Thứ Hai, 6/5/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 17/11/2023 9:39'(GMT+7)

"Lạm phát" khá, giỏi

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Khó khăn đối với các đơn vị tuyển dụng nhân lực chất lượng cao là số sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của họ không dồi dào. Trong khi đó, theo số liệu hằng năm của các trường đại học ở Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt khá, giỏi, xuất sắc đang chiếm đa số, nhiều trường tỷ lệ này từ 90% trở lên.

Tại Hội thảo Giáo dục 2023 về chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, lãnh đạo một đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đề nghị các trường đại học xem xét lại tiêu chí đánh giá sinh viên bởi hiện nay sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi nhiều nhưng không thực chất. Trước đó đã có nhiều ý kiến đề cập đến tình trạng “lạm phát” sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi.

Trung bình, khá, giỏi, xuất sắc là các mức đánh giá rất khác nhau về chất lượng quá trình học tập, tốt nghiệp của một sinh viên. Theo lẽ thông thường, tỷ lệ này là mô hình kim tự tháp. Số khá, giỏi, xuất sắc dần theo đỉnh chóp. Nhưng thực tế ở nhiều trường đại học hiện nay, tỷ lệ này đang không phản ánh đúng quy luật. Điều này có bình thường hay không?

Lẽ dĩ nhiên, nếu đây là kết quả thực chất thì rất tốt, đáng được khích lệ. Nhưng thực tế, những kết quả này không phản ánh đúng chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Tình trạng nhà tuyển dụng phàn nàn vì khó và thiếu khi tuyển dụng nhân lực ở các trường đại học khá phổ biến. Nhiều đơn vị đã không lấy kết quả văn bằng làm tiêu chí chính mà thường tuyển dụng bằng tiêu chí, thang bảng của họ đưa ra. Sau khi tuyển dụng, hầu hết các đơn vị phải đào tạo lại. Trên thực tế, dù số sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc cao nhưng các trường đại học của Việt Nam không được quốc tế đánh giá cao, ngoại trừ một vài trường tốp đầu thực sự có chất lượng đào tạo tốt.

Kinh nghiệm của nhiều đơn vị tuyển dụng cho rằng, đối với môi trường công việc của họ, sinh viên tốt nghiệp giỏi hay khá chưa phải là điều quan trọng nhất, mới chỉ là một yếu tố. Yếu tố quan trọng nữa là sinh viên phải có kỹ năng mềm, như: Sự năng động, yêu thích công việc và môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian hợp lý; khả năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo; trình độ ngoại ngữ...

Hiện các trường đại học không có tiêu chí chung để đánh giá kết quả tốt nghiệp của sinh viên. Điều này là bình thường, nhưng nếu các trường vì chạy theo thành tích; để quảng bá và thu hút người học; vì những lý do nào đó mà đánh giá không đúng thực chất sinh viên thì vô hình trung đang gây hậu quả ngược. Cái mất về sau sẽ nhiều hơn cái được. Đơn vị tuyển dụng gặp khó khăn đã đành, nhưng chính sinh viên đó cũng không đánh giá được chính xác mình có thể đáp ứng được công việc hay không. Danh tiếng của các trường sẽ dần tự mất. Mặt khác, tỷ lệ tốt nghiệp quá cao khiến thầy cô cũng như các trường thiếu động lực trong tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học.

“Hữu xạ tự nhiên hương”. Gốc rễ vẫn là chất lượng đào tạo của các nhà trường chứ không thể vì "bệnh thành tích". Chỉ có chú trọng chất lượng, đánh giá đúng thực chất người học, đáp ứng được thực tiễn công việc mới tạo nên danh tiếng, uy tín và giá trị vững bền của nhà trường./.

NGUYỄN HÀ MY (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất