Giày thường là của các thương hiệu Ý. Nước hoa dĩ nhiên là mùi của những tên tuổi quen thuộc đẳng cấp quốc tế. Viết mang trong túi nhiều nhất là Parker. Áo hiếm hoi mới là nhãn hiệu Việt, còn hầu hết là hàng đắt tiền của nước ngoài…
Các chị nữ doanh nhân cũng vậy. Khăn choàng, giày dép, mỹ phẩm, quần áo, túi xách, mắt kiếng…, đố ai kiếm được món đồ nào các chị đang dùng là hàng Việt?
Trong thực tế, hàng Việt nhiều thứ chưa hẳn đã tạo ra niềm tin về chất lượng “như ý”, hậu mãi kém, nên khó trách người tiêu dùng, bởi họ có tiền, họ có quyền mua bất cứ những gì họ muốn. Rất nhiều món hàng cho đến nay, doanh nghiệp VN vẫn chưa sản xuất được, trong khi nhu cầu lại cao, buộc người tiêu dùng phải chọn hàng nhập.
Nhưng nghịch lý ở chỗ, các anh, các chị doanh nhân đang sản xuất những sản phẩm đang rất cần sự quan tâm của người tiêu dùng nội địa; các anh, các chị cũng đang nhiệt tình ủng hộ cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, thế nhưng lại thờ ơ với chính những món hàng của doanh nghiệp Việt. Họ thản nhiên coi việc ưu tiên dùng hàng Việt là chuyện của người khác, chứ không phải họ, những người giàu có.
Người viết từng có cơ hội gặp gỡ nhiều doanh nhân nước ngoài đang làm việc ở VN, và thấy trong họ một tinh thần dân tộc, đoàn kết rất cao, chỉ qua mỗi việc họ ưu tiên dùng thương hiệu của doanh nghiệp đồng hương. Doanh nhân Hàn Quốc sẽ đi xe Hyundai, Ssangyong Motor; xài đồ điện tử Samsung; ăn mì lạnh… Người Nhật đi xe Toyota, Honda, ăn ở sushi bar… Trong khi các doanh nhân mình mấy ai đeo trong túi cây viết Thiên Long mỗi khi ký kết hợp đồng với đối tác? Ai hãnh diện mặc bộ quần áo Việt Tiến, An Phước, Nhà Bè? Ai sử dụng nước hoa X-men? Ai mang Vina Giày?... Bỏ qua những vấn đề về chất lượng, giá cả, chuyện không xài hàng Việt thể hiện một điều các doanh nhân Việt vẫn chưa thực sự ủng hộ nhau.
Đó là chưa tính những thứ được sử dụng trong gia đình và văn phòng công ty. Hầu hết giới doanh nhân đều ưu tiên sử dụng hàng ngoại nhập, từ cái bàn, cái ghế cho đến cây cảnh ngoài vườn, tất đều là hàng ngoại.
Không ít nhà doanh nghiệp Việt sản xuất hàng Việt lại chưa mặn mòi với hàng Việt. Đến khi nào, những vướng mắc tâm lý này được tháo gỡ, thì mới góp phần đưa hàng Việt thành công trên thị trường Việt.
TN Online