Thứ Năm, 21/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 8/10/2012 21:4'(GMT+7)

Giải thưởng Sách hay lần 2 - năm2012: Khẳng định uy tín

Một số cuốn sách đoạt giải Sách hay lần 2 - năm 2012

Một số cuốn sách đoạt giải Sách hay lần 2 - năm 2012

Chọn sách hay giúp người đọc

Mỗi tháng, ở Việt Nam có thêm hàng trăm cuốn sách ra đời. Trong biển sách mênh mông không có quá nhiều sách hay. Vậy, làm thế nào tìm được sách hay? Giải thưởng Sách Hay đã ra đời và tự đặt trên vai sứ mệnh kết nối để mọi người có thể chia sẻ và tiếp nhận tri thức, thông qua việc giới thiệu và tìm kiếm sách hay.

Giải thưởng Sách hay lần 2-năm 2012, với 7 hạng mục giải thưởng được trao. Mỗi hạng mục giải thưởng đều bao gồm 2 giải: giải cho sách viết và giải cho sách dịch. Ngoài ra, còn có một giải thưởng khác do Hội đồng trao giải xét tặng là giải Dấu ấn mới. Mỗi hạng mục giải thưởng sẽ có một Hội đồng xét tuyển giải thưởng (là các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực thuộc hạng mục trao giải). Hội đồng trao giải Sách hay năm nay là: GS Chu Hảo, TS Quách Thu Nguyệt, Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn và nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung. Với tiêu chí chất lượng nội dung được đặt lên hàng đầu cho nên điều kiện trao giải rất mở rộng, đó là: Sách được xuất bản bằng tiếng Việt hợp pháp ở Việt Nam từ sau 30/4/1975 (xuất bản lần đầu hay tái bản), sách không vi phạm Luật pháp Việt Nam và các công ước, điều luật quốc tế về bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, Giải thưởng sách hay lần 2-năm 2012 gồm:

Hạng mục “Sách nghiên cứu”: “Bàn về tự do” (John Stuart Mill) do Nguyễn Văn Trọng dịch và “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang.

Hạng mục “Sách tra cứu”: “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên và “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” (Trịnh Xuân Thuận) do Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch.

Hạng mục “Sách giáo dục”: “Đại học Humboldt 200 năm” (Nhiều tác giả) và “Émile hay là về giáo dục” (Jean-Jacques Rousseau) do Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch.

Hạng mục “Sách kinh tế”: “Những đỉnh cao chỉ huy” (Daniel Yergin và Joseph Stanislaw) do nhiều người dịch và “Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa của Việt Nam” của Trần Văn Thọ.

Hạng mục “Sách thiếu nhi”: “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán và “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” (Luis Sepúlveda) do Phương Huyên dịch.
 
Hạng mục “Sách văn học”: “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác và “Trăm năm cô đơn” (Gabriel Garcia Marquez) do Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng dịch.

Hạng mục “Dấu ấn mới”: “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú.

Xứng đáng là sách hay

Nhìn vào danh sách đoạt giải kể trên, độc giả nói chung mới chỉ cảm thấy quen thuộc với một số tác phẩm đã quá nổi tiếng như: “Trăm năm cô đơn”, “Sông Côn mùa lũ”, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên.

Những độc giả đại chúng sẽ cảm thấy xa lạ với những cuốn sách đoạt Giải Sách hay lần này. Tuy số lượng người đọc các cuốn sách trên không nhiều, nhưng nếu đã đọc đều phải thừa nhận chúng là sách hay và xứng đáng được vinh danh.

Những cuốn sách kinh điển của triết học và giáo dục học phương Tây là “Bàn về tự do” (1859) và “Émile hay là về giáo dục” (1762) đã được các nước châu Á phát triển như Nhật Bản dịch cách đây gần 100 năm. Sau khi xuất hiện những bản dịch đầy đủ và công phu ở Việt Nam, hai cuốn sách nói trên được đón nhận khá tốt và đã tái bản nhiều lần nên không ai ngạc nhiên khi hai cuốn sách nhận được giải lần này.

Không chỉ vinh danh những cuốn sách kinh điển mà Giải thưởng Sách hay 2012 cũng chú trọng những cuốn sách có giá trị định hướng cho thực tiễn hiện nay, như hai cuốn sách giành giải ở hạng mục “Sách kinh tế” là “Những đỉnh cao chỉ huy”“Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa của Việt Nam”. Đặc biệt, cuốn “Những đỉnh cao chỉ huy” cung cấp một cái nhìn khách quan về nhà nước và mối quan hệ nhà nước với thị trường. Cuốn sách cho người đọc thấy rằng nhờ nắm được “đỉnh cao chỉ huy”, nhà nước đã từng đóng vai trò rất to lớn trong sự phát triển quốc gia. Hoặc, qua cuốn sách “Đại học Humboldt 200 năm” nói về Đại học Humboldt (Berlin, Đức)-được xem là ngôi trường mở đầu của đại học hiện đại thế giới, các nhà khoa học muốn rút ra những kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đại học Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

Giải thưởng Sách hay năm nay cũng nhận được sự quan tâm của bạn đọc "nhí" khi vinh danh truyện thiếu‎ nhi “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Chi-lê Luis Sepúlveda. Cuốn sách có lẽ nên có trong tủ sách của thiếu nhi Việt Nam, bởi thông qua câu chuyện ngụ ngôn đầy hài hước, tác giả vẽ ra cả một thế giới vừa chân thực đến nghiệt ngã, nhưng cũng vừa cảm động đến ấm lòng. Trên hết, cuốn sách để lại những bài học có tính giáo dục cao về tình yêu thương.

Năm nay, giải thưởng Sách hay có 2 hạng mục mới đó là: “Sách tra cứu” và “Dấu ấn mới”. Nếu “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên đã được xem là một cuốn từ điển công phu, nổi tiếng từ gần 30 năm qua thì “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” của GS Trịnh Xuân Thuận lại mới mẻ với độc giả. Từ điển được viết bằng tiếng Pháp, không những đầy đủ mục từ mà còn được viết rất dễ hiểu để cho người đọc không chuyên môn về vũ trụ học cũng có thể tra cứu. Cuốn sách “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú đoạt giải “Dấu ấn mới”, bởi cuốn sách đã có những cố gắng mới trong việc giải mã bản sắc đất và người xứ Quảng.

Hy vọng trong giải Sách hay năm tới, sẽ có nhiều cuốn sách hay và mới được vinh danh. Vì lẽ, thông qua giải thưởng, các cuốn sách sẽ được nhiều bạn đọc quan tâm hơn, đem tri thức lan tỏa đến cộng đồng./.

(Trần Hoàng Hoàng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất