong khi tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ một cách linh hoạt, chúng ta phải đồng thời thực hiện tốt các chính sách về kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm ngăn chặn đà suy giảm của tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. So với 2008, các chỉ tiêu đề ra cho năm 2009, như GDP tăng 6,5%, xuất khẩu tăng 13%, đầu tư toàn xã hội đạt 39,5% GDP… tuy giảm về tốc độ nhưng số lượng tuyệt đối vẫn cao. Chỉ có sự phấn đấu hết sức mình mới bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu ấy.
Cái đích hướng tới phải là năm 2010, hoàn thành tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu thế kỷ XXI. Đó là năm con Hổ Canh Dần, năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Câu hỏi Trâu có lớn hơn Chuột không, sẽ được trả lời bằng cuộc phấn đấu quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm Kỷ Sửu này.
Mùa Xuân bao giờ cũng là mùa của hy vọng và niềm tin./.
Xuân Kỷ Sửu 2009
Hà Đăng