Nếu ví thi đua là gieo trồng thì khen
thưởng là gặt hái. Cả hai đều là động lực thúc đẩy nhau phát triển. Nếu
chỉ thi đua mà không khen thưởng thì phong trào thi đua không thể phát
triển mạnh.
Cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết, chính vì vậy mà vấn đề khen thưởng lại được bàn tán xôn xao. Không chỉ “nóng” ở nơi làm việc, buổi chiều trong khu phố, khen thưởng là chủ đề được nhiều người quan tâm. Chị bạn đang công tác tại một đơn vị sự nghiệp than thở nhiều năm liền cố gắng và cũng đạt được thành tích nhưng chưa bao giờ được khen thưởng. Ông anh ngồi kế bên bảo việc mình làm nhưng thành tích phải nhìn vào “thái độ” của sếp. Người thì nói năm nay chưa “đến lượt” khen thưởng.
Lại nhớ đến chuyện của cán bộ trung tâm giống và cây trồng ở một địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cả năm mày mò nghiên cứu, sản phẩm cũng được đánh giá cao nhưng khi bình xét thi đua cuối năm lại trượt. Lãnh đạo sở cũng thấy rõ “sự bất bình” nhưng không thể can thiệp bởi đó là ý kiến của tập thể.
Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bổ sung nguyên tắc minh bạch trong
thi đua, khen thưởng; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng
khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất,
kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới,
trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Mục tiêu của thi đua
là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy
truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên
hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc.
Có thể thấy, cùng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức nghiêm túc, chặt
chẽ, bảo đảm khen thưởng đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tỷ lệ theo quy
định; đánh giá thực chất, khách quan, dân chủ, công khai thì vẫn còn đơn
vị, tổ chức hình thành “nếp” khen thưởng “cơm lần cháo lượt”; không ít
trường hợp các danh hiệu thi đua được tập thể lãnh đạo chỉ định trước mà
bỏ qua quan điểm “lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng
lực của tập thể, cá nhân”, thay vào đó là cả nể, cảm tính, thậm chí
không loại trừ cả việc “chạy” danh hiệu thi đua bằng nhiều hình thức...
Nếu ví thi đua là gieo trồng thì khen thưởng là gặt hái. Cả hai đều
là động lực thúc đẩy nhau phát triển. Nếu chỉ thi đua mà không khen
thưởng thì phong trào thi đua không thể phát triển mạnh. Còn việc bầu
chọn danh hiệu thi đua không đúng, bình chọn những “điển hình giả” không
có giá trị nêu gương sẽ hình thành tư tưởng bình quân chủ nghĩa, không
muốn phấn đấu. Ở một khía cạnh khác, khen thưởng không thực chất sẽ làm
cho bệnh thành tích ngày càng nặng thêm, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến
mất đoàn kết nội bộ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Những người thi đua là những người yêu nước
nhất”. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Khen
thưởng của người này là “cú hích” cho người khác cố gắng khắc phục khó
khăn, cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên.
Muốn thế, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng.
Để khen đúng người, thưởng đúng việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức
phải thật sự công tâm, dân chủ, minh bạch; lấy kết quả thực hiện nhiệm
vụ làm thước đo khen thưởng và giá trị khen thưởng phải tương xứng với
thành tích. Đặc biệt, người đứng đầu phải cùng với tập thể quyết liệt
đấu tranh loại bỏ tư tưởng, hành động tranh giành khen thưởng nhằm mục
đích tư lợi, tránh tình trạng thi đua, khen thưởng có tác dụng ngược.../.
THÚY AN (qdnd.vn)