Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ
Vĩnh Phúc đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu trong thực hiện các quy trình về công tác cán bộ theo quyền hạn được phân công, phân cấp.
Trong giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đều tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chức danh theo vị trí việc làm; thực hiện đúng quy trình 5 bước đối với nhân sự tại chỗ hoặc 4 bước đối với nhân sự từ nơi khác. Việc tổ chức các hội nghị giới thiệu, biểu quyết nhân sự thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, đúng thành phần quy định.
Đổi mới công tác tuyển dụng
Việc đổi mới chế độ thi tuyển công chức được tập trung theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, đáp ứng các tiêu chí trong tình hình mới, chú trọng lựa chọn công chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy, tập trung, có phẩm chất đạo đức tốt. Trong tuyển dụng được thực hiện theo vị trí việc làm, không tuyển dụng trình độ trung cấp vào các cơ quan quản lý nhà nước. Số lượng tuyển dụng đảm bảo theo nguyên tắc chỉ tuyển dụng trong phạm vi số biên chế được giao và thay thế không quá 50% số biên chế giảm được trong năm; Không tuyển dụng đối với các đơn vị chưa thực hiện đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế. Thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng và thu hút người tài vào bộ máy hành chính nhằm bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của tỉnh, tạo nguồn để thực hiện chủ trương tăng cường công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20/11/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025.
Kết quả từ năm 2016 đến nay tỉnh đã tuyển dụng được 149 công chức, trong đó 143 công chức khối nhà nước và 06 công chức khối Đảng, đoàn thể.
Tuyển dụng được 3.336 viên chức, trong đó viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là 42 người; viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc thuộc sở và tương đương là 624 người; viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp cấp huyện 2.670 người.
Tuyển dụng viên chức theo Nghị định số 140/2017/NĐ- CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là 4 người.
|
Trong công tác tuyển dụng viên chức, để từng bước nâng cao chất lượng tuyển dụng viên chức của tỉnh, tỉnh đã yêu cầu việc tuyển dụng mới viên chức được thực hiện bằng hình thức thi tuyển. Trường hợp các cơ quan, đơn vị có số chỉ tiêu tuyển dụng ít, nếu không tổ chức được cuộc thi riêng thì tổng hợp những vị trí việc làm cần tuyển dụng báo cáo để chỉ đạo tổ chức thi chung.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thông qua việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chế độ, chính sách, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng đội ngũ; Hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ, trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức.
Từ năm 2016 đến nay đã tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 50.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức các cấp (bình quân mỗi năm trên 10.000 lượt), với tổng số kinh phí khoảng 80 tỷ đồng, cụ thể:
Về đào tạo sau đại học, đã chọn cử 76 người đi đào tạo sau đại học, tập trung vào các ngành: y tế, giáo dục (gồm 4 thạc sĩ, 35 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 2 nghiên cứu sinh, 35 bác sĩ chuyên khoa cấp II). Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, các huyện, thành ủy cũng đã chủ động cử công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học ở nhiều chuyên ngành khác nhau và một số cán bộ, công chức, viên chức tự túc tham gia các chương trình đào tạo thạc sỹ liên kết giữa các trường đại học trong nước và các cơ sở đào tạo ở ngước ngoài nên số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ sau đại học đến nay tăng mạnh, vượt trên 200% chỉ tiêu do tỉnh đề ra.
Về bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, đã tổ chức bồi dưỡng Cao cấp lý luận chính trị đối với 609 cán bộ, công chức, viên chức; bồi dưỡng Trung cấp lý luận chính trị đối với 4.259 cán bộ, công chức, viên chức; Bồi dưỡng quản lý nhà nước đối với 2.150 người, trong đó: bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên 1.559 người, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính 482 người; bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp đối với 109 người.
Về bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học, bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, Tin học cho 18.798 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Về bồi dưỡng các lớp kỹ năng chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp, khoảng 83.537 lượt cán bộ, công chức, viên chức
Về việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với Trường Đại học Portland và Trường Đại học Arizona của Mỹ. Hiện tại, đang triển khai việc lựa chọn địa điểm, phòng học kèm hệ thống máy tính nối mạng để triển khai chương trình bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh và cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tuy nhiên do một số khó khăn về thủ tục hợp tác nên chưa triển khai được.
Đến nay, cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đã đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học theo các chức danh, vị trí đảm nhiệm.
Năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 27.631 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó khối đảng, đoàn thể: 942 người, trong đó 762 công chức, 96 viên chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 85 người; khối chính quyền 26.613 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó: công chức cấp tỉnh, huyện, xã 3.849 người, viên chức 22.380 người, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 384 người.
|
Đổi mới, nâng cao chất lượng bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
Vĩnh Phúc đã sửa đổi, bổ sung, ban hành và thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ. Quan tâm bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ trẻ, cán bộ nữ để đảm bảo tính kế thừa, phát triển, bình đẳng giới và tạo nguồn cán bộ, khắc phục tình trạng hụt hẫng trong công tác cán bộ; đồng thời kiên quyết điều động, thay thế những cán bộ có biểu hiện tư duy nhiệm kỳ, trì trệ trong xem xét, giải quyết công việc, mất đoàn kết nội bộ, cán bộ uy tín thấp theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời gian bổ nhiệm.
Từ năm 2019, tỉnh đã xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo bằng hình thức thi tuyển đối với 8 lãnh đạo cấp phòng. Việc tổ chức thi tuyển đảm bảo công khai, khách quan, đảm bảo tính cạnh tranh. Các vị trí thi tuyển đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo chức danh, vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định.
Tăng cường công tác điều động, luân chuyển cán bộ, tập trung vào các địa bàn khó khăn, trọng điểm để tăng cường sự lãnh đạo và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ. Tổ chức gặp mặt cán bộ được luân chuyển để nắm bắt tâm tư, nguyên vọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giao nhiệm vụ cho cán bộ luân chuyển. Kết hợp luân chuyển với chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương để khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Hiện tại, cơ bản các huyện, thành phố có cán bộ luân chuyển, trong đó có 6 đơn vị, bí thư cấp huyện không là người địa phương là Huyện Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên; 4 đơn vị, chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương là huyệnTam Dương,Tam Đảo, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên. Toàn tỉnh có 43 cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được luân chuyển xuống xã; nhiều địa phương đã thực hiện luân chuyển ngang cán bộ, công chức cấp xã với nhau.
Đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét
Xác định đánh giá là khâu tiền đề, quyết định trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng quy định tiêu chí đánh giá và đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan sử dụng, cơ quan kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và người đứng đầu trong đánh giá, xếp loại cán bộ. Xây dựng hệ thống thang điểm theo các tiêu chí quy định và thực hiện quy trình nghiêm túc trong bình chọn cán bộ đươc xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... do đó đã từng bước cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ.
Từ năm 2018, thực hiện chủ trương đánh giá đa chiều theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sửa đổi, bổ sung phương pháp đánh giá của tỉnh cho phù hợp với hướng dẫn mới của Trung ương, kết quả đánh giá tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ cán bộ xếp loại xuất sắc giảm theo hướng thực chất và đúng định hướng, quy định của Trung ương.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công chức công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính
Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính đã được quan tâm, đổi mới. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, chỉ ra các ưu điểm, tồn tại hạn chế và vi phạm khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức về chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, văn hóa công sở; kịp thời ban hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh và là căn cứ để bình xét thi đua.
Thu Hằng