Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng
là công việc hệ trọng, là yêu cầu tất yếu, khách quan, có tính quy luật,
là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của giai cấp, của dân tộc.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa X, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo
luận và thông qua Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007, về tiếp tục đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính
trị.
Sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết đã tác động mạnh mẽ cả về nhận thức
và hành động của hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên, qua
đó thấy rõ được yêu cầu cấp bách và những hiệu quả rõ nét trên thực tế
của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Thực tiễn đã chứng minh, nhờ thường xuyên quan tâm, đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với
tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt kể từ khi Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, Đảng
ta đã lãnh đạo đất nước, nhân dân giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử, mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước. Phương thức
lãnh đạo của Đảng đã từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu của thực
tiễn, qua đó khẳng định những giá trị to lớn của Nghị quyết Trung ương 5
khóa X cả về lý luận và thực tiễn.
KHÔNG NGỪNG BỔ SUNG, HOÀN THIỆN
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng Cương lĩnh,
đường lối, chủ trương của mình, hình thức là các nghị quyết. Đây là điều
cơ bản nhất, bởi các nghị quyết của Đảng chính là sự kết tinh bản lĩnh
chính trị, trí tuệ tập thể.
Nếu nghị quyết của Đảng không phù hợp, sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.
Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu, bảo đảm cho
thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi
mới mạnh mẽ và phát huy hiệu quả thông qua việc ban hành, thực thi
Cương lĩnh, đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất
nước và xu thế của thời đại.
Trước yêu cầu thực tiễn, Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành ngày 30/7/2007 nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Qua 15 năm thực hiện, Đảng ta
không ngừng hoàn thiện, đổi mới, chú trọng đưa đường lối, chủ trương
của Đảng vào cuộc sống, thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, nhân dân làm chủ”.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng
trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh của Đảng;
nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và phát huy trách nhiệm của các cơ
quan nhà nước, tinh thần thượng tôn pháp luật, khắc phục tình trạng
buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay Nhà nước.
Có thể khẳng định, phương thức lãnh đạo phải gắn liền với vai trò
lãnh đạo của Đảng, chỉ có phương thức lãnh đạo hiệu quả thì đường lối,
chủ trương đúng đắn của Đảng mới được đưa vào thực tiễn cuộc sống.
Các nghị quyết đã được xây dựng, ban hành phải phù hợp với thực tiễn,
phù hợp mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, mới nhanh chóng được triển
khai, mang lại hiệu quả thiết thực, đưa đất nước vượt qua khó khăn, giữ
vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của
nhân dân với Đảng.
Gần đây, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng,
cũng đã thể hiện phương thức, cách làm mới, khoa học, bài bản, có sự
phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự
đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
theo đúng tinh thần "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng
lòng" và "dọc ngang thông suốt".
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội
khóa XV đã tổ chức 2 kỳ họp; Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
ngành Nội chính, Văn hóa, xây dựng Đảng, Đối ngoại đã lần lượt tổ chức
hội nghị toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng. Tất cả các hội nghị đều được kết nối trực tuyến với bộ, ban, ngành
và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các cấp ủy và tổ chức đảng các
cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị khẩn
trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết
phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị
mình; phải làm hết sức thiết thực, tránh hời hợt, hình thức.
Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp,
đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách
nhiệm, tạo sự thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào cuộc sống, hướng tới mục
tiêu xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng
hạnh phúc; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh.
KỊP THỜI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN
Nhìn lại các nhiệm kỳ đại hội có thể nhận thấy, các nghị quyết chuyên
đề được ban hành rất kịp thời, đầy đủ và rất trúng, đáp ứng yêu cầu
thực tiễn, được triển khai nhanh chóng và đạt những bước chuyển biến
tích cực.
Đi lên từ một nước nông nghiệp, vì vậy công cuộc phát triển nông
nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của người dân nông thôn luôn được
toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn và đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện sau
15 năm triển khai thực hiện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp,
xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy
phát triển kinh tế-xã hội. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà
nước ngày càng được củng cố, nâng cao.
Nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò chiến lược của vấn đề tam
nông, tại Hội nghị lần thứ 5, Khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã
tiếp tục thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về phát triển nông nghiệp,
nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến mục
tiêu nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, nông thôn thịnh vượng.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đất đai luôn là tài nguyên đặc
biệt, nguồn lực quý của quốc gia. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XI được ban hành nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài
nguyên đất đai. Qua quá trình triển khai thực hiện, nhiều vấn đề thực
tiễn đã phát sinh, đặt ra yêu cầu cấp thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện thể
chế, chính sách, pháp luật về đất đai.
Do đó, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã
thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, về tiếp tục đổi mới,
hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và
sử dụng đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có
thu nhập cao.
Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác
có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, cho đúng, sát
thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, bảo đảm
hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực
và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang
phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước
phát triển, thu nhập cao.
Dựa vào đặc điểm địa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc
phòng, an ninh, nước ta hình thành 6 vùng, gồm vùng trung du và miền núi
Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền
Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu
Long.
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng nhằm khai
thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và các địa
phương trong vùng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an
ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng cũng đã đề ra chủ trương: "Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao
chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt
hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng,
điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng
cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá
trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...”.
Sau gần 2 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát
triển vùng, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành các nghị quyết về phát
triển vùng. Trong đó có Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về Phương
hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung
du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số
13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo
đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX
và khóa XI về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc
phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, thời kỳ
2011-2020, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về
vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế
của vùng.
Mới đây, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về
Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh
vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều
đó thể hiện rõ khát vọng, ý chí, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước,
nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong
vùng, xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát
triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả
nước.
Là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và
thế giới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho
phát triển vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải
sản và trái cây lớn nhất của cả nước.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII đã cập nhật, bổ
sung các quan điểm, chủ trương mới của Đảng thời gian gần đây, đặc biệt
là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2030 vùng
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang
đậm bản sắc văn hóa sông nước; đến năm 2045 trở thành vùng phát triển
toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa
sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh
tế-xã hội đồng bộ, hiện đại.
Ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội
nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW
và Nghị quyết 13-NQ/TW kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong
các vùng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các
nghị quyết này nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các bộ, cơ quan
trung ương và các địa phương trong từng vùng. Chính phủ yêu cầu Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong các vùng nghiêm túc triển khai
thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã
được đề ra; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao
trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu
quả các nhiệm vụ được giao./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)