Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 9/7/2014 20:51'(GMT+7)

Di sản với du lịch tâm linh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Tâm linh là một phạm trù xã hội  vì vậy nó phát triển theo tiến trình của lịch sử mà con người là chủ thể cho cuộc vận hành phong phú và hấp dẫn ấy. Từ buổi hồng hoang của nhân loại, con người cổ xưa đứng trước những hiện tượng của thiên nhiên kỹ vĩ như sấm, chớp, mưa, bão, lụt lội, ánh sáng của mặt trăng, mặt trời và chứng kiến giữa cái sống, cái chết của đồng loại, con người chỉ biết cầu xin, vái lạy theo tư duy tự phát để mưu cầu sinh tồn.

Sau này do quá trình vận động, sáng tạo trong lao động như ngôn ngữ giao tiếp, hái lượm, săn bắt, trồng trọt con người đã biết cải tạo thiên nhiên để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên nhiều vấn đề mà con người chưa giải thích được trong thiên nhiên như biến đổi bất thường của thời tiết như động đất, lũ lụt, hạn hán, sấm sét, ngày đêm, ốm đau, sinh sản con cái, tất cả đó họ cho rằng là có một siêu nhiên nào đó ngoài thế giới vật chất mà loài người đang sống đó là những đấng thần linh và đã đi vào tâm thức con người, "thiên thần và nhân thần" một phạm trù ý thức hệ xã hội trong thế giới nhân loại và sự thật đã mang tính quy luật đó là tâm linh. Kéo theo đó, một hệ thống vật chất cũng được xuất hiện để phục vụ tâm linh như nhà thờ của tôn giáo, đền, đình, miếu mạo, ca múa, nhạc cụ, ở đó nó phản ảnh lô gích một phạm trù có tích mới có trò có nghĩa là sự kiện nảy sinh người ta mới dựng kiến trúc để lễ bái, thờ cúng, múa hát v.v...

Và sự di chuyển của con người từ nơi này đến nơi khác để tỏ lòng thành kính với nghi thức cúng bái, tôn vinh, chiêm ngưỡng, cảm thụ, giao tiếp, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,... đã trở thành phong tục, thói quen mang tính truyền thống đời này sang đời khác. Với cách thức di chuyển mang tính tâm thức ấy đã trở thành khái niệm du lịch tâm linh, và tính phổ biến toàn cầu đã được biểu cảm thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống xã hội của con người. Với ý nghĩa ấy của tâm linh mà nhiều thế kỷ, thế giới đã có những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ du lịch tham quan thưởng ngoạn hành lễ, thông qua vật thể như di sản kiến trúc, di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể tín ngưỡng về niềm tin, ước nguyện.

Tại Hội nghị Quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững ở Hà Nội vừa qua trong bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đoạn: "Việt Nam coi du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, một nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực các mục tiêu phát triển đất nước. Tín ngưỡng trong văn hóa được coi là giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch tâm linh, đồng thời là sợi dây kết nối tâm hồn người Việt Nam với bạn bè quốc tế". Như vậy, du lịch tâm linh được biểu hiện mấy mặt sau đây. Phát triển du lịch tâm linh không những bản thân nó là một hoạt động văn hóa tinh thần mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, một nguồn thu tích cực cho nền kinh tế quốc dân.

Ở nước ta, sau khi thống nhất nước nhà, Bắc Nam liền một dải, quan hệ quốc tế được mở rộng, Đảng, Nhà nước có chủ trương tự do tín ngưỡng, phát huy giá trị cao đẹp của văn hóa truyền thống như lễ hội, quan hệ dòng họ, tôn giáo, phục hồi văn hóa vật thể, phi vật thể theo hướng tích cực, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa tâm linh trong nước và quốc tế nhất là tinh thần đoàn kết quốc tế, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, là bạn với các nước trên thế giới, mặt khác, tăng nguồn thu hợp lý thông qua hoạt động du lịch tâm linh phát triển bền vững phạm vi cả nước.

Du lịch tâm linh ở nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Vĩnh Phú, Quảng Ninh,... đã có nhiều cách làm phong phú đã dạng có hiệu quả xã hội cũng như thu nhập đáng kể nhất là các lĩnh vực tư nhân. Du lịch cộng đồng theo hình thức xã hội hóa để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững, nhiều địa phương đã có những biện pháp, cách thức cho bước đi chiến lược trong đó chú trọng đến du lịch tâm linh, một thế mạnh của ngành du lịch nhất là những nơi có nhiều di sản văn hóa lịch sử, các điểm du lịch như Đền Hùng, Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Lam Kinh (Thanh Hóa) v.v... Những điểm du lịch trên hằng năm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành lễ ngày càng đông, tạo ra những sức hấp dẫn mới cho xu thế hội nhập phát triển. Nhiều tỉnh thành đã có quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cho việc đầu tư tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể, các cơ sở hạ tầng được mở rộng theo hình thức xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đầy đủ. Nếu nói đến sản phẩm du lịch đầy đủ phải tính đến các yếu tố cấu thành như là đường xá, phương tiện giao thông đi lại, môi trường quan hệ giao tiếp ứng xử, cách thức quảng bá giữa du khách với nhân viên du lịch; Nơi người ta đến tham quan phải là nơi có dịch vụ ăn, nghỉ, tiếp đón tốt, an ninh trật tự, mua sắm hàng lưu niệm, văn hóa ẩm thực, môi trường xanh sạch... Đến với di sản, du khách còn muốn tham quan làng nghề, khu tưởng niệm, hưởng thụ văn hóa phi vật thể, dân ca, dân vũ,... đó là những yếu tố cơ bản cấu thành nên sản phẩm du lịch đầy đủ.

Để làm tốt mục tiêu trên, các địa phương tỉnh, thành ngoài việc quy hoạch tổng thể, cần có kế hoạch chi tiết, lộ trình, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng kinh tế xã hội của địa phương xác lập một cơ chế, chính sách thật sự trong thông ngoài thoáng mới tạo thuận lợi cho du khách tham quan và thu hút được đối tác đầu tư. Mặt khác nhà nước cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ chuyên sâu nhất là kiến thức về lịch sử, bảo tồn bảo tàng, năng khiếu thuyết minh có sức truyền cảm hấp dẫn cho ngành du lịch.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của địa phương và có thiết chế, tổ chức chuyên nghiệp rất cần có sự liên kết, liên doanh với các địa phương và vươn xa đến các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia,... nhằm quảng bá thế mạnh của di sản văn hóa Việt Nam đến bạ bè quốc tế. Một sản phẩm du lịch đầy đủ nó sẽ khẳng định tính bền vững của nó trong xu thế phát triển chung của hội nhập quốc tế về văn hóa tâm linh.

Để chuyển nhanh tốc độ phát triển du lịch tâm linh bền vững có hiệu quả cần đẩy mạnh xã hội hóa chuyên ngành này vừa có chiều sâu và chiều rộng. Xã hội hóa trong di lịch là nhà nước và nhân dân cùng làm. Do đặc thù của ngành du lịch mà tính chất xã hội hóa có những sắc thái riêng là ở chỗ vừa cảm thụ về tinh thần vừa hưởng thụ về văn hóa vật chất như các kiến trúc cổ, tượng phù điêu hội họa với vẻ tâm linh. Xu thế phát triển du lịch cộng đồng là nhân dân tự sáng tạo cách làm dưới sự quản lý của nhà nước, người dân là người được hưởng thụ kinh tế và phúc lợi xã hội khác từ xã hội hóa. Xã hội hóa ở đây là nhân dân tự bỏ công sức, vật lực, tài lực tùy theo sức của mình để làm du lịch nhất là sản phẩm từ làng nghề sinh thái, phong tục sinh hoạt sản xuất, văn hóa hành chính làng xã cổ xưa, nghi thức cúng lễ, hiếu hỉ gia đình,... Thực tế nhiều nơi làm rất tốt như Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tính, Hà Nội, các tỉnh đồng băng sông Cửu Long...

Xuất phát được hưởng lợi từ du lịch mang lại mà nhiều gia đình đã tự học ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga, Trung Quốc để giao tiếp với du khách nước ngoài. Nhiều người nước ngoài như Mỹ, Pháp, Nga, Đức đến với du lịch cộng đồng họ đã trải nghiệm những hoạt động tâm linh như cúng lễ, hội hè tại những nơi như đền chùa, miếu mạo, một loại di sản tâm linh rất phong phú, hấp dẫn và để lại những ấn tượng sâu sắc đối với họ.

Để đưa hoạt động du lịch tâm linh bền vững, nhà nước mà trước hết là các địa phương những nơi như Đền Hùng, Yên Tử, Chùa Bái Đính, Hoa Lư, Huế, Lam Kinh là những vùng đất thiêng kinh đô, ở đó du khách không những được tham quan mà còn hóa thân linh thiêng khi họ tham gia hành lễ. Tùy theo những đặc thù văn hóa riêng cần có những chính sách khuyến khích đầu tư, hoàn thiện nghi thức tâm linh vừa truyền thống, vừa tiên tiến, đồng thời có những chủ trương quảng bá, đào tạo người dân làm du lịch tâm linh cộng đồng có nghiệp vụ chuyên sâu, nhằm đưa hình ảnh di sản phi vật thể này trở thành thế mạnh của Việt Nam "văn hóa tâm linh" đối với bạn bè quốc tế.

Du lịch tâm linh có hiệu quả cao là tính "chân, thiện, mỹ" càng phải được hoàn thiện sâu sắc trên mọi lĩnh vực xã hội từ cách thức hoạt động của người làm du lịch góp phần quan trọng cho du khách. Xuất phát từ mục đích ấy, các nghi thức lễ hội hành lễ thờ cúng, dâng hương, giao tiếp ứng xử phải hết sức thành kính, tôn vinh và thân thiện. Những hủ tục mê tín dị đoan bói toán, đốt vàng mã, ẩm thực mất vệ sinh,... trong hoạt động lễ hội cần được phê phán, có như vậy mới tạo ra môi trường văn hoá tâm linh bền vững góp phần xây dựng đời sống xã hội lành mạnh và phát triển và bền vững. Để làm được điều đó, trong lúc này, khi mà tính hội nhập quốc tế đang có xu hướng mở rộng trên nhiều lĩnh vực thì du lịch cộng đồng cũng như nhà nước cần được xây dựng những quy chế pháp lý cụ thể hơn về di sản văn hóa tâm linh trong đời sống xã hội.

Một là, khôi phục, tôn tạo, trùng tu các hạng mục kiến trúc cổ, phải được tuân thủ theo Luật Di sản. Các tổ chức nhà nước và cộng động không nên vì một lẽ này hay lý do khác mà tùy hứng phá vỡ hiện vật gốc để thay đổi kiến trúc, kiểu dáng và chất liệu mà ông cha ta từ bao đời đã nghiên cứu tạo dựng. Những bài học như ở Hà Tây (Hà Nội), Thanh Hóa và một số địa phương khác là những bài học sâu sắc đối với cán bộ làm công tác văn hóa bảo tồn bảo tàng. Những nơi có di sản khi tôn tạo, tu bổ không việc gì phải vội vàng mà phải theo một lộ trình khoa học pháp quy của nhà nước mới tiến hành thi công.

Hai là, đối với văn hóa phi vật thể như lễ hội trong đó có văn tế, văn cúng, hát chầu văn, hát xướng, hát đối, vũ đạo v.v... kể cả cung đình, đền, chùa... đều phải căn cứ bản gốc như lời văn cho đến âm nhạc, điệu múa, tùy theo hình thức và nội dung của lễ hội để thực hiện. Tùy theo tính chất của một nghi thức lễ hội mà lồng ghép hợp lý văn hóa hiện đại vào nội dung để tạo ra sức sống mới của lễ hội, mang tính thời đại.

Có như vậy thì làm tốt công tác bảo tồn di sản tâm linh mới là làm tốt việc phát triển du lịch bền vững ở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Hoàng Hoa Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất