Giúp kết nối với nhau một cách dễ dàng, Facebook đang vô cùng "hot" trong các lựa chọn “nhà ảo”. Khi đã vào Facebook rồi thì người dùng sẽ tốn hàng mớ thời gian cho việc chơi game, cập nhật, trao đổi, chat, thăm bạn bè, viết blog, nhắn tin... Và thế là nhiều người (chủ yếu là giới trẻ) rơi vào cảnh chểnh mảng ăn uống, bỏ bê học hành, sao nhãng công việc.
Sức hút mãnh liệt đối với giới trẻ
Ở Việt Nam, Fb mới thâm nhập thời gian gần đây, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Fb đã trở thành mạng xã hội có sức hút mãnh liệt đối với giới trẻ. Còn nhớ vào đầu tháng 7 vừa qua, khi Yahoo 360 chia tay các bloger Việt Nam, nhiều người đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối pha chút ấm ức. Rồi trong thời kỳ quá độ đi tìm nhà, nhiều người đã “mon men” đến cửa của Fb. Và thật đáng ngạc nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mạng xã hội này đã thu hút được rất đông giới trẻ Việt Nam tham gia. Những người đã sử dụng mạng này ngay lập tức gửi thư mời bạn bè khắp nơi, và chẳng mấy chốc, người ta ùn ùn kéo đến với Fb.
Không chỉ có tính năng viết blog như trên Yahoo 360, Fb còn cung cấp hàng trăm ứng dụng các loại để người dùng tha hồ vùng vẫy thoả thích. Một trong những đặc trưng của mạng xã hội là thu hút đông người thích dành thời gian cho bạn bè thì với Fb, tính năng này được phát huy tối đa. Fb cung cấp những tiện ích kết nối bạn bè không hạn chế, chat, comment trực tuyến, chơi game,... Đặc biệt, hầu hết mọi “động tĩnh” của các cá nhân đều được các thành viên khác trên Fb biết đến ngay lập tức nên giới trẻ rất thích chat bằng comment (bình luận). Các tâm sự ngắn, bài bình luận dài, web link, video, chùm ảnh đẩy lên Fb được chia sẻ trực tiếp tới tất cả những ai đã kết nối trong hệ thống bạn bè một cách chủ động chứ không thụ động như những mạng trước đây nên những người nằm trong danh sách bạn bè luôn biết đến tâm sự, hoàn cảnh, trạng thái của nhau.
Fb cũng được đánh giá là thứ được sinh viên sử dụng nhiều thứ 2, chỉ sau iPod với số thành viên 67 triệu người khắp thế giới. Sở dĩ Fb trở nên phổ biến như vậy bởi cho phép người dùng tạo ra các profile riêng, bao gồm ảnh, sở thích cá nhân, gửi tin nhắn - email, tham gia vào nhóm nói chuyện và chia sẻ thông tin với nhau rất thông minh. Chính vì vậy mà Fb ngày càng có sức hút mãnh liệt với giới trẻ.
Vì “ảo” quên “thực”
Nhưng cũng chính những cái mới mẻ và thú vị trên Fb đã khiến nhiều bạn trẻ mê mệt trong thế giới ảo mà chểnh mảng ăn uống, sao nhãng học hành và bỏ bê công việc. Bạn Thuỳ Linh, học sinh lớp 8 trường TC cho biết: Không kể là sáng, trưa, chiều, tối, hễ có thời gian rỗi là em lại vào Fb. Có nhiều thứ phải làm trên đó lắm: nào là kiểm tra tin nhắn, ghé thăm “nhà” của mọi người để cập nhật thông tin mới. Đặc biệt việc chăm sóc ruộng vườn chiếm hầu hết thời gian của em trên mạng (chăm sóc ruộng vườn là một trò chơi rất thịnh hành trên Fb). Mỗi ngày em đều vào để xây nông trại ảo, cày cấy, bán hoa quả, giết sâu và xem đã kiếm thêm được bao nhiêu tiền cho nông trại của mình. Rồi lại phải “túc trực” để canh xem có ai sang nhà mình trộm cái gì không, có hôm tối bị trộm sáng hôm sau “tức mình” phải chạy sang nhà khác “vặt” lại cây trái, hoa quả. Mất nhiều thời gian lắm.
Bạn Phi Hùng (trường CĐCNNHN) thì lại rất “mê” những câu hỏi trắc nghiệm (quiz) xuất hiện nhan nhản trên trang mạng hằng ngày. Điểm đặc biệt là chính những người sử dụng có quyền tạo ra những câu hỏi này và mời bạn bè tham gia, chính vì vậy những quiz này rất đa dạng từ chủ đề, thể loại và khi “mê” nó cũng rất khó dứt ra.
Minh Đức (trường ĐHQG) thì vào Fb không chỉ để sử dụng những tính năng đầy hấp dẫn của mạng này mà còn dành rất nhiều thời gian tìm kiếm và gửi lời mời bạn bè. Việc này không chỉ làm thoả mãn sở thích kết bạn mà anh chàng còn có mục tiêu kinh doanh vì nghe nói mới đây Công ty uSocial.net hoạt động trong lĩnh vực marketing trực tuyến có trụ sở tại Brisbane (Australia) tuần qua vừa chọc tức mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook bằng cách chào giá bán 1.000 bạn bè của một thành viên Facebook với giá 177 đôla Mỹ.
Cũng như khi tham gia các mạng xã hội khác, không ít người đến với Fb với mục đích sử dụng mạng xã hội này như một công cụ chia sẻ tiện dụng. Nhưng có một số đông người khác đang ngày càng “dính chặt” vào Fb với những trò vô bổ, tiêu tốn thời gian. Một chuyên gia tâm lý cho rằng, đối với giới trẻ (đặc biệt là học sinh) thì việc lệ thuộc vào thế giới ảo sẽ dần làm họ xa rời thực tế, mất đi khả năng tập trung vào giao tiếp với môi trường xung quanh. Và dù Fb có tiện dụng đến mấy cũng nên sử dụng một cách hợp lý vì Fb có thể khiến người chơi quên đi thế giới thực, thậm chí làm công việc chậm trễ, mất tiền mất bạc.
Hoàng Hương-VanHoaO