Trong xã hội thời nay, nhiều người nỗ lực phấn đấu, học tập, nghiên
cứu và bảo vệ thành công và nhận học vị tiến sĩ. Phần đông “ông nghè
hiện đại” tiếp tục không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu, công tác để
cống hiến cho đất nước, xã hội. Đây thật sự là những vốn quý của quốc
gia. Tuy nhiên, cũng có những người sau khi đã “vượt vũ môn” nhận bằng
tiến sĩ là coi như đã “hoàn thành nhiệm vụ” nên nảy sinh tâm lý không
cần, không muốn và không có động lực để tiếp tục học tập, nghiên cứu
nữa. Đây là một sai lầm hết sức đáng trách về nhận thức. Tiến sĩ trong
thời đại "4.0" ngày nay thực chất cũng chỉ là người mới bắt đầu đi vào
con đường nghiên cứu khoa học dài dằng dặc. Không chịu học tập, tiếp thu
cái mới sẽ bị tụt hậu và đào thải.
Không những vậy, nhiều ông nghè hiện đại lại mắc bệnh “vĩ cuồng”, tự
coi mình ở tầm “đỉnh cao trí tuệ”, “trên thông thiên văn, dưới tường địa
lý", lĩnh vực nào cũng biết, cũng am hiểu, ngay cả những lĩnh vực không
thuộc chuyên môn của mình. Đi đâu, làm gì họ cũng lôi danh xưng tiến sĩ
ra để “đe”, để “làm thầy” thiên hạ. Trong thời buổi công nghệ phát
triển như ngày nay, khi mạng xã hội đã hết sức phổ biến, những người như
vậy càng có cơ hội “thể hiện”. Trên không gian mạng, không khó để chúng
ta bắt gặp những ông nghè “biết tuốt” như thế. Họ “bắt trend” (xu
hướng) rất nhanh với những vấn đề đang được người dân quan tâm, đang gây
chú ý trên mạng xã hội. Thế nên mới có chuyện “tút” (status) này vừa
bàn chính trị, kinh tế, “tút” sau đã xoay sang văn hóa-nghệ thuật, “còm”
(comment) này luận về giáo dục, “còm” sau đã thấy “chính kiến” về giao
thông, thể thao, y tế, du lịch...
Tất nhiên, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến, vấn đề là động cơ đằng
sau đó như thế nào mới đáng bàn. Các ý kiến của một số ông nghè thoạt
đọc có vẻ tâm huyết, giàu tri thức, muốn đóng góp cho quốc kế dân sinh
nhưng khi bình tĩnh xem xét kỹ lại thì đa phần chỉ là những “xảo biện”
nhằm phô trương bản thân. Họ sẵn sàng tranh luận đến cùng với mọi người
để bảo vệ ý kiến mình cho là đúng. Đáng nói hơn, thay vì tranh luận một
cách thẳng thắn - khoa học - lịch sự, đi vào vấn đề chính, họ lại bắt từng từ, bới từng chữ, soi từng câu
của người tranh luận theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, sa vào tiểu tiết,
những chuyện ngoài lề và luôn sẵn sàng chọc ngoáy, châm biếm, giễu cợt,
hạ nhục nhân phẩm của người không đồng quan điểm để tôn cái tôi cá nhân
của mình lên, khẳng định mình như là “cái rốn của vũ trụ”. Họ bất chấp
tất cả, miễn sao những “tút”, những “còm” mình viết được nhiều lượt chia
sẻ, lượt thích; trang cá nhân có nhiều người theo dõi để trở thành một
KOL (người có ảnh hưởng đến công chúng) và lấy làm thích thú, hỉ hả vì
điều đó.
Cách đây cả thế kỷ, cụ Tam nguyên Yên Đổ đã viết: “Tấm thân xiêm áo
sao mà nhẹ?/ Cái giá khoa danh ấy mới hời!/ Ghế tréo, lọng xanh ngồi
bảnh choẹ/ Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi”. Thật đáng buồn khi ngày nay,
những câu thơ trên vẫn còn nguyên tính thời sự khi nói về những “ông
nghè hiện đại”, chuyên môn thì không chịu làm nhưng chuyên hóng hớt, bàn
luận đủ chuyện thế gian./.
TS. ĐOÀN MINH TÂM (qdnd.vn)