Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 18/4/2013 21:32'(GMT+7)

Di sản văn hóa trong dòng chảy đời sống

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (người đứng giữa) và các nghệ nhân trẻ phường Xoan An Thái - TP. Việt Trì - Phú Thọ.  (Ảnh: VGP/Mai Hồng)

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (người đứng giữa) và các nghệ nhân trẻ phường Xoan An Thái - TP. Việt Trì - Phú Thọ. (Ảnh: VGP/Mai Hồng)

Phú Thọ hiện có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan”. Trong những biến thiên lịch sử hàng nghìn năm qua, việc thờ cúng các Vua Hùng và Hát Xoan đã được nhân dân giữ gìn và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính sự lưu truyền ấy đã làm nên giá trị của di sản.

Bên cạnh đó, như một lẽ tự nhiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan lại có sự hòa quyện mật thiết: trong dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm đều không thể thiếu hát Xoan. Điều này cũng góp phần làm cho di sản được bảo tồn và phát huy giá trị.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, không chỉ còn là huyền thoại, trong tâm thức của cộng đồng người Việt, Hùng Vương vừa là Quốc tổ, vừa là bậc thánh, vừa là người lập nước và người chăm lo cho dân, dạy dân làm ăn. Vì vậy, Vua Hùng vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi với cộng đồng các dân tộc Việt Nam bắt đầu từ thuở hồng hoang. Đó là ý nghĩa sâu xa để dân tộc Việt Nam tự hào cùng chung tổ tiên, nòi giống, cùng vun đắp và xây dựng một ngôi đền để tỏ lòng tưởng nhớ và cứ vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm lại hành hương về vùng đất Tổ tri ân công đức các Vua Hùng.

Lòng biết ơn cha ông của người Việt Nam đã đạt đến độ tín ngưỡng và hình thức thờ cúng thành tâm linh thiêng đã trở thành một di sản văn hóa tâm linh đặc sắc Việt Nam nhưng lại mang tính đại diện cho cả nhân loại. Đó là, dân tộc nào cũng có điểm khởi đầu, ai cũng có cội nguồn và chính tính đại diện “lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội” trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Trong đời sống, cùng với việc thờ cúng ở Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, các Vua Hùng còn được cư dân thờ cúng ở hàng trăm thôn, làng trên địa bàn Phú Thọ nói riêng, nhiều địa phương trong cả nước nói chung. Thế là, Vua Hùng không chỉ là Quốc tổ mà còn được tôn thờ là thành hoàng làng.

Trên đất Phú Thọ, ở thôn Hoàng Long, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, hằng năm, người dân tổ chức thờ cúng Hùng Vương vào mùng 7 tháng Giêng và 7 tháng Tám âm lịch với ý nghĩa là thành hoàng của làng. Trong ngày đó, người dân rước kiệu, mổ lợn làm lễ cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Ở thôn Vĩnh Bộ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao vào ngày 15/2 âm lịch hằng năm người dân đều tổ chức giỗ thành hoàng làng là chàng rể thứ 18 của Vua Hùng. Còn ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, hằng năm dân làng đều tổ chức giỗ Mẫu, đấng sinh thành của Vua Hùng vào ngày 10/2 với lễ vật dâng cúng là bánh chưng, bánh giày.

Không chỉ ở Phú Thọ, nơi có khoảng 100 đền thờ Vua Hùng, trên cả nước còn có trên 1.400 di tích thờ Vua Hùng, thờ các bậc danh nhân liên quan đến thời đại Hùng Vương và nhiều đền thờ Vua Hùng được đồng bào ta ở nước ngoài xây dựng. Đây chính là nơi diễn ra nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt và UNESCO đánh giá rất cao điều này. Nó khiến hình thái “phi vật thể” (không phải là hình thái vật chất) hiện hữu và quan sát được, đồng thời nó cũng diễn ra hết sức tự nhiên trong đời sống hằng ngày của cộng đồng dân tộc.

Như vậy có thể nói, di sản văn hóa đã được bảo tồn, gìn giữ và giá trị của di sản thể hiện ở chỗ đã làm cho lòng biết ơn tổ tiên trở thành sức mạnh đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tinh thần này được truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Phú Thọ còn có di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 là “Hát Xoan”. Đây có thể coi là “của riêng” ở vùng đất này.

Hình thức "Diễn xướng dân gian hát Xoan" là sản phẩm của đời sống tinh thần bắt nguồn từ sinh hoạt của cư dân trên vùng đất Phú Thọ từ thời Nhà nước Văn Lang với sự trị vì của các đời Vua Hùng truyền nối.

Nội dung của những bài Xoan nói về ước mơ, khát khao tình yêu, hạnh phúc, lòng kính trọng tiên tổ, lời cầu mong mùa màng tốt tươi của nhân dân. Cùng với lời bài hát là những động tác minh họa (điệu múa) được lựa chọn tinh tế để Hát Xoan trở thành một nghi thức nghiêm cẩn, mang tính chính thống, có sức truyền cảm làm giàu thêm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của lối hát thờ vua, thờ thần.

Vấn đề đặt ra là khi những yếu tố về không gian và thời gian gắn với lối diễn xướng dân gian đã lùi xa thì làm thế nào chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị của di sản?

Phú Thọ đã có những hành động để bảo tồn di sản này.

Trước hết, ở phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu (1 trong 4 phường Xoan cổ ở TP. Việt Trì), các nghệ nhân đã truyền dạy Hát Xoan (nữ học hát, múa, nam học hát, học đánh trống). Riêng nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, năm nay hơn 60 tuổi, trong năm 2012 đã truyền dạy Hát Xoan cho 20 lớp học. Còn ở phường Xoan An Thái, cứ tối thứ Bảy và Chủ nhật, các cháu thiếu nhi, học sinh THPT trong phường được học Hát Xoan, có em theo học đã 4-5 năm.

Hiện ở Phú Thọ có 69 nghệ nhân Hát Xoan trên 60 tuổi và họ đều sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Theo ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ, cùng với việc phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, địa phương sản xuất những chương trình để tuyên truyền về Hát Xoan trên truyền hình, tỉnh cũng xuất bản sách, đĩa CD, VCD để quảng bá Hát Xoan.

Tỉnh Phú Thọ đã vinh danh 34 “Nghệ nhân Hát Xoan” đầu tiên trong năm 2012, đồng thời chuẩn bị kế hoạch đưa Hát Xoan vào trường học với những hình thức phù hợp.

Di sản văn hóa, nhất là di sản phi vật thể, nếu không được trao truyền sẽ không tồn tại./.

Mai Hồng (VGP)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất