Thứ Sáu, 20/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Chủ Nhật, 15/2/2009 18:45'(GMT+7)

Nhầm tâm linh với mê tín

Vừa ăn rằm tháng Giêng, người ta đọc thơ ra rả sao bác lại xoay sang chuyện xin xăm xin quẻ?

Bức xúc quá mới phải nói. Có nhẽ hiếm có quốc gia nào mê tín như nước ta. Tháng Giêng vào mùa lễ hội kéo sang tận mùa hè. Hàng vạn đình, đền, chùa miếu làng, hàng ngàn danh thắng tỉnh, hàng trăm di tích quốc gia, nơi nào cũng nườm nượp người đi khấn vái cầu may, xin đủ mọi thứ.

Lao động thời vụ mê tín tăng hẳn: Nghề làm nhang trầm, làm hàng mã, làm xôi... chèo thuyền chở khách ở chùa Hương, mang vác ở mạn ngược, múa thần tài ở thành phố, photocopy sách bói, dịch vụ nước ngọt, bia, rượu, heo quay, gà luộc, đồ xôi, đúc oản, HDV (hướng dẫn viên) dỏm, và ăn mày thuê (bóc lột lao động trẻ em trắng trợn)... đều khởi sắc tưng bừng.

Du lịch nội địa thắng đậm! Chưa có thống kê nhưng cứ nhẩm tính trong 3 tháng ăn chơi có hàng 10 triệu lượt người đi cúng vái, mỗi lượt người chi tối thiểu 100.000 đồng thì có phải nước ta đã đốt 1.000 tỉ không? Chả rõ thần linh phù hộ được bao nhiêu. Chắc là "lõm" nặng.

Xưa ít học, lắm lúc nông nhàn người ta ưa cúng vái, chứ thời nay khoa học tiên tiến, công nghiệp kỷ luật nghiêm, nhà nuớc pháp quyền làm ăn có kỷ cương kế hoạch, giờ giấc, lộ trình... thì cái sự xin xỏ trời ơi ấy phải bớt đi mới đúng, sao nó lại bùng phát thế nhỉ?

Thì xưa cũng có câu "phú quý sinh lễ nghĩa" mà. Giàu có lên một chút là lễ lạt rình rang. Có chút danh, chút chức là khói hương nghi ngút. Tâm lý tham lam xin "trời, phật, thánh và thần", những thế lực siêu nhiên, các vị ta chẳng quen biết gì phù hộ cho được thêm. Mà cũng là một cách làm sang!

Kinh tế thị trường chóng mặt, giàu nhanh nghèo nhanh, may rủi rình rập từ trong nhà ra ngoài nước. Ta tự bươn trải, tự tin bao nhiều thì hoang mang muốn nương tựa vào "thần thánh" bấy nhiêu. Thắng thì tạ ơn. Bại thì tìm nơi an ủi. Giải xì-trét mà bác!

Đến nhiều cơ quan nhà nước còn có ban thờ. Động thổ tất phải cúng thổ địa, làm nhà tất nhiên xem phong thuỷ, vào vụ làm ăn, cưới hỏi nào cũng xin quẻ, xin săm, tính ngày, tính giờ, khấn tổ tiên độ trì...

Phu nhân đại quan, đại gia mê cúng vái bậc nhất. Bà bác tôi đốt vàng mã cho chồng vốn là vị tướng hẳn hoi, đủ từ áo quần, ôtô, TV, tủ lạnh, dép đi trong nhà... quên mất cái điện thoại còn khấn thêm: Ông ở dưới đó chịu khó gọi nhờ bác H. (nguyên một thứ trưởng) nằm cùng nghĩa trang. Tuần sau tôi xin sắm đủ!".

Tổ hưu cùng mấy bà sồn sồn thiết kế tour mê tín liên hoàn 12 cái chùa, đền và miếu trải 6 tỉnh thành. Kế hoạch đến rằm tháng 3 mới kết thúc. Ngân sách chi tiêu mỗi người bằng mấy tháng lương.

Lãng phí thì đúng rồi nhưng bói toán cũng nhiều khi đúng "ra phết" đấy anh ạ! Cuối tháng 12, tôi xin quẻ nói năm tới tán tài, không nhiều nhưng hay gặp, thì y như rằng từ năm 2009 áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Nhuận bút trừ đứt 10%! Ông bác sĩ bên cạnh xem tử vi. Thầy bảo cần đề phòng tai nạn giao thông. Trên gác xuống vào toalét ngã đánh oạch. Bó bột 2 tháng. Đi cầu thang vào buồng tắm không là tham gia giao thông sao?
 
Em nghe nói tổng thống, nguyên thủ nhiều nước còn có "bốc sư" riêng nữa kia. Có tờ báo còn có mục tử vi hàng tuần dự đoán tuổi Sửu tuần này gặp ai, nên mặc áo màu gì, ăn gì... Lại ối mục bói quẻ dịch, xem thiên văn đoán thời tiết vận mệnh quốc gia cả năm. Gọi là "khoa học dự đoán". Mà dự đoán cụ thể khoa học như dự đoán giá gạo, triều cường, mưa nắng, còn sai toét thì dự báo "huyền học" có sai lệnh chút ít cũng chẳng ai phiền. Năm nào cũng nên cúng sao giải hạn. Nhỡ có thánh thần thật thì sao! "Có kiêng có lành" là tâm lý của không ít người mình đó.

Nói thế thì đây xin hàng. Nhưng chắc chắn tâm linh không phải là mê tín. Các tôn giáo, các đoàn thể, chính quyền, các nhà huyền học đều kêu gọi chống mê tín, song có nhẽ phải quyết liệt đưa vào giáo dục phổ thông thì vài thế hệ sau mới đỡ cái tệ tin xằng./.

Theo Nguyễn Bỉnh Quân (Lao động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất