Thứ Ba, 15/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 30/5/2022 9:14'(GMT+7)

Doanh nhân và trọc phú

Đảng, Nhà nước ta chủ trương khuyến khích đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Đảng, Nhà nước ta chủ trương khuyến khích đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Tại buổi tiếp lãnh đạo địa phương và đối tác khách hàng của một câu lạc bộ doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, trong khi mời các đại biểu dự tiệc, một người cao hứng đứng lên nói oang oang: “Đã có ai bao chưa, nếu cần thì để tôi bao bữa tiệc này cho!”.

Người bên cạnh kéo áo nhắc anh này nên tế nhị chuyện tiền bạc, bởi việc đó đã có câu lạc bộ lo, nhưng anh không nghe, còn nói to hơn: “Có sao đâu! Tính tôi thẳng, không thích màu mè, nghĩ sao nói vậy!”. Không khí đang vui tự nhiên chùng hẳn, nhiều khách mời tự ái ra về. 

Câu chuyện trên thể hiện văn hóa ứng xử của người được gọi là “doanh nhân” ấy rất kém. Đó là một kiểu khoe mẽ, bỗ bã, thiếu kỹ năng ứng xử. Qua đó cho thấy, anh ta tuy giàu có về vật chất nhưng văn hóa thì vẫn còn rất “nghèo”. Những chuyện tương tự như vậy xảy ra không hiếm. Nhiều người gặp thời, làm ăn phất lên nhanh chóng. Sự giàu có quá nhanh khiến họ trở nên khệnh khạng, suồng sã, ăn chơi... kiểu “trọc phú”, rất phản cảm.

Đảng, Nhà nước ta chủ trương khuyến khích đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Đây là điều kiện thuận lợi để công dân khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tăng. Người làm chủ hoặc có cổ phần, tham gia quản lý doanh nghiệp được gọi là doanh nhân. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, cho thấy số lượng doanh nhân trên cả nước là rất lớn. Đa số các chương trình hướng nghiệp dành cho doanh nhân khởi nghiệp hiện nay đều hướng đến trang bị kỹ năng, nghệ thuật kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ vốn và các điều kiện kỹ thuật, pháp lý... Rất hiếm những hình thức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng văn hóa cho doanh nhân. Điều này vô hình trung tạo nên những lỗ hổng lớn về văn hóa trong đời sống doanh nghiệp, doanh nhân.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế trong phát triển. Để chủ trương của Đảng đi vào đời sống, phải có sự vận hành thông suốt từ cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế, việc tư vấn, bồi dưỡng, giáo dục văn hóa doanh nhân còn nhiều hạn chế, chưa được coi trọng đúng mức, nhất là ở khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nhân trở thành một tầng lớp xã hội mới, có sứ mệnh ngày càng vẻ vang đối với sự phát triển của đất nước. Hai tiếng “doanh nhân” hàm chứa một giá trị văn hóa, thể hiện sự trân trọng, kỳ vọng của xã hội dành cho tầng lớp này. Điều đó đòi hỏi, mỗi doanh nhân, bên cạnh các tiêu chí lượng hóa về kinh tế, cần có một “phông” văn hóa tương xứng, trước hết là văn hóa ứng xử. Có văn hóa ứng xử mới có văn hóa cống hiến, nhân ái, thượng tôn pháp luật, bảo đảm cho phát triển bền vững.

Văn hóa doanh nhân thể hiện văn hóa dân tộc. Môi trường văn hóa doanh nhân là một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc. Việc tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử văn hóa dành cho doanh nhân phải dựa trên nền tảng chung ấy để cụ thể hóa vào môi trường doanh nghiệp, doanh nhân. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái...”. Để doanh nhân thực sự là người có văn hóa, phong phú về tâm hồn, giàu tình thương và lòng nhân ái, điều quan trọng trước hết và trên hết là từ ý thức rèn luyện của mỗi người. Thiếu văn hóa thì dù có giàu đến mấy cũng chỉ là những trọc phú mà thôi.

Xã hội cần doanh nhân, không cần trọc phú!./.

Phan Tùng Sơn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất